CDC cảnh báo: Ác mộng đến sớm hơn dự kiến, bệnh lậu sắp hết thuốc chữa!
Các chuyên gia khẳng định “Hàng phòng vệ cuối cùng của chúng ta trước bệnh lậu đang suy yếu!” Vậy phải làm sao trước căn bệnh tế nhị mà nguy hiểm này?
Nhiều loài vi khuẩn ngày càng có xu hướng kháng kháng sinh, và vi khuẩn gây bệnh lậu cũng không là ngoại lệ. Các quan chức sức khỏe Hoa Kỳ mới đây đã tuyên bố: vi khuẩn bệnh lậu đang phát triển khả năng kháng hai loại kháng sinh đang được sử dụng phổ biến hiện nay để điều trị - ceftriaxone (tiêm) kết hợp với azithromycin (uống).
Các mẫu bệnh lậu được lấy từ 7 bệnh nhân ở Honolulu hồi tháng 4-5 vừa qua cho thấy khả năng kháng azithromycin đã ở những mức cao hơn rất nhiều so với trước đây đã thấy ở Mỹ. 5 mẫu trong số này còn cho thấy khả năng kháng ceftriaxone - loại kháng sinh được kê cùng azithromycin trong liệu pháp điều trị kết hợp mà Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) đề nghị.
Đây cũng là những trường hợp đầu tiên cho thấy khả năng kháng cả hai loại thuốc điều trị - trong các dữ liệu được CDC thu thập cho đến tận đầu năm nay vẫn thấy tuy vi khuẩn đã có khả năng kháng azithromycin nhưng vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi ceftriaxone. “Hàng rào phòng vệ cuối cùng của chúng ta trước bệnh lậu đang bị suy yếu,” Dr. Jonathan Mermin, giám đốc Trung tâm Quốc gia về Phòng ngừa HIV/AIDS, Viêm gan virus, STD và Bệnh lao cho biết. “Nếu tình trạng kháng thuốc này ngày càng phát triển, cách chữa trị hiện tại cuối cùng sẽ thất bại, và tại Mỹ mỗi năm sẽ có khoảng 800.000 người rơi vào nguy cơ bị bệnh lậu không thể chữa trị.”
Bệnh lậu lây lan từ việc quan hệ tình dục không an toàn - qua đường âm đạo, hậu môn và đường miệng. Người bị bệnh này, nếu là nam giới, có thể bị tiểu đau, tiểu buốt, không chỉ thế còn chảy dịch vàng và xanh lá cây từ dương vật, tinh hoàn sưng đau. Còn ở phụ nữ, tuy cũng có những người bị tiểu buốt, đau vùng chậu nhưng hầu hết chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì, thường bị nhầm lẫn với nhiễm trùng bàng quang hoặc âm đạo, thậm chí cả bệnh viêm họng. Cũng bởi khó phát hiện nên phụ nữ bị bệnh này gặp nhiều nguy cơ bị biến chứng nghiêm trọng, bao gồm các bệnh nhiễm trùng vùng chậu, tắc vòi trứng, vô sinh, có thể đe dọa đến tính mạng. Bệnh lậu cũng có thể gây nên những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh nếu bệnh không được phát hiện và điều trị dứt điểm trước khi sinh nở.
“Tương lai của nguy cơ bệnh lậu kháng cả hai loại thuốc điều trị là rất đáng ngại,” Dr. Alan Katz, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Hawaii, đồng thời là thành viên của Ủy ban Y tế Hawaii cho biết.
Tuy vậy, những người mắc bệnh nói riêng và loài người chúng ta nói chung chưa phải đã hết hy vọng. Trong cùng buổi họp báo, các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Louisiana cũng báo cáo về một loại kháng sinh dạng uống đang được thử nghiệm, có thể trở thành phương án điều trị mới. Loại kháng sinh này được gọi là ETX0914, hoạt động khác với các loại kháng sinh hiện có, kết quả trong phòng thí nghiệm cho thấy có hiệu quả chống lại chủng bệnh lậu kháng kháng sinh và có khả năng thay thế ceftriaxone trong liệu pháp điều trị hiện tại. Cụ thể, trong thử nghiệm lâm sàng, với 179 bệnh nhân mắc bệnh lậu, ETX0914 chữa được cho hầu hết các ca bệnh, trong đó có khoảng 12% báo cáo bị ảnh hưởng phụ ở mức nhẹ, bao gồm vấn đề dạ dày - ruột.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Dr. Stephanie Taylor, Giáo sư Y khoa và Vi trùng học tại Louisiana State, cho biết, “Chúng tôi rất hài lòng với những kết quả này, và trông đợi được thấy ETX0914 chứng minh tác dụng trong những nghiên cứu lâm sàng bổ sung.”
Sự xuất hiện chủng bệnh lậu có khả năng kháng cả azithromycin (ở mức độ cao) và ceftriaxone (gần đây mới xuất hiện) là cảnh báo khẩn cấp đến cả cộng đồng lẫn các chuyên gia. Trong khi chờ đợi và hy vọng ở những nghiên cứu khoa học mới, mỗi người đều rất cần chủ động có ý thức tự bảo vệ để không bị lây nhiễm căn bệnh này, quan trọng nhất là quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để phòng tránh không chỉ bệnh lậu mà còn các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Theo health