"Cha mẹ của những đứa trẻ học giỏi có điểm chung gì?": 3 điểm giúp con cái lớn lên thành công hơn người!
Phong cách nuôi dạy của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến tương lai của con cái.
Tôi từng thấy một câu hỏi như sau trên MXH nhận được nhiều sự chú ý: “Con tôi không hứng thú trong học tập, thành tích không cao, đã gần đến lớp 11 rồi… Xin hỏi mọi người, cha mẹ của những học sinh giỏi thường có điểm chung gì? Tôi có thể nỗ lực từ hướng nào?”
Bên dưới câu hỏi, rất nhiều người đã chia sẻ câu trả lời dựa trên kinh nghiệm của bản thân.
Nếu bạn cũng là một phụ huynh lo lắng về thành tích học tập của trẻ, hy vọng 3 câu trả lời dưới đây sẽ hữu ích cho bạn.
1. Muốn con thích đọc sách, bản thân cha mẹ cũng phải yêu thích việc đọc sách
Có người nói, hình ảnh đẹp nhất của một gia đình là bếp có âm thanh, phòng sách có hương thơm và phòng ngủ có những câu chuyện. Cái gọi là “hương thơm” ở đây chính là mùi hương của mực in từ những quyển sách, hương giấy từ vở bài tập và hương thoang thoảng của những nét bút mực.
Nhiều người cho rằng, hình ảnh con yên tĩnh đọc sách, học tập, vợ bận rộn trong bếp và chồng chăm chỉ làm việc là hình ảnh ấm cúng nhất. Nhưng thực ra, bí quyết để một gia đình duy trì được sự thịnh vượng, hạnh phúc qua nhiều thế hệ không chỉ nhờ tích lũy tài sản hay vật chất, mà quan trọng hơn là nhờ vào việc giữ gìn truyền thống gia phong, đạo đức và tri thức.
Đọc sách là một cách quan trọng để tiếp thu kiến thức. Thói quen đọc sách cũng là nền tảng để nuôi dưỡng sự quan tâm của trẻ em đối với khả năng học tập và tư duy.
Những bậc cha mẹ yêu thích đọc sách và khuyến khích con cái đọc thường tạo ra một bầu không khí gia đình tràn ngập tình yêu thương. Yêu đọc sách cũng là yêu tư duy. Một người đầy niềm tin vào cuộc sống làm sao có thể không trở thành tấm gương tích cực cho con cái?
Họ giỏi truyền đạt bằng cách làm gương, truyền tải cho con cái những trí tuệ từ sách vở.
Một người dì của tôi có trình độ văn hóa cấp 2 đã nuôi dạy 3 người con đỗ vào các trường đại học thuộc top đầu. Bà hiếm khi lướt video ngắn, sau khi xong việc thì đọc sách. Dưới sự ảnh hưởng của bà, các con từ nhỏ đã hình thành thói quen yêu thích đọc sách.
Khi các con đi học, bà chưa bao giờ giúp con làm bài tập, nhưng các con lại thi đua trong bầu không khí đậm hương thơm của sách vở và mỗi đứa đều trở thành người xuất sắc hơn.
Nhà giáo dục Sukhomlinsky từng nói: "Cách để trẻ thông minh hơn không phải là học bù đầu hay tăng lượng bài tập về nhà mà là thêm thời gian đọc sách”.
Đọc sách không chỉ có thể mở rộng kiến thức của trẻ mà còn nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sự sáng tạo, đặt nền tảng vững chắc cho việc học của trẻ trong tương lai.
2. Cha mẹ chú ý nhiều đến phương pháp giáo dục con cái
Có câu: “Cho người con cá không bằng chỉ người cách câu”. Trong quá trình giáo dục trẻ em, chỉ tập trung vào các điểm kiến thức là không đủ. Điều quan trọng hơn là dạy trẻ các phương pháp và chiến lược học tập.
Những bậc cha mẹ biết cách hướng dẫn con nắm vững tư duy và phương pháp học tập sẽ giúp trẻ sớm hình thành hệ thống nhận thức riêng, từ đó có thể linh hoạt xử lý các vấn đề trong học tập.
Người dùng MXH từng kể về người cha đã giúp cô vượt qua giai đoạn khó khăn trong việc luyện đàn như thế nào. Khi cô học mẫu giáo lớn, đã đến lúc phải chơi nhạc trên đàn piano, cô gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả các bản nhạc đều bị cô đánh dấu gạch chéo và lòng tự trọng của cô bị tổn thương nặng nề.
Cha cô không hiểu về âm nhạc, nhưng ông hiểu cách học và cách lên kế hoạch. “Trước tiên, ông xác định khối lượng công việc, tìm hiểu thời gian cần thiết để hoàn thành mỗi bản nhạc đạt yêu cầu. Sau đó, ông tính toán thời gian tối đa mà tôi có thể luyện đàn mỗi tuần và cuối cùng, ông lập cho tôi một kế hoạch theo thứ tự ưu tiên của từng nhiệm vụ”.
