Cha đẻ đòi con, mẹ nuôi kiện đòi tiền chăm sóc
Chị Hương kiện đòi cha đẻ đứa bé tiền công nuôi dưỡng là vì muốn tiếp tục được nuôi đứa con tới năm 18 tuổi.
Đã có 2 con vẫn nhận thêm con nuôi
Mới đây, chị Trương Thị Hương (trú tại xã Phú Nhuận, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đã gửi đơn kiện đến TAND huyện Châu Thành, Bến Tre đòi tiền công và chi phí nuôi dưỡng cháu T.N.M.T. (SN 2012, con nuôi của chị Hương) từ cha đẻ của cháu là anh T.V.C. (trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).
Chị Hương và bé T. quấn quýt như ruột thịt
Do anh C. và chị P. chia tay nhau và cả hai không có điều kiện nuôi dưỡng đứa bé nên muốn đem cho người khác nuôi.Trao đổi với phóng viên, chị Hương cho biết, sự việc bắt nguồn cuối năm 2012, người bạn thân của chị tên T.T.Ng. bế theo một đứa bé 3 tháng tuổi tới gặp chị và nói đứa bé là con của anh T.V.C. (em trai chị Hương) và chị N.T.L.P (cùng trú tại huyện Châu Thành, Bến Tre).
Khi đó chị đã có 2 đứa con, đều đã khôn lớn. Hơn nữa lúc này gia đình chị đang phải đi thuê nhà trọ ở, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên chị từ chối nhận nuôi đứa bé.
“Khi tôi từ chối, chị Ng. nói là sẽ mang bỏ đứa bé dưới chân cầu Rạch Miễu. Tôi không muốn đứa trẻ thơ vô tội bị bỏ rơi vất vưởng lề đường xó chợ. Hơn nữa vì thương đứa bé là phận gái nên đã đón nhận cháu về nuôi dưỡng cho đến nay và xem cháu như con ruột của mình”, chị Hương chia sẻ.
Theo chị Hương, ban đầu chị Ng. còn phụ thêm cho chị mỗi tháng 1,5 triệu đồng để nuôi đứa bé.
Tuy nhiên chỉ được hơn một năm thì chị Ng. không còn gửi tiền cho chị nữa. Từ đó, chị Hương cùng chồng tự gồng gánh nuôi đứa bé cho đến nay.
Chị Hương cũng cho biết, khi chị nhận nuôi đứa bé chị chỉ có thỏa thuận miệng với chị Ng. chứ không làm giấy tờ nhận con nuôi. Khi đó đứa bé cũng chưa có giấy khai sinh và chưa được đặt tên nên chị Hương đặt tạm cho con tên là M. để gọi ở nhà.
Sau đó chị Hương đã làm giấy khai sinh cho đứa con nuôi với cái tên là T.N.M.T. với tên cha đẻ là anh C. và chị P là mẹ.
Cuộc chiến giành con giữa cha đẻ và mẹ nuôi
Chị Hương cho biết: “Suốt 5 năm qua, bé T. ở với tôi cậu C. chẳng khi nào nhìn ngó tới con. Thế rồi đột nhiên gần đây, C. đến đón bé T. bảo là xin rước đi chơi vài bữa rồi đem đi luôn.
Tôi đã phải khổ sở tìm kiếm mãi mới đưa được cháu về. Sau đó thì đột nhiên tôi nhận được giấy mời tới tòa vì C. kiện tôi để đòi con”.
Vụ kiện đòi con của anh C. được TAND huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre thụ lý. Theo lời anh C., lúc mới sinh bé T. do bận công việc làm ăn nên anh và mẹ bé T. đã đem gửi cháu cho chị Hương nuôi giữ tạm thời chứ không cho con.
TAND huyện Châu Thành đã tuyên buộc chị Hương phải giao trả cháu T. cho anh C. trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng. Không đồng ý với phán quyết này, chị Hương kháng cáo.
Tháng 3/2017, TAND tỉnh Bến Tre xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của chị Hương và tuyên y án sơ thẩm.
Theo chị Hương, nếu vì quyền lợi của đứa trẻ thì có khi bé T. ở với chị sẽ tốt hơn. Bởi lẽ bé T. đã sống với chị 5 năm, đã quen nếp sống bây giờ lại thay đổi thì có thể sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của bé. Hơn nữa hiện tại cuộc sống của gia đình chị Hương cũng đã ổn định, kinh tế khả giả, còn anh C. thì vẫn phải đi thuê nhà trọ, công việc không ổn định.
Từ suy nghĩ này, chị đã làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Châu Thành, Bến Tre với yêu cầu anh C. phải trả lại cho chị chi phí công chăm sóc, nuôi nấng cháu T. thì mới được quyền bắt con.
“Thực tế tôi mong muốn được tiếp tục nuôi cháu T. cho đến 18 tuổi. Đến lúc đó cháu T. đã có đầy đủ nhận thức, cháu muốn sống với ai thì sống, tôi không đòi hỏi công sức bỏ ra nuôi cháu.
Còn nếu cậu C. quyết tâm bắt lại con lúc này thì phải trả cho tôi chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng cháu T. từ cuối năm 2012 đến nay, chi phí tạm tính trên 460 triệu đồng.
Tôi đưa ra điều kiện này cũng là vì biết hiện tại C. không thể đáp ứng được và như vậy cậu ta sẽ phải từ bỏ ý định đòi lại con. Chứ không phải tôi kể công chăm sóc bé T. và mong mọi người đừng hiểu nhầm”, chị Hương cho biết.
Ngày 7/7 vừa qua, Chi cục Thi hành án dân sự TP Bến Tre kết hợp với UBND xã Phú Nhuận, TP Bến Tre tổ chức buổi hòa giải liên quan đến việc thi hành bản án trả con giữa hai bên đương sự. Tuy nhiên hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.