Câu nói đầu tiên mỗi khi Lý Tử Thất trở về nhà khiến ai nghe cũng xúc động
Bà nội không chỉ là người thân yêu nhất của Lý Tử Thất mà còn là ngọn lửa sưởi ấm cuộc đời cô.
Có một câu nói rất xúc động rằng: "Không ai nghèo khi có mẹ", nhưng đối với Lý Tử Thất, bà nội chính là nguồn sống của cô, cũng là người thân quý giá nhất mà cô yêu thương và trân trọng. Có lẽ chúng ta đều thấy trong các video của Lý Tử Thất, bà luôn xuất hiện. Mỗi khi trở về nhà, câu nói đầu tiên của Lý Tử Thất: "Bà ơi, con về rồi!" lại khiến hàng triệu con tim người hâm mộ khắp nơi cảm thấy ấm áp và tràn đầy xúc động.
Ngôi nhà nằm giữa rừng núi Tứ Xuyên của Lý Tử Thất chỉ có hai bà cháu. Cả một quãng đường tuổi thơ dài đầy tủi hờn, bà là người ở bên cạnh cô. Sự yêu thương và che chở của bà là nguồn động lực giúp cô gái thôn quê chưa học hết cấp 2 vượt qua mọi thử thách để có được thành công như ngày hôm nay.
Mỗi video của Lý Tử Thất, từ những công việc hàng ngày đến những video đầy sự chữa lành ấy đều là những mảnh ghép, ghép nên câu chuyện về cuộc sống của hai bà cháu ở vùng nông thôn Miên Dương. Và cũng không phải tự nhiên, video đầu tiên khi Lý Tử Thất comeback trở lại sau 3 năm chính là hành trình 6 tháng sửa chiếc tủ quần áo hỏng cánh cho bà.
Lý Tử Thất trở lại sau 3 năm với video sửa tủ quần áo cho bà nội.
Video đầu tiên sau khi trở lại dài 14 phút nhưng lại chất chứa bao khó khăn, mệt nhọc và cả những lần bị dị ứng sơn ta đến mức nhập viện. Trong những khung hình từ ngày lẫn đêm, khi gió về đến lúc trời trở lạnh suốt 6 tháng hoàn thành xong cánh tủ quần áo bằng sơn mài, Lý Tử Thất đều chuyên tâm vào từng chi tiết nhỏ nhất. Điều đó không chỉ thể hiện cách cô thực hiện công việc, truyền tải đam mê văn hóa truyền thống mà đó cũng là tình yêu thương, sự hiếu thảo khi thực hiện món đồ dành cho người mình yêu thương nhất.
Tuổi thơ khó khăn, luôn có bà ở bên cạnh
Lý Tử Thất, tên thật là Lý Giai Giai, sinh năm 1990. Khi cô 2 tuổi, bố mẹ ly hôn. Sau này phải ở cùng mẹ kế, không được yêu thương, thậm chí còn bị đánh. Cô gái nhỏ chưa cao bằng bếp đã phải học cách nấu cơm, quét dọn. Làm tốt thì được ăn no, làm không tốt thì bị đánh là chuyện bình thường. Vài năm sau, bố cô qua đời vì bệnh, ông bà nội đón cô về nuôi.
Phần lớn những kỹ năng sinh tồn của một cô gái nông thôn có được ngày hôm nay đều nhờ học từ ông nội. Năm 14 tuổi, ông nội cũng qua đời. Cuộc sống của bà rất khó khăn, không thể chu cấp cho gia đình chứ đừng nói đến việc lo cho cháu gái đi học. Để có thể cùng bà nội sống qua ngày, cô đã phải bỏ học giữa chừng, lên thành phố làm thuê. Cô từng làm phục vụ, ngủ ở ghế đá công viên, thậm chí cả gầm cầu với mức lương ít ỏi ban đầu chỉ hơn 300 tệ (khoảng 1 triệu đồng). Khi đó, cô còn làm cả DJ vì đó là công việc có thu nhập cao nhất lúc bấy giờ cô có thể làm.
