Cha mẹ thông thái nhất định phải tận dụng "tiền lì xì" để dạy con 5 bài học tuyệt hay này
Cách xử lý khác nhau về tiền lì xì Tết của cha mẹ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của những đứa trẻ.
Lì xì là một trong những phong tục không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Người Việt quan niệm, lì xì tượng trưng cho những điều may mắn mà ta có thể trao cho nhau, cầu mong mọi sự bình yên, hạnh phúc thuận lợi trong năm mới. Đây cũng là dịp để phụ huynh tận dụng, dạy con những bài học về đối nhân xử thế hay quản lý tài chính.
Theo đó, có 5 điều cha mẹ nên dạy con khi nhận tiền lì xì càng sớm càng tốt:
1. Dạy con lễ phép
Trong dịp Tết Nguyên đán, phải gặp gỡ làm quen nhiều người lớn tuổi, trẻ sẽ không tránh khỏi tâm lý nhút nhát, sợ người lạ. Cha mẹ khi ở nhà nên dặn dò và tập trước cho con việc chào hỏi. Và những người lớn cũng có thể chủ động chào trẻ trước, nhắc nhở mình là ai để trẻ làm quen dần.
Quan trọng nhất, nhân cơ hội này, khi trẻ nhận bao lì xì, hãy nhớ dạy con cảm ơn. Đừng mở bao lì xì hoặc bàn tán mệnh giá nhiều - ít trước mặt khách khứa. Tiền lì xì chỉ là một lời chúc, học cách ứng xử lịch sự còn quan trọng hơn.
2. Trẻ học được tính trách nhiệm
Không ít bậc cha mẹ quản lý rất chặt chẽ tiền lì xì vì sợ con chưa biết chi tiêu, nhiều người còn tự ý thu giữ, sử dụng tiền lì xì của con.
Tuy nhiên, cha mẹ nên để lại một phần tiền cho trẻ tùy ý sử dụng. Điều này có thể nuôi dưỡng khả năng tự lập của trẻ em trong việc mua sắm và chi tiêu hàng ngày. Cha mẹ có thể gợi ý trẻ sử dụng tiền lì xì để phục vụ cho việc học.
Nhiều trẻ thường nghĩ rằng tiền học hay tiền mua sách vở là trách nhiệm của cha mẹ. Nhưng bạn có thể nói, nếu trẻ để dành tiền và phục vụ cho nhu cầu học tập thì cha mẹ sẽ thấy rất vui, nhờ đó, trẻ cũng sẽ trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.
3. Dạy trẻ giá trị của việc quản lý tài chính
Việc để lại một phần tiền cho trẻ tùy ý sử dụng còn có thể thúc đẩy sự hiểu biết của trẻ về các khái niệm chi tiêu và thặng dư. Kinh nghiệm này nên được hình thành từ khi còn rất nhỏ, và dịp Tết là cơ hội tốt để cha mẹ dạy con những kiến thức bổ ích.
Khi con muốn dùng tiền lì xì mua đồ, bạn có thể hỏi một số câu như: "Con có cần món đồ này không?", "Con sẽ sử dụng món đồ được mua chứ?" hoặc "Tại sao món đồ này lại quan trọng với con?". Những câu hỏi này có thể đơn giản nhưng kích hoạt não bộ trẻ suy nghĩ, cân nhắc và tìm ra sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu. Nếu trẻ thích những đồ vật đắt tiền, bạn có thể biến đó thành cơ hội dạy về sự tiết kiệm.
Bố mẹ có thể mua cho trẻ một chiếc ví đựng tiền lẻ. Ngoài việc rèn luyện tính trách nhiệm với những món đồ quan trọng của mình, trẻ còn có thể kiểm soát mình còn bao nhiêu tiền. Trẻ cũng sẽ không cảm thấy rằng "tiền chỉ có thể thuộc về cha mẹ", từ đó học cách chi tiêu phù hợp.
Những đứa trẻ được tạo cơ hội đưa ra các quyết định tài chính từ sớm, phù hợp với lứa tuổi, và trải qua những tình huống khó xử trong chi tiêu có thể hình thành "thói quen tích cực trong tâm trí" khi nói đến tiền. Điều này tác động tới khả năng lập kế hoạch chi tiêu, thúc đẩy hành vi tích cực trong cuộc sống sau này.
4. Tiền lì xì giúp bé học Toán
Bạn có thể hỏi con: "Con có nhớ hôm qua con đã tiêu 20 nghìn đồng vào việc gì không?", sau đó để con có cơ hội cộng trừ hay nhận biết các con số. Tất nhiên, đừng quên nhắc con, mệnh giá tiền không phải là mục đích của việc lì xì.
5. Trẻ học cách đồng cảm với người khác
Những người lớn tuổi bày tỏ lời chúc phúc cho con cái bằng cách lì xì. Ngược lại, khi ông bà, cô chú tổ chức sinh nhật hoặc trong những ngày lễ trọng đại của gia đình, bạn cũng có thể cùng con cái bàn bạc để dùng tiền lì xì mua tặng lại một số món quà nhỏ tiết kiệm mà ý nghĩa, chủ yếu là để nuôi dưỡng đức tính biết ơn ở trẻ.
Bạn cũng có thể khuyến khích con lấy một ít lì xì để làm từ thiện. Đầu tư một số tiền nhỏ vào phúc lợi công cộng, để trẻ học cách cho đi, đồng cảm và biết cách trân trọng cuộc sống.