Cha mẹ chở con đi gần 300 km bằng xe máy đến TP HCM ghép gan

Hải Yến,
Chia sẻ

Bé gái bị gan mật di truyền nặng, không thể nhận gan hiến từ cha mẹ, chỉ có thể trông chờ vào nguồn gan từ người hiến chết não để giữ lại sự sống.

Chiều 18-4, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) đã cung cấp thông tin về ca ghép gan từ người chết não đầu tiên tại bệnh viện, cứu bé gái N.T.N (21 tháng tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông) bị suy gan giai đoạn cuối.

Cha mẹ chở con đi gần 300 km bằng xe máy đến TP HCM ghép gan- Ảnh 1.

Ngay sau khi bệnh nhân hiến tạng được xác nhận chết não lần thứ ba, ê-kíp bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã có mặt tại Bệnh viện Quân y 175 để phối hợp với chuyên gia Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện quy trình lấy gan. Phần gan trái nặng 240 gram được bàn giao và lập tức vận chuyển về Bệnh viện Nhi Đồng 2 với sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông.

BSCK2 Nguyễn Hồng Vân Khánh, Phó Khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trước đó, chiều 6-4, bệnh viện nhận được thông báo khẩn từ Trung tâm Điều phối Quốc gia về hiến - ghép bộ phận cơ thể người.

Người hiến là bệnh nhân nam 50 tuổi, bị xuất huyết não do vỡ dị dạng mạch máu não, được xác định chết não tại Bệnh viện Quân y 175.

Cha mẹ chở con đi gần 300 km bằng xe máy đến TP HCM ghép gan- Ảnh 2.

Ê-kip bác sĩ ghép gan cho bệnh nhi

Theo nguyện vọng gia đình, các bộ phận trên cơ thể ông được hiến tặng, trong đó có một phần gan trái dự kiến dành cho bệnh nhi.

Ngay lập tức, hội đồng chuyên môn ghép gan của Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiến hành hội chẩn và xác định người nhận phù hợp là bé N. Bệnh nhi mắc xơ gan từ lúc mới vài tháng tuổi do ứ mật tiến triển trong gan vì di truyền, tiên lượng gan không hồi phục mà nặng dần.

Sau đó, 18 giờ ngày 8-4, ca ghép gan từ người chết não đầu tiên cho bệnh nhi được bắt đầu. Ca phẫu thuật thành công và kéo dài 8 giờ. 3 ngày sau ghép, bệnh nhi có sinh hiệu ổn và tiếp tục được theo dõi. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định.

Sau khi con gái được ghép gan thành công, chị T. (mẹ bệnh nhi) không giấu được niềm vui. "Tôi xin cảm ơn tấm lòng của gia đình anh N.T.T - người hiến, đã có nghĩa cử cao đẹp giúp con tôi được sống tiếp" - chị T. xúc động.

Chị T. cho biết bé N. được phát hiện vàng da sau sinh. Ban đầu, gia đình nghĩ con bị vàng da sinh lý cho đến khi tình trạng càng ngày càng nặng. Khi được 2 tháng, mắt bé vàng nhiều hơn nên gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám. Tại đây, bé được kiểm tra, kết quả là mắc bệnh lý về gan mật, không thể điều trị bằng thuốc.

Sau khi được thông báo về tình trạng bệnh của con, gia đình chị T. đã đối mặt với nhiều lo lắng, bởi chỉ có thể ghép gan bé mới duy trì sự sống. Trong khi đó, vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình chưa có ý định ghép gan cho con. Khi bé N. được 7 tháng tuổi, tình trạng ngày càng xấu nên gia đình đã quyết định làm xét nghiệm ghép gan từ người nhà, song kết quả cho thấy người cha không đủ điều kiện vì mỡ trong máu cao.

"Tôi cứ ngỡ sự sống của con sẽ dừng lại. Nhưng ngay gần lễ giỗ Tổ Hùng Vương, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 gọi điện thông báo có một gan từ người hiến chết não phù hợp với bé. Tôi rất mừng nhưng cũng lo lắng vì điều kiện tài chính. 2 vợ chồng cũng chỉ có vài triệu, để tiết kiệm nên chúng tôi đi xe máy từ Đắk Nông đến TP HCM. Vượt quãng đường gần 300 km, chúng tôi đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 lúc gần 3 giờ sáng để con kịp phẫu thuật" - chị T. kể.

Trong suốt hành trình, chị T. luôn cầu nguyện và hy vọng con mình sẽ có cơ hội sống. Cho đến khi gặp được con sau vài ngày, nhìn thấy mẹ, bé khóc nức nở. "Lúc đó, tôi rất xúc động, cũng chỉ biết khóc trong hạnh phúc vì biết rằng con mình đã vượt qua được cửa tử" - chị T. bày tỏ.

TS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết đây là ca ghép gan thứ 50 tại bệnh viện. Ca ghép này không chỉ là một cột mốc quan trọng về mặt chuyên môn mà còn là lần đầu tiên bệnh viện sử dụng gan từ người hiến chết não, mở ra hướng đi mới trong việc cứu sống trẻ em mắc bệnh gan mạn tính. Trước đó, phần lớn các ca ghép gan tại bệnh viện được thực hiện từ người hiến sống, chủ yếu là cha mẹ của bệnh nhi.

Theo BS Thạch, hành trình phát triển kỹ thuật ghép gan tại bệnh viện đã kéo dài hơn 20 năm. Ca ghép gan đầu tiên được thực hiện vào năm 2005. Từ đó đến năm 2019, mỗi năm bệnh viện chỉ thực hiện khoảng 1-2 ca. Từ năm 2020, bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn kỹ thuật và số lượng ca ghép ngày càng tăng.

"Việc mở rộng ghép gan từ người hiến chết não là xu hướng tất yếu, phù hợp với định hướng y học hiện đại và giúp tăng khả năng cứu sống bệnh nhi. Trong khi nguồn hiến từ cha mẹ ngày càng hạn chế, việc đẩy mạnh ghép từ người chết não sẽ là giải pháp quan trọng cho tương lai" – BS Thạch nhấn mạnh.

Các bác sĩ cũng cho biết dù đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng danh sách bệnh nhi chờ ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 vẫn còn rất dài, trong khi trung bình mỗi năm chỉ thực hiện được khoảng 12-15 ca ghép. Với việc mở rộng chỉ định, đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế, bệnh viện kỳ vọng số ca ghép sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhi đang cần ghép gan.

Chia sẻ