Cây lựu "thần tiên tỉ tỉ" gây sốt ở Tô Châu
Một cây lựu cổ thụ tại vườn Lâm Viên (Tô Châu, Trung Quốc) đang gây sốt trên mạng xã hội nhờ vẻ đẹp độc đáo tựa như rồng múa.
Du lịch mùa thu đông ở Tô Châu (Trung Quốc) không hiếm cảnh đẹp, thế nhưng hiện tại, cây lựu đỏ cổ thụ trĩu quả đỏ rực này đang gây sốt mạng xã hội. Cây lựu này không chỉ đồ sộ, uốn lượn như rồng bay phượng múa mà còn trĩu quả, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp giữa sắc xanh của lá.
Vẻ đẹp tựa tranh vẽ của cây lựu cổ thụ
Cây lựu cổ thụ ở vườn Lâm Viên, Nghi Viễn, Tô Châu này được cho là khác biệt hoàn toàn so với những cây lựu thông thường. Thân cây chính của nó cực kỳ đồ sộ, với dáng vẻ uốn lượn như rồng múa. Tán cây rộng lớn, sum suê cành lá, điểm xuyết những quả lựu đỏ rực như những chiếc đèn lồng nhỏ ẩn hiện giữa tán lá xanh mướt.
Dáng cây độc đáo, tự nhiên thu hút sự chú ý của rất nhiều du khách và việc nó trở nên nổi tiếng là điều tất yếu. Vườn Lâm Viên Tô Châu không chỉ nổi tiếng với kiến trúc cổ điển Trung Quốc mà còn bởi mỗi loài hoa, cây cỏ ở đây đều được thiết kế tỉ mỉ. Từ những ngọn núi giả, hòn non bộ, ao hồ, suối chảy đến những ô cửa sổ, hành lang, tất cả đều toát lên vẻ đẹp đỉnh cao của nghệ thuật Trung Hoa. Ngay cả một cây lựu cũng đẹp như tranh vẽ.
Nếu đến vào mùa hè, cây lựu trổ hoa đỏ lập lòe như những đốm lửa. Thu về, đông đến, lựu trĩu quả, căng tròn và mọng nước. Nếu đến Tô Châu du lịch, bạn có thể ghé số 1265 đường Nhân Dân, Nghi Viễn để ngắm cây lựu cổ thụ xinh đẹp này. Giá vé thông thường là 15 tệ (khoảng 52.000 đồng), nếu vào quán trà có thể miễn phí vé vào cửa.
Cây lựu - biểu tượng của sự may mắn và thịnh vượng
Cây lựu này được cho là đã được trồng từ thời nhà Minh hoặc nhà Thanh, tức là đã tồn tại trong vườn Lâm Viên Tô Châu khoảng hai đến ba trăm năm. Nó là một trong những điểm nhấn cảnh quan nổi bật của vườn vào mùa thu
Mỗi độ thu về, cành lựu trĩu quả, thân cây vươn cao sừng sững, cành lá sum suê xanh mướt, điểm xuyết những quả lựu đỏ rực, tạo nên một cảnh tượng mùa thu bội thu, thật sự mãn nhãn.
Lựu được trồng ở Trung Quốc từ thời nhà Hán. Tương truyền, Trương Khiên khi đi sứ Tây Vực đã mang hạt giống lựu từ nước An Thạch về, nên lựu còn được gọi là An Thạch lựu. Mỹ nam thời Ngụy Tấn, Phan An, từng ca ngợi cây lựu là "thiên hạ kỳ thụ, cửu châu danh quả" (cây kỳ lạ của thiên hạ, loại quả nổi tiếng khắp chín châu).
Từ xưa, lựu đã được coi là loại quả mang ý nghĩa cát tường ở Trung Quốc và cả những nước phương Đông. Người dân xem việc cây lựu ra quả là một điềm lành, là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong văn hóa truyền thống.
Cây lựu cổ thụ gây sốt ở Tô Châu.
Người xưa ví lựu "thiên phòng đồng mạc, thiên tử như nhất", tượng trưng cho con đàn cháu đống. Lựu còn mang ý nghĩa phồn vinh, thịnh vượng, hòa thuận, đoàn kết, cát tường, sum vầy.
Quả lựu đỏ rực, nhiều hạt, là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở. Màu đỏ son của lựu có ý nghĩa xua đuổi tà ma, đón nhận may mắn, nên dân gian có câu "lựu hoa ôn tiễn ngũ độc". Vì vậy, lựu cũng là biểu tượng của sự trừ tà, cầu may.
Lựu có giá trị sử dụng cao trong y học, thực phẩm và làm cảnh. Quả lựu được ví như những viên hồng ngọc mọc trên cây, màu sắc tươi tắn, vỏ mỏng, nhiều nước, vị ngọt, cắn vào là tan ngay trong miệng. Không chỉ đẹp mắt mà còn rất ngon miệng.