"Chạm": cảnh nóng là để gửi gắm thông điệp

Thu Thủy,
Chia sẻ

Bức thông điệp nói rằng: đã là con người, xin hãy chạm vào nhau!

Chân thực như cuộc sống

Bộ phim của đạo diễn Việt Kiều Nguyễn Đức Minh có lẽ hay nhất ở cái tên: "Touch" - "Chạm"! Chỉ một từ mà đủ diễn tả mọi điều, những điều thầm kín và sâu sắc nhất trong thế giới nội tâm chằng chịt cảm xúc của con người.

"Touch" lần đầu tiên đề cập đến chuyện người Việt làm nail ở Mỹ

Câu chuyện trong "Touch" rất đơn giản. Tất cả chỉ xoay quanh Brendan (John Ruby) - một anh chàng thợ máy muốn làm sạch đôi bàn tay ngày nào cũng dính đầy dầu mỡ của mình. Anh ta tìm đến một tiệm nail. Ở đó, anh gặp một cô thợ làm móng xinh đẹp nhưng kiệm lời tên Tâm (Porter Lynn). Ngày qua ngày, Tâm không chỉ giúp Brendan cọ sạch đôi bàn tay mà còn chỉ cho anh cách thoát khỏi những bế tắc trong cuộc hôn nhân của mình.

Nhưng có một điều Brendan không biết, đó là Tâm cũng có những bế tắc của riêng cô. Muốn giải tỏa nó, cô cần chạm vào một ai đó...

Brendan ngày ngày tới tiệm nail để nhờ Tâm cọ sạch đôi bàn tay cáu bẩn 

Lấy bối cảnh là một tiệm nail nhỏ bé trên đất Mỹ, câu chuyện của "Touch" chân thật như chính cuộc sống. "Touch" không có thơ, không có những đoạn thoại hoa mỹ của các "nam thanh nữ tú". "Touch" đầy đủ những âm thanh xô bồ của đời sống, nơi những cô thợ làm móng "tám" đủ mọi chuyện trên đời: chuyện chồng con, chuyện chợ búa, chuyện bà này xấu, cô kia đẹp, và nhiều nhất, có lẽ là chuyện... tình dục.

Tình dục của vợ chồng già, của đôi trẻ mới yêu, tất cả đều được đem ra mổ xẻ, bằng những ngôn ngữ rất đời thường, tuệch toạc, chân chất.

"Chạm" là để yêu thương

Chủ đề "chạm" xuyên suốt chiều dài bộ phim. Nó là mục đích của Brendan tìm đến Tâm. Vợ anh không cho anh chạm vào người trong suốt hơn 10 tháng chỉ vì đôi bàn tay thợ máy cáu bẩn. Tâm giúp anh, nhưng chính cô cũng gặp vấn đề với "chạm". Cha cô luôn cho cô là "không bình thường" vì có thói quen thích ôm người khác.

Trong phim, Nguyễn Đức Minh khai thác rất nhiều cảnh nóng: cảnh ân ái của Brendan và vợ, cảnh thân mật của Brendan và Tâm, cảnh Tâm gần gũi với Kỳ - người đàn ông theo đuổi cô...

Nhưng những chi tiết ấy có lẽ cũng chỉ để gửi gắm một bức thông điệp, rằng trong sâu thẳm nội tâm của con người, ai cũng có khao khát yêu và được yêu.


Nhiều cảnh nóng được khai thác trong phim

Brendan khao khát chạm vào vợ anh, vì anh yêu cô và muốn được cô yêu. Tâm có thói quen ôm mẹ từ thuở nhỏ, nhưng bị cha ngăn cấm, nên lúc nào cô cũng khao khát điều đó như khao khát tình yêu thương còn thiếu. Chính sự khao khát ấy đã đẩy cô đến với Brendan, bằng những đụng chạm xác thịt nhưng không trần trụi mà vô cùng tinh tế. Khao khát ấy cũng mang cô lại với Kỳ. Và cảnh nóng giữa hai nhân vật này có lẽ là minh chứng rõ nhất cho bức thông điệp "chạm", khi đôi trai gái trần trụi ôm lấy nhau trong 3h đồng hồ mà không hề nảy sinh một ham muốn thể xác nào. Đơn giản, chỉ là "chạm" vào nhau, đến gần nhau hơn, để tìm một chút bình yên giữa cuộc đời bão nổi.

Sự tỏa sáng của những vai diễn

Điểm sáng lớn nhất của "Touch" đều tập trung ở nhân vật nữ chính. Porter Lynn không đẹp đến "nghiêng nước nghiêng thành", nhưng ở cô có một sự quyến rũ khó tả khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình. Nhân vật Tâm toát lên cái thần của sự trong sáng, mong manh và buồn. Nét buồn lúc nào cũng vương trên gương mặt cô gái ấy đã tạo nên một sự tò mò đủ để giữ chân khán giả đến phút cuối cùng.

Điểm sáng của phim là nhân vật nữ chính do Porter Lynn thủ vai

Bên cạnh nhân vật nữ chính, những vai nữ phụ của các cô thợ làm nail cũng mang đến cho khán giả một ấn tượng mạnh. Theo đạo diễn Nguyễn Đức Minh, họ đều là những diễn viên không chuyên. Nhưng có lẽ, chính bởi không chuyên nên họ đã mang tất cả những gì quen thuộc trong đời sống vào vai diễn, và tạo nên một bộ phim sống động như chính hiện thực.

Chia sẻ