Chái bếp thân thương

Lê Tấn Thời,
Chia sẻ

Chái bếp là nơi thổi bừng lên những tình cảm gia đình thân thương nhất; nơi khởi đầu của tình yêu thương con người, quê hương, đất nước

Những ngày cuối tuần, tạm xa cuộc sống thành thị, về quê thật thú vị. Dọc theo con đường làng rợp đầy bóng mát là đến nhà ngoại.

Cả nhà hớn hở ra đón đứa cháu ở xa mới về. Nhìn quanh quất không thấy bóng bà ngoại, vừa định hỏi thì cậu đã vội nói: "Ngoại ở sau bếp". Nhanh chân chạy ra sau, tôi thấy ngoại đang lui cui nhặt nhạnh những tàu lá dừa, cành củi khô chất vào góc bếp để dành nhóm bếp.

Xa quê bấy lâu, lần nào trở lại vẫn còn nguyên vẹn chái bếp sau nhà. Hồi nhỏ, thích quanh quẩn bên ngoại nơi góc bếp. Ngoại có tài kể chuyện thật cuốn hút: Cô Tấm bước ra từ quả thị giúp bà lão làm việc nhà; Lý Thông làm chuyện ác nên cuối cùng bị quả báo… 

Những câu chuyện thuở ấu thơ bên góc bếp đã gieo vào lòng tôi ký ức không thể nào quên. Tôi hiểu được thế nào là biết yêu thương, biết chia sẻ trong cuộc sống.

Lớn lên xa nhà nhưng tôi vẫn không quên mùi cá kho tiêu, mùi cơm cháy của những buổi đi học về muộn, nhanh chân chạy xuống bếp xem còn gì ăn không. Bếp của ngoại đỏ lửa từ lúc trời chưa sáng. 

Đó là lúc ngoại thức dậy thổi cơm cho cả nhà chuẩn bị ra đồng. Đó là lúc ông bà ngồi bên bếp lửa hồng, uống chung trà buổi sáng thấm đượm tình quê.

Những ngày mưa, bỗng dưng cả nhà thèm ăn bánh xèo. Bà đi ngâm gạo, ông xay bột, rồi cả nhà xúm quanh xem bà đổ bánh. Bánh ăn nóng ngay bếp thật ngon. 

Cho đến giờ, cái mùi bột sống, mùi bánh chín khê khê khét khét và nhất là tiếng xèo xèo khi đổ bột vào khuôn mỡ đang sôi là những ký ức khó phai mỗi khi thưởng thức món ăn dân dã này.

Một góc vườn không xa bếp của ngoại là không gian của các loại rau xanh. Trong lòng nỗi nhớ ấy, mùi vị quen thuộc của rau muống, rau bợ, rau chay, rau dừa... những cái tên gợi nhớ biết bao món ăn dân dã quen thuộc nơi quê nhà. 

Thuở nhỏ, mỗi bữa ăn mẹ thường dọn một chén canh nhỏ vừa đủ để ông bà dùng bên cạnh những món kho, món mặn mà ông bà ưa thích. Hầu như ngày nào cũng thế, không canh chua thì canh rau. 

Có đôi khi chỉ là nước rau muống luộc nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của mẹ lại trở thành món canh vừa miệng cho ông bà. 

Cho đến bây giờ, những lần ăn "ké" chén canh với ông bà vẫn đọng lại trong trí nhớ tôi. Đọt cóc nấu với tôm càng, khế nấu với hến, bông điên điển nấu chua với cá linh... 

Lúc bé thơ, đám con nít chúng tôi hay bị bệnh khi trái gió trở trời. Ngoại bảo mẹ tôi nấu những món ăn kèm với những loại rau mọc quanh vườn nhà. Thật lạ, sau khi ăn xong, chúng tôi tưởng chừng như bệnh tật bay đi đâu hết và tiếp tục tung tăng chạy nhảy!

Trong dòng chảy cuộc sống, những điều bình thường nhất hay bị lãng quên. Bất chợt trong khoảng thời gian nào đó, miền ký ức về góc bếp đong đầy những kỷ niệm vui buồn của cả nhà chợt thức giấc. 

Có phải vì thế mà có lần ngoại ngồi buồn mấy ngày khi nghe cậu định dẹp đi bếp củi vì nhà đã có bếp gas, bếp điện. 

Bởi với ngoại, chái bếp là nơi thổi bừng lên những tình cảm gia đình thân thương nhất. Đó là nơi khởi đầu của tình yêu thương con người, quê hương, đất nước. Hơn thế nữa, góc bếp cũng là một minh chứng cho những giá trị truyền thống từ bao đời của người Việt Nam. 

Chia sẻ