Cha mẹ có con tự kỷ nói về chiến dịch 3A: Người khẳng định đó là việc nên làm, người hoàn toàn chưa biết gì về chiến dịch

HH,
Chia sẻ

Cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội quanh chiến dịch 3A do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tổ chức vẫn chưa kết thúc dù chương trình đã khép lại từ 12g đêm ngày 15/4. Nhưng tất cả những ồn ào đó đều không quan trọng bằng việc các cha mẹ có con tự kỷ nghĩ gì và được lợi ích gì.

Quyên góp 3 chữ A để làm gì và quyên góp cho ai?

Chiến dịch 3 chữ A là chương trình do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) phát động nhân Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ. Vào dịp này, từ năm 2016 đến 2019, VAN đều tổ chức sự kiện và Đại hội Thể thao thân thiện dành cho người tự kỷ. Năm 2020, do đại dịch COVID-19, không thể tổ chức sự kiện, VAN đã đề xuất chiến dịch 3A, và sử dụng số tiền 200 triệu, lẽ ra dành cho sự kiện thể thao nói trên, cho các cuộc tập huấn phụ huynh có con tự kỷ tại các địa phương.

Chương trình này hoàn toàn do VAN đề xuất, không phải yêu cầu của nhà tài trợ.

Cha mẹ có con tự kỷ nói về chiến dịch 3A: Người khẳng định đó là việc nên làm, người hoàn toàn chưa biết gì về chiến dịch - Ảnh 1.

Đây là những thông tin được đăng tải chính thức trên trang của VAN trong bài viết có tên “Hậu chiến dịch 3A - Lời cảm ơn và xin lỗi”.

Lời cảm ơn và xin lỗi này lại tiếp tục gây tranh cãi. Người nghi ngờ cho rằng chiến dịch là “lừa đảo”, “lợi dụng lòng nhân ái” của cộng đồng để tiếp thị có căn cứ để tiếp tục chỉ trích. Những tranh luận qua lại giữa hai nhóm ủng hộ và phản đối tiếp tục nóng hổi trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, trên tất cả, “nhân vật trung tâm” của chiến dịch là các gia đình có con tự kỷ. Nhiều người trong số họ đồng thời là thành viên của chiến dịch. Họ nghĩ gì và họ được gì từ chiến dịch này? Đó là vấn đề đáng để quan tâm hơn.

Chị Phan Thanh Huyền (39 tuổi), mẹ của một bé trai tự kỷ sinh năm 2012, tham gia chiến dịch 3A từ những ngày đầu tháng 3 trên nhóm kín của hội cha mẹ có con tự kỷ. Theo lời chị Huyền, khi chương trình được phát động, các cha mẹ trong nhóm không nhiều người hưởng ứng và làm theo hướng dẫn. “Có lẽ do nhiều cha mẹ không muốn cho mọi người biết con mình bị tự kỷ.”

Chị Huyền cho hay, chị cũng từng có một giai đoạn như vậy. “Nhận thấy con mình có dấu hiệu bất thường mà không chấp nhận rằng con mình bất thường.”

Nhiều cha mẹ tìm kiếm thông tin từ khắp nơi, tham gia các hội nhóm, diễn đàn về trẻ tự kỷ nhưng lại giấu kín với bạn bè, đồng nghiệp hay họ hàng. Hoặc không giấu song cũng không muốn công khai. Điều này khiến họ ngần ngại khi phải chia sẻ một thông điệp về tự kỷ trên mạng xã hội.

Chị Huyền cho rằng, chiến dịch 3A này có mục đích chính là để cộng đồng hiểu và nhìn nhận rõ hơn về trẻ tự kỷ, bao gồm cả nhận thức của chính các gia đình có con tự kỷ. Bởi thế, cá nhân chị Huyền không thấy biểu hiện gì của việc mượn hoạt động xã hội để “quảng cáo trá hình”.

“Hôm qua tôi và chồng cũng vừa nói chuyện về vấn đề này. Đặt giả thiết có yếu tố kinh doanh trong chiến dịch thì tôi cũng xem điều đó là bình thường. Chương trình này không quyên góp tiền, vật chất mà chỉ quyên góp tấm lòng.”, chị Huyền bày tỏ.

Góp một góc nhìn cá nhân về chiến dịch 3A, chị Đỗ Thị Minh Hiền, 42 tuổi, mẹ của cậu con trai tự kỷ sinh năm 2011, thì thể hiện quan điểm: Mỗi người hãy cứ làm những việc mà họ thấy nên làm.

Cha mẹ có con tự kỷ nói về chiến dịch 3A: Người khẳng định đó là việc nên làm, người hoàn toàn chưa biết gì về chiến dịch - Ảnh 3.

“Ai thấy việc chia sẻ chữ A nên làm thì cứ tiếp tục làm thôi. Ai thấy cần lên tiếng cảnh báo về chiêu trò marketing, về “nhãn hàng A365”, thì cứ nói thôi. Ai thấy không cần chia sẻ chữ A, không cần lên tiếng cảnh báo, nên im lặng, thì cứ im lặng thôi. Đấy, nghĩ đơn giản cho dễ sống.

