Chân dung 10 anh hùng giữa đời thường

,
Chia sẻ

Tạp chí nổi tiếng Time (Mỹ) vừa công bố danh sách bình chọn 10 anh hùng giữa đời thường nổi bật nhất của năm 2009. Mỗi nhân vật trong danh sách này đều gắn với một câu chuyện phi thường.

1. Quyết định cứu 155 mạng người


Ngày 15/1/2009, chiếc máy bay Airbus A320 của hãng hàng không US Airline vừa cất cánh từ sân bay LaGuardia ở New York đã đâm vào một đàn chim. Một con chim bị mắc kẹt trong động cơ máy bay khiến cả phi hành đoàn lẫn hành khách vô cùng hoảng loạn, trước nguy cơ máy bay gặp tai nạn. Đứng trước tình huống vô cùng cấp bách, cơ trưởng Chesley Sullenberger đầy quyết đoán và dũng cảm đã quyết định cho máy bay hạ cánh xuống sông Hudton, bảo toàn mạng sống cho 155 hành khách.

2. Anh hùng không chủ định
 

Neda Agha-Soltan, nữ sinh viên 26 tuổi người Iran, đã ngẫu nhiên trở thành anh hùng từ một sự kiện bi thảm xảy ra vào ngày 20/6/2009, khi cô bước ra khỏi xe hơi gần nơi xảy ra một cuộc xung đột giữa phe ủng hộ và phe phản đối Chính phủ ở Iran. Người con gái trẻ vốn ít quan tâm đến chính trị này đã bị một phát đạn bắn xuyên ngực. Những khoảnh khắc đau đớn của cô đã được đưa lên mạng internet, trở thành “cái chết được nhiều người chứng kiến nhất trong lịch sử nhân loại”. Nada là đại diện cho hàng nghìn người đang phải chịu đựng chính sách trừng trị thẳng tay của chính quyền Mahmoud Ahmadinejad.

3. Quyết tâm thực hiện ước mơ phi thường


Sau sinh nhật lần thứ 16 của mình, Mike Perham, một thiếu niên người Anh, đã quyết định thực hiện ước mơ đi vòng quanh thế giới bằng thuyền mà cậu hằng ấp ủ. Mike khởi hành từ Portmouth, miền Nam nước Anh vào ngày 15/10/2008. Sau chín tháng lênh đênh trên biển, vượt qua hàng loạt những khó khăn, cậu đã đi qua châu Phi, Úc, New Zealand, kênh đào Panama và về đích ở Cornwall vào ngày 26/9/2009. Cậu trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm thực hiện ước mơ của tuổi trẻ.

4. Đối đầu với cướp biển


Đầu tháng 4/2009, tàu chở hàng Maersk Alabama của Mỹ bị một nhóm cướp biển Somali tấn công. Thuyền trưởng 53 tuổi Richard Phillip đã thuyết phục bọn cướp biển giữ ông làm con tin, để đổi lấy tự do cho 19 thủy thủ. Bọn cướp chấp nhận. Richard bị giữ ở trên thuyền của bọn cướp biển năm ngày, cho đến khi lực lượng Hải quân Mỹ tiêu diệt được toán cướp biển. Hành động cao thượng và mưu trí của ông được ca ngợi trên rất nhiều tờ báo trong nước và quốc tế.

5. Dũng cảm đương đầu với kẻ sát nhân
 
Nữ cảnh sát Kimberley khi đang điều trị vết thương
 

Ngày 5/10/2009, nước Mỹ chấn động trước một bi kịch kinh hoàng. Một viên Đại tá quân đội tên là Nidal Malik Hasan đã xả súng vào những người đang có mặt trong tòa nhà tại căn cứ quân sự Fort Hood ở Texas, giết chết 13 người và làm bị thương gần 40 người. Số người thiệt mạng và bị thương chắc chắn đã cao hơn nếu như nữ cảnh sát dân sự Kimberley Munley và Mark Todd, người đồng sự của cô, không dũng cảm ngăn chặn kẻ giết người.

Ba phút sau khi nhận được thông báo về vụ tấn công, nữ cảnh sát Munley đã có mặt tại hiện trường, cùng đồng đội tìm cách vô hiệu hóa tên sát nhân. Cô bị bắn ba phát đạn vào chân và cánh tay trước khi Mark đá văng được khẩu súng của kẻ sát nhân và hạ gục hắn.