Kết quả là, không cần ai giám sát, cô đã làm theo kế hoạch và hoàn thành những gì trước đây không thể thực hiện được, thậm chí còn vượt qua nhiệm vụ thầy giáo giao.
“Hóa ra phương pháp đúng đắn có thể giúp một người không hề hiểu âm nhạc giúp con mình đạt được thành tựu trong việc luyện đàn và có thể giúp con phá tan nỗi sợ hãi, chinh phục những ngọn núi tưởng chừng không thể vượt qua. Đó chính là sức mạnh của phương pháp”.
Cái gọi là phương pháp trong học tập chính là hiểu rõ quy luật học tập và học một cách có định hướng.
Những bậc phụ huynh thông thái sẽ không chỉ giới hạn ở việc con học được gì, mà quan tâm nhiều hơn đến việc con học như thế nào. Khi cầm chìa khóa trong tay, đi đến đâu cũng sẽ thấy mọi việc dễ dàng.
3. Cha mẹ khuyến khích trẻ rèn tính tự lập
Một đứa trẻ quá phụ thuộc vào cha mẹ sẽ khó có thể tự lập trong cuộc sống tương lai. Những bậc cha mẹ khuyến khích con tự lập sẽ nuôi dưỡng những đứa trẻ có trách nhiệm và tính tự chủ hơn.
Từng thấy trên mạng một bài đăng của một giáo viên chủ nhiệm cấp hai. Cô kể về hai học sinh mình từng dạy, cả hai đều là nữ, nhưng tính cách và cuộc đời lại rất khác nhau.
C là học sinh giỏi, chăm chỉ và tự giác; D có thành tích trung bình, nhưng tính cách tốt, rất biết cách đoàn kết bạn bè.
Cha mẹ của C vô cùng “quan tâm” đến con, mọi thứ xoay quanh con cái, thậm chí ngày nào cũng gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm để tìm hiểu tình hình của con ở trường. Những chuyện nhỏ nhặt như bạn cùng bàn có mùi mồ hôi, tiếng ồn quá lớn vào giờ ra chơi, cha mẹ C cũng can thiệp, muốn giáo viên chủ nhiệm điều chỉnh.
Ngược lại, cha mẹ của D lại khá “thoải mái”. Họ ít khi gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm, nhưng lại hiểu rõ tình hình của con ở lớp học. Theo họ, sau mỗi buổi học, con sẽ kể về những gì xảy ra trong ngày.
Cô giáo chủ nhiệm khi nghe điều này mới nhận ra cuộc sống của các học sinh cũng rất phong phú và cô đã hiểu thêm về các em, xóa bỏ một số định kiến.
Dưới 2 phương pháp giáo dục khác nhau, tính cách và cuộc sống của 2 học sinh cũng thay đổi. C thi đậu vào trường cấp ba trọng điểm của tỉnh, sau đó vào một trường đại học hàng đầu. Tuy nhiên, vì không quen với cuộc sống tập thể và không biết tự lo cho bản thân, C mắc bệnh trầm cảm.
D thi vào một trường trọng điểm nhỏ hơn, nhưng nhờ sự cố gắng trong kỳ thi đại học, D đã đậu vào một trường đại học tốt với ngành học mà mình yêu thích. Sau đó, cuộc sống của D hoàn toàn do bản thân quyết định và cô đã bước đi trên con đường suôn sẻ.
Tính tự lập là nền tảng quan trọng giúp trẻ đứng vững trước những sóng gió trong cuộc đời.
Những bậc cha mẹ quá bao bọc dễ bỏ qua việc rèn luyện các kỹ năng khác ngoài học tập cho con. Trẻ có thể đạt được thành tích tốt trong ngắn hạn, nhưng nếu nhìn xa hơn trong cuộc đời, điều này có thể tiềm ẩn những rủi ro cho tương lai của con.
Giáo dục tốt không chỉ chú trọng đến thành tích học tập của trẻ mà còn quan tâm đến phẩm chất và tâm hồn của các em. Một người có tư duy lành mạnh, phẩm chất tốt và tâm hồn phong phú sẽ có khả năng đối mặt với những khó khăn của cuộc đời và đạt được thành công.
Nhà thơ William Butler Yeats từng nói: “Giáo dục không phải là đổ đầy một cái bình, mà là thắp sáng một ngọn lửa.”
Mong rằng mỗi bậc cha mẹ đều có thể truyền cảm hứng cho con của mình, để trẻ có thể tự do bay cao trong đại dương tri thức, có tương lai xán lạn.
Theo Toutiao