Còn mình, việc nên làm bây giờ là mỗi ngày viết một chút ít về tự kỷ. Mọi người hiểu hơn thì quá tốt cho mình, cho những người tự kỷ. Mọi người ko hiểu thì cũng ko sao, vì trước giờ vẫn thế rồi.”, chị Hiền viết trên trang cá nhân.

Là người tham gia tích cực vào chương trình của VAN với nhiều lần đăng trạng thái có kèm “hastag” 3 chữ A, chị Hiền chia sẻ về lý do: “Như tôi nói, tôi thấy việc tôi nên làm thì tôi làm. Để biết việc đó có nên làm không thì tôi dùng cả con tim và lý trí để quyết định. Cá nhân tôi dành nhiều tình cảm cho những đứa trẻ và những bà mẹ. Tôi cũng biết A365 là website nhiều bố mẹ nên biết để có thể giúp con mình. Vì vậy, với tôi, đó là việc tôi nên làm. Kể cả A365 có là nhãn hàng thương mại nhưng nếu nó tốt thì tôi vẫn khuyến khích mọi người dùng mà. Tôi nghĩ mình lan truyền một giá trị chứ không phải một món hàng.”

Chị Hiền cũng khẳng định, chị không đặt ra vấn đề “chương trình này có lợi ích gì với mình”. “Tôi không nghĩ đến, nên hỏi về lợi ích thì khó quá. Bạn bè, người quen của tôi biết nhiều hơn về hội chứng tự kỷ. Những câu chuyện nhỏ về tự kỷ của tôi nhận được nhiều tương tác hơn. Không biết đó có phải là lợi ích không nhỉ?”

Chữ A đến được tay ai?

Trái với chị Phan Thanh Huyền và chị Đỗ Thị Minh Hiền, chị Nguyễn Thị Hương, một bà mẹ 43 tuổi làm nghề thợ may sống ngay trung tâm Hà Nội, lại không biết gì về chiến dịch 3A, website A365 lẫn tổ chức Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, dù có sử dụng mạng xã hội.

Chị Hương tự trách đó là lỗi của mình: “Tôi không biết, tôi ngố lắm”.

Chị Hương cũng cho hay, con trai tự kỷ sinh năm 2012 của chị không đi học can thiệp vì chi phí quá cao mà thu nhập từ công việc may vá của chị chỉ vừa đủ sống. Trong khi đó, chị chưa bao giờ biết đến bất kỳ khóa học miễn phí nào dành cho cha mẹ có con tự kỷ.

Cha mẹ có con tự kỷ nói về chiến dịch 3A: Người khẳng định đó là việc nên làm, người hoàn toàn chưa biết gì về chiến dịch - Ảnh 4.

Tương tự là chị Lê Thị Ngà (47 tuổi), một nhân viên thu tiền điện cũng sống tại Hà Nội, có con trai tự kỷ sinh năm 2004. Chị Ngà biết về Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam nhưng không nhiều, cũng không có điều kiện để tìm hiểu thông tin.

“Tôi không biết về chương trình này”, chị Ngà nói ngắn gọn.

Cũng như vậy, chị Nguyễn Thị Thư (48 tuổi) ở Thanh Miện, Hải Dương, mẹ của cậu con trai tự kỷ sinh năm 2004, cho biết đây là lần đầu tiên chị được nghe về chiến dịch 3 chữ A vì người tự kỷ.

“Tôi chợt nhớ là có người quen trên facebook đăng mấy chữ này. Nhưng vì toàn tiếng Anh nên tôi không biết họ đăng cái gì.”, chị Thư tiếc nuối chia sẻ, “Nếu biết có một chiến dịch như thế, chắc chắn tôi sẽ tham gia ngay. Giá mà có tiếng Việt thì dễ với người ở quê, học vấn thấp như tôi.”

Chị Hương, chị Ngà, chị Thư thuộc nhóm các bà mẹ yếu thế - không có điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội - nằm ngoài chiến dịch 3A này.

Cha mẹ có con tự kỷ nói về chiến dịch 3A: Người khẳng định đó là việc nên làm, người hoàn toàn chưa biết gì về chiến dịch - Ảnh 5.

Với thống kê ước tính trên 1 triệu người Việt Nam mắc hội chứng tự kỷ (số liệu do giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đưa ra ước tính trong phát biểu tại một sự kiện dành cho người tự kỷ vào ngày 1/4/2019), 493.281 chữ A được quyên góp tương đương với gần 164.427 lượt người tham gia ủng hộ là con số còn rất hạn chế. Con số phần nào cho thấy, chiến dịch xã hội dù “gây bão” trên mạng xã hội những vẫn chưa thể chạm tới không ít đối tượng đích - những cha mẹ có con tự kỷ thực sự cần được cộng đồng giúp đỡ, hỗ trợ.

Nói một cách khác, những chữ A quyên góp được trong một tháng rưỡi vẫn chưa đủ nhiều để trao đi. Hoặc là cần một cách quyên góp tấm lòng gần gũi hơn, lan tỏa hơn, chạm tới nhiều trái tim hơn, vì mục đích cuối cùng là lợi ích thiết thực cho hơn hàng triệu gia đình có con tự kỷ tại Việt Nam. Họ xứng đáng được nhận sự chia sẻ, đồng cảm và khích lệ nhiệt thành thay vì những cân nhắc, phát xét, hoài nghi.

Chia sẻ