6. Không khoanh tay trước cái xấu
 
Lisa Campbell (bên trái) cùng đồng nghiệp Ally Jacobs
 

Ally Jacobs và Lisa Campbell là những người có công lật tẩy bộ mặt của kẻ phạm tội trong vụ án Jaycee Lee Dugard bị bắt cóc và bị lạm dụng suốt 18 năm tại hạt Costa, bang California (Mỹ). Khi kẻ bắt cóc Phillip Garrido đến Đại học Berkeley tuyên truyền cho một sự kiện tôn giáo, Lisa đã cảm thấy có gì đó không bình thường giữa hắn và hai cô con gái của hắn. Cô đề nghị cảnh sát Ally Jacobs điều tra về con người này và từ những phát hiện của họ, cảnh sát đã vén bức màn bí mật của một trong những vụ bắt cóc trẻ vị thành niên phi nhân tính nhất lịch sử nước Mỹ, trả lại tự do cho Jaycee sau gần hai thập kỷ chịu ngược đãi về thể xác và tinh thần.

7. Tiếng nói từ một thảm họa

Trong vụ động đất ở Tứ Xuyên, hàng nghìn em nhỏ đã thiệt mạng khi trường học của các em bị sập. Cha mẹ của các em đặt ra câu hỏi: Tại sao con họ lại thiệt mạng khi chúng ở trong những tòa nhà được xây dựng kiên cố như vậy? Một người đàn ông 55 tuổi tên là Tan Zuoren đã lập danh sách các học sinh thiệt mạng trong những đống đổ nát, khiến dư luận không thể không nhìn lại việc xây dựng những tòa nhà “đậu hũ” rẻ tiền dễ sập đổ đã tồn tại trước khi trận động đất xảy ra.

8. Anh hùng thời khủng hoảng
 
Ông Leonard Abess trong sự tán thưởng của mọi người
 

Sau khi một phần ngân hàng City National Bank ở Florida được bán đi, ông Leonard Abess đã đem số tiền lợi tức trị giá 60 triệu USD mà ông được hưởng, chia cho 471 nhân viên làm việc tại ngân hàng (kể cả người đã nghỉ hưu). Ông Leonard làm việc này một cách thầm lặng và chỉ khi báo chí địa phương khám phá ra sự việc, nghĩa cử cao đẹp của ông mới được đông đảo công chúng biết đến.

9. Nhà báo can đảm


Nhà báo người Sultan Munadi từng có cơ hội phát triển ở nước ngoài, nhưng anh vẫn lựa chọn sống và làm việc tại đất nước Afghanistan đầy bất ổn. Ngày 4/9/2009 Munadi và đồng nghiệp là Phóng viên tờ Times Stephen Farrell bị quân Taliban bắt cóc. Ít ngày sau, trong vụ giải cứu con tin của quân đội Anh, Munadi đã bị bắn chết. Trước khi bị bắt làm con tin, nhà báo 34 tuổi, cha của hai đứa con, đã viết trên blog của mình như sau: “Nếu tôi rời khỏi đất nước này, nếu những người khác cũng rời khỏi đây, thì còn ai sẽ đến Afghanistan?”.

10. Hy sinh thân mình cứu người trong lũ
 
Mẹ Muelmar Magallanes khóc bên thi hài con trai

Đó là câu chuyện về tấm gương dũng cảm, hy sinh mạng sống của mình vì người khác của anh công nhân xây dựng 18 tuổi người Philiphines Muelmar Magallanes. Cơn bão Ketsana quét qua Thủ đô Manila đã mang theo một đợt mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua, khiến nhiều vùng dân cư chìm trong biển nước. Sau khi nghe tin nước sông đã tràn bờ, Muelmar nhanh chóng đưa gia đình lên chỗ cao để tránh lũ. Sau đó, anh đưa thêm được 30 người hàng xóm tới nơi an toàn. Sau khi cứu được một người mẹ và đứa con nhỏ từ chiếc mảng trôi sông, Muelmar kiệt sức và bị lũ cuốn đi. 
 
 
Theo Nguyễn Bích Lan
TGPN
Chia sẻ