“Chai mặt” 3,5 năm, chàng thợ ảnh cưới được mỹ nhân Hà Nội gốc, 80 tuổi vẫn ngọt ngào, một lòng với em
Trong 3,5 năm theo đuổi, ông Tú chỉ nhận được sự thờ ơ, lạnh nhạt của bà Khanh. Thậm chí, ông còn phải đối mặt với rất nhiều "tình địch".
Lần đầu gặp đã trúng "tiếng sét ái tình"
Ông Lưu Xuân Tú năm nay đã bước sang tuổi 83, còn vợ ông, bà Trịnh Thị Ngọc Khanh cũng tròn 80 tuổi. Thế nhưng, ông bà vẫn xưng hô với nhau là anh - em rất ngọt ngào. Mỗi khi bà Khanh hỏi: “Anh còn yêu em bao nhiêu phần trăm?”, ông lại trả lời: “Vẫn y nguyên như xưa, thậm chí còn sâu đậm hơn”.
Ông bà có 2 người con đều đã trưởng thành, thành đạt, có gia đình riêng. Họ chỉ ở gần, chứ không sống chung với bố mẹ. Cuối tuần, ông bà dành trọn thời gian cho con cháu. Cuộc sống viên mãn của ông Tú, bà Khanh khiến bao người ngưỡng mộ.
Bà Khanh là người Hà Nội gốc, xinh đẹp, nhẹ nhàng, đảm đang, khéo léo. Lần đầu gặp bà Khanh qua một người bạn, ông Tú đã cảm nhận được bà là người phụ nữ duyên dáng, có tấm lòng nhân hậu. Ông Tú nghĩ mình không thể bỏ qua trường hợp này mà phải quyết tâm có được bà Khanh.
Bà Khanh năm đó đã ngoài 30, từng trải qua vài mối tình, lúc nào cũng có nhiều người theo đuổi nhưng bà không thích lấy chồng, cứ ở nhà chăm mấy đứa cháu. Chính vì thế nên ông Tú gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo đuổi bà Khanh. Mỗi lần ông Tú đến nhà chơi, bà Khanh lại kiếm cớ đi lên gác. Ông lên gác thì bà lại tìm cách đi xuống, sang nhà người bạn ở gần đó chơi, để lại ông một mình với gia đình.
Chưa lấy được lòng nàng, ông Tú lại lấy lòng của gia đình bà Khanh trước. Vốn là thợ ảnh, ông mang máy ảnh đến, chụp cho các thành viên trong gia đình bà Khanh rất nhiều ảnh đẹp. Nhà bà Khanh đông anh, chị, em nên dù bà không tiếp thì ông cũng không bị cảm thấy cô đơn vì vẫn có người nói chuyện.
Bị bà Khanh làm ngơ, tỏ thái độ lạnh nhạt, cũng có lúc ông Tú cảm thấy nản, muốn bỏ cuộc. Chưa kể trong thời gian đó, ông Tú còn gặp không ít “tình địch”, nhưng rồi ông vẫn quyết tâm theo đuổi.
Sau 3,5 năm ròng rã, cuối cùng bà Khanh đã rung động trước tình cảm của ông Tú. “Tôi cảm nhận anh ấy là người hiền lành, chất phác, chịu thương, chịu khó, yêu mình thật lòng. Anh kiên trì theo đuổi 3,5 năm, có phải ai cũng được như vậy đâu?
Thêm nữa là bố mẹ, anh chị em trong nhà cũng ưng thuận, giục dã tôi lấy chồng. Tôi ở trong nhà giống như “quả bom nổ chậm” nên bố mẹ lo lắm. Vậy là tôi đồng ý kết hôn”, bà Khanh bộc bạch.
Nịnh nọt, chăm làm việc nhà mỗi khi vợ giận
Sau khi kết hôn, vợ chồng ông Tú, bà Khanh cũng trải qua không ít khó khăn, vất vả về vấn đề kinh tế. Ông Tú ngoài việc ở cơ quan còn đi chụp ảnh thêm khắp nơi. Bà Khanh vừa dạy học, vừa đi bán hàng, may, sửa chữa quần áo,... kiếm thêm thu nhập trang trải. Có hôm nhà có khách, bà Khanh phải chụp vội lồng bàn vì mâm cơm chẳng có gì, chỉ có mỗi rau.
Mặc dù cuộc sống khó khăn như vậy, nhưng ông bà sống yên ấm, thuận hòa. Bản thân ông luôn san sẻ công việc gia đình với vợ. Hai lần bà sinh nở, ông luôn kề cạnh, chăm sóc vợ con.
Ông Tú kể, vì công việc của ông giờ giấc thất thường nên thỉnh thoảng bà Khanh giận dỗi. Rồi những lúc hai vợ chồng tranh luận, nói xong ông Tú lại đi ra chỗ khác. Nếu có bực mình quá thì ông ra ban công hoặc ra sông hét lên một cái là xong.
Bà Khanh giận thì hay im lặng. Ông Tú lại nịnh vợ hết kiểu này tới kiểu khác, chăm chỉ làm việc nhà nhiều hơn để bà bớt giận. Nói về bí quyết giữ tình cảm trọn vẹn suốt bao năm qua, bà Khanh tâm sự: “Theo tôi bí quyết là đạo đức, tư cách tôi để lên hàng đầu. Vì ông ấy rất tốt, lúc nào tôi cũng nghĩ là mình phải làm sao để xứng đáng với tấm lòng của người ta”.
Mỗi ngày, ông Tú cùng vợ đi đạp xe, đi chợ, nấu ăn, cùng chăm sóc cho nhau thật khỏe mạnh. Bà Khanh chỉ có 2 mong muốn là không hút thuốc lá lại nữa để bà không bực mình và 2 vợ chồng giữ tình cảm cho nhau vẹn nguyên đến cuối đời.
Nguồn: Tình trăm năm