Chán công việc, Gen Z giờ chuộng mốt "ứng tuyển trả thù": Chủ động tạo nhiều cơ hội việc làm cho bản thân nhưng dễ rơi vào vòng xoáy bất ổn
Việc quá bất mãn với công ty đã khiến nhiều người trẻ đưa ra quyết định nghỉ việc và ứng tuyển vào hàng loạt các công ty.
Những năm vừa qua, rất nhiều xu hướng việc làm của giới trẻ đã dần trở nên phổ biến nhờ có nền tảng mạng xã hội TikTok, từ "ngày thứ 2 tối thiểu" đến "nghỉ việc trong yên lặng" và giờ là "ứng tuyển trả thù".
Redweez, một người trẻ đến từ Canada đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông, nói với những người theo dõi trên TikTok rằng: "Tôi phát điên với công việc và tôi đã nộp đơn ứng tuyển tới 15 công ty một cách điên cuồng. Sau đó tôi nhận được một công việc có mức lương hơn công việc cũ tới 25.000 đô la và đó là một nơi tuyệt vời để làm việc. Vì vậy, hãy thử áp dụng phương pháp này nhé".
Ngay sau khi được đăng tải, đoạn video này đã thu hút tới hơn 2 triệu lượt xem và được chia sẻ khoảng 20.300 lần, theo một báo cáo trên tạp chí Fortune. Kể từ đó, ứng tuyển trả thù đã trở thành một xu hướng mới trong giới trẻ.
Được biết, ứng tuyển trả thù (rage - applying) là cụm từ để chỉ việc những lao động trẻ điên cuồng nộp đơn ứng tuyển xin việc vào hàng loạt các công ty trong thời điểm họ đang bất mãn, chán nản với công việc hiện tại để tìm ra công việc có mức lương như họ mong muốn.
Điên cuồng ứng tuyển để trả thù công việc
Sau khi xu hướng này trở nên phổ biến, ngày càng có nhiều người dùng TikTok áp dụng và đăng tải câu chuyện của mình lên mạng xã hội này.
Trong đó, video của một TikToker tên Christen đã lan truyền chóng mặt sau khi cô ấy tuyên bố rằng cô ấy được tăng lương 20% nhờ chuyển đổi công việc và thu về hơn 3 triệu lượt xem.
Cứ như vậy, trên TikTok xuất hiện hàng loạt các video nơi người dùng bày tỏ sự không hài lòng với công việc của họ khi họ luôn cảm thấy bị bóc lột, không được tôn trọng, không được tăng lương, thăng chức. Do quá bực tức, họ quyết định "rải CV" ở hàng chục công ty khác nhau nhằm tìm kiếm "lối thoát".
Những TikToker này tuyên bố trong vòng vài ngày hoặc vài tuần sau khi nộp hồ sơ, họ nhận được nhiều lời mời làm việc với mức lương tăng đáng kể. Những người này cũng nói rằng công việc mới rất tuyệt, quản lý mới cũng rất tuyệt.
Dễ rơi vào "vòng xoáy bất ổn"
Dù có nhiều người cho rằng việc nộp đơn ứng tuyển vào hàng loạt các công ty giúp họ có nhiều lựa chọn công việc và có thể có được mức lương cao hơn nhiều so với công việc cũ, xu hướng này cũng không phải không có mặt trái. Và được trả nhiều tiền hơn không đồng nghĩa với việc bạn sẽ hài lòng với công việc hoặc công việc mới sẽ đảm bảo được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của mỗi người.
Theo chuyên gia tư vấn nghề Ayesha Murray, một quyết định vội vàng khi cảm xúc dâng trào không phải là công thức dẫn đến thành công. Bên cạnh đó, mức lương cao hơn hay có một người sếp tử tế hơn cũng không đảm bảo được rằng đây là một công việc tốt.
"Hãy xem xét việc nhà tuyển dụng tương lai có thể cảm nhận thế nào về một sự ra đi bốc đồng. Điều đó có tạo ấn tượng rằng họ đang tuyển dụng một người làm việc tính toán và không có cam kết lâu dài hay không."
"Bạn cần hiểu lý do từ việc tại sao bạn muốn rời công ty hiện tại đến việc xem xét những gì bạn thực sự muốn từ một công việc mới. Điều đó cần một quá trình suy xét và tính toán kỹ lưỡng nhất định" - cô cho biết.
Bên cạnh đó, Ayesga cho rằng việc quyết định ứng tuyển và nghỉ việc trong lúc bốc đồng chỉ có khả năng xoa dịu cơn tức giận của người lao động trong khoảnh khắc. Nó cũng có thể làm cho người trẻ dễ rơi vào vòng xoáy "khó thỏa mãn bản thân"khi họ sẽ luôn cho rằng mình có thể tìm được công việc tốt hơn ngoài kia, tạo nên tâm lý khó gắn bó với một công việc nào đó trong thời gian dài.
Nguồn: Firstpost