"Cha đẻ của AI" chia sẻ một câu gây sốc về trí tuệ nhân tạo, nhiều người không nghĩ tới
"Cha đẻ của AI" đã có những chia sẻ về trí tuệ nhân tạo nhân Tuần lễ Khoa học công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024.
Vào tháng 11/2022, OpenAI ra mắt ChatGPT - một chatbot AI có khả năng tương tác ở dạng đàm thoại và đưa ra những phản hồi bằng ngôn ngữ tự nhiên. Công cụ này nhanh chóng gây bão và trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Dù AI đã được nghiên cứu và xuất hiện trước đó rất lâu nhưng màn ra mắt bùng nổ của ChatGPT mới thực sự là cú huých khiến cuộc đua nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trên phạm vi toàn cầu trở nên hot hơn bao giờ hết, với sự tham gia của hàng loạt ông lớn công nghệ như Microsoft, Google, Alibaba…
Hiện tại, các ứng dụng liên quan đến AI vẫn được phát triển không ngừng nghỉ. Với sự tăng tốc mạnh mẽ của các công ty trên cuộc đua trí tuệ nhân tạo, có một câu hỏi vẫn được đặt đi đặt lại, rằng: "AI có thay thế con người hay không?".
Là một trong những nhà khoa học kiệt xuất của thế giới có mặt tại Việt Nam nhân Tuần lễ Khoa học công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024, Giáo sư Yann LeCun - Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), đồng thời được biết đến với danh xưng là "cha đẻ của AI", đã có những chia sẻ về chủ đề này.
"Bản thân tôi không phải là nhà kinh tế, tôi là một nhà khoa học máy tính. Tuy nhiên, khi tôi nói chuyện với nhà kinh tế, thì họ nói rằng AI sẽ không gây ra thất nghiệp trên diện rộng, mà nó sẽ tạo ra những công việc mới.
Về cơ bản, nó sẽ làm cho năng suất lao động và khả năng sáng tạo của chúng ta tăng lên. Như vậy lượng tài sản mà con người tạo ra sẽ lớn hơn rất nhiều. Bởi vậy nên, mọi thứ phụ thuộc vào việc chúng ta chấp nhận AI ở mức độ như thế nào", Giáo sư Yann LeCun chia sẻ.
Như vậy, theo "cha đẻ của AI", AI không những không làm "mất việc" của con người trên diện rộng, mà còn tạo ra nhiều công việc mới, giúp tài sản của những người biết tận dụng AI tăng lên. Từ chia sẻ của "cha đẻ của AI", chúng ta có thể yên tâm phần nào về việc bị AI thay thế. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta không ngừng thay đổi, học hỏi và phát triển bản thân. Sự sáng tạo và khả năng tư duy phản biện là những đặc điểm nổi bật không dễ dàng bị AI thay thế. Con người cần khai thác và phát triển các kỹ năng này, từ việc giải quyết vấn đề một cách sáng tạo đến việc tạo ra các sản phẩm và giải pháp độc đáo.
Kỹ năng mềm như giao tiếp, xây dựng mối quan hệ và làm việc nhóm cũng là những lĩnh vực mà AI khó có thể cạnh tranh. Khả năng hiểu và thể hiện cảm xúc, cùng sự đồng cảm giúp con người tạo dựng các mối liên hệ sâu sắc trong công việc và cuộc sống. Học tập không ngừng và thích nghi nhanh chóng với những thay đổi cũng vô cùng quan trọng. Trong một thế giới luôn biến động, việc tiếp thu kiến thức mới và áp dụng linh hoạt vào công việc sẽ giúp con người có lợi thế so với AI.
Cuối cùng, việc tập trung vào các ngành nghề đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về con người và những giá trị nhân văn, như ngành giáo dục, y tế, và nghệ thuật, sẽ giúp con người giữ vững vai trò không thể thay thế trong xã hội.
Giáo sư Yann LeCun là Phó Chủ tịch và Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, đồng thời là Giáo sư Silver tại Đại học New York (NYU), trực thuộc Viện Courant, Trung tâm Khoa học Dữ liệu, Trung tâm Khoa học Thần kinh, và Khoa Kỹ thuật Điện - Máy tính. Ông là Giám đốc sáng lập của Facebook AI Research và Trung tâm Khoa học Dữ liệu của NYU.
Ông nhận bằng Kỹ sư Điện tại ESIEE, Paris (1983) và bằng Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại Sorbonne Université (1987). Sau thời gian nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Toronto, ông gia nhập AT&T Bell Laboratories (Holmdel, NJ) vào năm 1988 và sau đó trở thành Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Xử lý Hình ảnh tại AT&T Labs-Research vào năm 1996. Ông trở thành giáo sư tại NYU vào năm 2003 sau một thời gian ngắn làm việc tại Viện Nghiên cứu NEC (Princeton). Năm 2012, ông trở thành giám đốc sáng lập Trung tâm Khoa học Dữ liệu của NYU. Cuối năm 2013, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Nghiên cứu AI tại Facebook, đồng thời tiếp tục giảng dạy bán thời gian tại NYU. Năm 2015-2016, ông giữ ghế giáo sư thỉnh giảng tại Collège de France.
Hiện nay, các lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), học máy, thị giác máy tính, robot và khoa học thần kinh tính toán. Ông nổi tiếng với những đóng góp cho lĩnh vực học sâu (deep learning) và mạng nơ-ron, đặc biệt là mô hình mạng nơ-ron tích chập (convolutional networks), được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng nhận dạng hình ảnh và giọng nói. Ông đã công bố hơn 200 bài báo về các chủ đề này và một số chủ đề khác như nhận dạng chữ viết tay, nén ảnh và phần cứng chuyên dụng cho AI.
Giáo sư LeCun là người sáng lập và đồng Chủ tịch của Hội nghị ICLR và là thành viên của nhiều ban biên tập, ban tổ chức hội nghị. Ông là đồng Chủ tịch chương trình Học tập trong Máy móc và Não bộ (Learning in Machines and Brains) của Viện Nghiên cứu Tiên tiến Canada (CIFAR). Ngoài ra, ông là thành viên ban cố vấn khoa học của IPAM (từ năm 2008) và hội đồng quản trị của ICERM. Ông từng cố vấn cho nhiều công ty và đồng sáng lập các startup Elements Inc. và Museami. LeCun cũng được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Nhà phát minh New Jersey.
Ông là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. LeCun được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Pháp, là hội viên của AAAI và AAAS. Ông đã nhận nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng Công chúa xứ Asturias năm 2022, Giải Tiên phong Mạng nơ-ron IEEE năm 2014, Giải Nghiên cứu viên Xuất sắc IEEE PAMI năm 2015, Giải Thành tựu Trọn đời Lovie năm 2016, Giải Pender của Đại học Pennsylvania năm 2018 và các bằng tiến sĩ danh dự từ IPN (Mexico), EPFL và Đại học Côte d'Azur.
Ông là đồng chủ nhân Giải thưởng ACM Turing năm 2018 cùng Geoffrey Hinton và Yoshua Bengio, vì "đột phá về khái niệm và kỹ thuật đã biến mạng nơ-ron sâu thành một thành phần quan trọng của ngành điện toán".