Chăm chồng, trăm sự nhờ "osin"

,
Chia sẻ

"Ôsin" đi vắng, đó là lúc nhiều người vợ chợt nhận ra họ đã không còn giữ vai trò quán xuyến trong gia đình.

Chị Thanh Hoa, nhân viên PR của công ty Trường Phát, quận Tân Bình, TP HCM, rất tự hào rằng mình tự tay nấu cho chồng bữa ăn ngon cuối tuần. Thế nhưng, để làm được điều đó, chị phải nhờ người giúp việc tư vấn món, đi chợ, sơ chế sạch, bóc từng củ hành củ tỏi để sẵn. Từ ngày người giúp việc về quê ăn Tết không trở lại nữa, mọi sinh hoạt nhà chị rối tung. Bữa cơm nào cũng tối mịt trong tiếng khóc lóc của con. Nhà cửa bừa bãi, bữa ăn đầm ấm cuối tuần trở nên xa xôi...

Nhiều gia đình bị phụ thuộc vào người giúp việc.

Cũng dở khóc dở cười vì nhà lâm vào cảnh “hụt” người giúp, chị Thùy Trang, phóng viên một tờ báo ở TP HCM, sụt mất hai cân chỉ sau một tháng. “Sáng dậy sớm nấu bữa sáng rồi đưa con đi học. Chiều ông ấy đón con thì mình phải ghé siêu thị mua thức ăn. Ăn tối và dọn rửa xong xuôi thì đã gần nửa đêm. Không hiểu vì sao khi chưa có bà ấy, mình làm việc nhà bình thường, mà giờ thấy việc gì cũng mệt, cũng khó”, Trang tâm sự.

Không chỉ là trợ thủ đắc lực cho những bữa cơm, người giúp việc của gia đình chị Minh Hoài còn là “chuyên gia hàn gắn”. Người giúp việc nhà chị Lê Thị D., công ty Trung Thiên, quận 10, TP HCM, thì phát hiện chồng chị có bồ nên đã âm thầm “hành động”. Bà cầm theo chiếc giày của chị và bắt xe ôm bám theo anh chồng. Để chiếc giày ấy trước cửa phòng nhà nghỉ của đôi tình nhân, bà khấp khởi ra về. Thấy "hiện trường", anh chồng tái mặt. Về nhà, thấy vợ không có biểu hiện gì, anh nghĩ chị đang cho một cơ hội. Vừa hối hận, vừa nể phục vợ, anh đã cố gắng thoát ra được mối quan hệ kia.

Bà Thùy Tâm, Giám đốc công ty tư vấn Hồn Việt, TP HCM, cho rằng người giúp việc là một nhu cầu thiết yếu khi quỹ thời gian trở nên hạn hẹp. Thế nhưng, để họ chiếm một vai trò lớn trong gia đình thì cũng giống như con dao hai lưỡi. Khi không còn họ, mọi điểm yếu của người phụ nữ sẽ dễ dàng bộc lộ.

Theo bà Tâm, các cặp vợ chồng nên có một kế hoạch tổng thể hơn, và nên chủ động trước trường hợp vắng người giúp việc trong nhà. “Phải xác định rằng họ chỉ giúp việc, còn người quán xuyến chính vẫn là người vợ, người chồng”, bà nói. Thực tế cũng cho thấy, không phải người giúp việc nào cũng có thể trở thành người tin cậy của gia đình. Một khi vai trò “nội tướng” chuyển sang họ, hạnh phúc đang có nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Theo Báo Đất Việt
Chia sẻ