Chăm sóc trẻ bị thủy đậu đúng cách tránh các biến chứng nguy hiểm
Bệnh thủy đậu có tính chất lành tính nên thường được theo dõi, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng, nhất là đối với trẻ.
Thời tiết đông xuân là điều kiện thuận lợi để virus bệnh thủy đậu phát triển và lan rộng. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 28/2, toàn tỉnh đã ghi nhận 32 trường hợp mắc thủy đậu, tập trung nhiều nhất ở huyện Lắk và TP. Buôn Ma Thuột.
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những tuần vừa qua đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh thủy đậu nhập viện điều trị.
Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, thủy đậu là bệnh thường gặp ở trẻ em và cả người lớn. Bệnh do virus gây ra, thường gặp trên những người suy giảm miễn dịch và chưa được tiêm chủng. Đây là bệnh lý biểu hiện ngoài da và các cơ quan.
Đầu tiên khi trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh thủy đậu khoảng 1-2 tuần, trẻ sẽ có dấu hiệu ớn lạnh, sốt, sau đó xuất hiện các nốt ban mọc trên mặt rồi đến đầu, cổ, thân, tay, chân. Bệnh phát từ 2-3 ngày sau đó các nốt sẽ tự đóng vảy, tạo sẹo và biến mất trong khoảng 3-4 ngày sau. Đa phần bệnh thủy đậu sẽ để lại sẹo sau đó nếu không được chăm sóc kỹ, ngoài ra một số trường hợp có thể gặp biến chứng nặng của bệnh thủy đậu. Thủy đậu lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc da ở các nốt tổn thương do bóng nước gây ra.
Cũng theo bác sĩ Minh, đối với một số cơ địa, đặc biệt là trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh mãn tính khi mắc thủy đậu sẽ gây biến chứng viêm màng não, viêm phổi, và các biến chứng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại các di chứng sau này. Đa phần trẻ mắc sẽ để lại sẹo gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tùy vào mức độ mắc, đã được tiêm phòng hay chưa và cơ thể đề kháng của trẻ mà các biến chứng có thể nhiều hay ít.
Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần lưu ý, ngoài việc hạ sốt, uống thuốc theo đơn bác sĩ thì việc chăm sóc các nốt tổn thương da rất quan trọng. Vì tổn thương da nếu không chăm sóc cẩn thận, bị nhiễm trùng, sẹo sau này sẽ rất xấu và có thể bội nhiễm gây nhiễm trùng các cơ quan khác.
Việc chăm sóc tổn thương da cho trẻ thủy đậu cần giữ sạch sẽ cho các tổn thương da bóng nước, có thể sử dụng thuốc sát trùng nếu có bội nhiễm và không bôi các loại thuốc không rõ nguồn gốc lên các vết bóng nước. Khi các bóng nước có dấu hiệu nhiễm trùng phải được hướng dẫn sử dụng biện pháp điều trị nhiễm trùng để tránh việc làm tổn thương các nốt nhiều hơn gây sẹo, gây bội nhiễm các cơ quan khác. Đối với bệnh thủy đậu, không hạn chế tắm rửa mà ngược lại càng vệ sinh sạch sẽ cho trẻ càng tốt.
Về dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi, uống nhiều nước. Nếu quá trình chăm sóc, trẻ sốt cao liên tục không hạ được, có các dấu hiệu thần kinh như li bì, khó đánh thức, nôn, co giật, khó thở… thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế kịp thời.
"Hiện nay, bệnh thủy đậu đã có vaccine phòng bệnh. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm phòng để tạo cho trẻ sự miễn dịch chủ động đối với bệnh lý này. Thứ 2, để trẻ ít khả năng mắc bệnh, không nên cho trẻ chơi hoặc tiếp xúc gần với những người chăm sóc hoặc những người đang mắc bệnh thủy đậu. Thứ 3, khi nghi ngờ con mắc thủy đậu thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán kịp thời", bác sĩ Minh khuyến cáo.