Năm 2015, cô trở về quê vì bà trở bệnh. Về quê đồng nghĩa với việc không có thu nhập. Cô mở một tiệm bán hàng online trên eBay nhưng không có khách. Sau đó, cô mở tiệm bán đồ đặc sản trên Taobao nhưng cũng không khá khẩm hơn bao nhiêu. Cô thử bắt đầu quay video quảng bá cho sản phẩm nhưng không ngờ video lại thu hút hơn cả đặc sản cô bán.
Năm 2016, video "Mì bò Lan Châu" của cô đạt 50 triệu lượt xem và được công chúng biết đến nhiều hơn. Và cứ thế, trong suốt những năm sau này, các video của cô đều đặn được đăng tải. Nội dung video của Lý Tử Thất nói về cuộc sống nông thôn, cuộc sống thường ngày của cô, xen lẫn ẩm thực đặc sắc của Trung Quốc và cả những nét đẹp văn hóa, nghề truyền thống của quê hương.
Và trong tất thảy những video đó của Lý Tử Thất đều có bóng dáng của bà nội. Đôi khi là những câu chuyện vụn vặt giữa hai bà cháu, khoảnh khắc bà cũng trợ giúp Lý Tử Thất, hoặc đơn giản chỉ ngồi cạnh ngắm cháu gái thoăn thoắt rửa rau, hái quả.
Nói rằng Lý Tử Thất khéo léo, đảm đang vì là xuất thân nông thông cũng không phải. Bởi bây giờ, hiếm thấy cô gái nông thôn nào có thể tự làm mọi thứ như Lý Tử Thất. Trong video của cô, không có gì lãng phí. Khoai lang ăn còn sót lại đều mang cho lợn, bã rửa sạch cho vịt ăn. Nước vo gạo dùng để tưới cây, lõi ngô dùng để nhóm lửa. Cô không nhìn vào camera hay lên tiếng, chỉ làm mọi thứ trong im lặng.
Thỉnh thoảng những câu nói vang lên đều là những câu trò chuyện cùng bà hoặc người dân trong làng. Đào măng, chẻ tre, đi cấy, gặt lúa, kéo sợi,... tuy không có lời thoại tường thuật nhưng nội dung cô truyền tải còn nhiều hơn lời nói. Cuộc sống đời thường từ ăn, mặc, ở, đi lại là nguồn cảm hứng cho những video của cô. Lý Tử Thất cũng nhiều lần chia sẻ trên Weibo rằng: "Cuộc sống nông thôn thực sự rất mệt mỏi và không đẹp như mọi người tưởng tượng. Điều tôi cho các bạn xem chính là cuộc sống tôi hàng ngày". Và bên cạnh đó là mong ước gửi gắm mọi thứ mỗi ngày đều tốt lên.
Người ta cũng nghe thấy câu nói mà Lý Tử Thất nói nhiều nhất với bà trong các video là: "Bà nội, ăn cơm đi", "Bà ơi, mình ăn cơm thôi nào",... Đối với nhiều người trẻ xa quê lập nghiệp, kiếm sống, không phải ai cũng có nhiều thời gian trở về bên bố mẹ, ông bà để tận hưởng những phút giây quây quần ấm êm như vậy. Bởi vậy, dưới mỗi video, không ít người xem bày tỏ sự xúc động mỗi lần nghe Lý Tử Thất gọi bà, mời bà ăn cơm, trò chuyện cùng bà.
Bên cạnh Lý Tử Thất giờ đây chỉ còn bà. Bà yêu thương và thấu hiểu cho cô cháu gái của mình rất nhiều. Công việc sáng tạo nội dung chiếm nhiều thời gian của Lý Tử Thất. Cô cũng sẽ vất vả hơn nhưng điều đó đồng nghĩa với việc cô có thêm thời gian ở cạnh bà.
Nấu món bà thích ăn, làm giày ấm tặng bà khi trời trở lạnh, may áo mới cho bà,... dù có truyền tải tình yêu văn hóa truyền thống nhiều đến đâu thì xuyên suốt trong các video của Lý Tử Thất nhiều nhất vẫn là tình yêu và lòng hiếu thảo dành cho bà.
Khoảng cách thế hệ không làm giảm tình yêu của bà dành cho cháu gái
Lý Tử Thất thu hút sự chú ý của vô số người hâm mộ với phong cách video độc đáo và cuộc sống đồng quê của mình. Trong video, cô thường xuyên xuất hiện cùng bà, hai bà cháu trò chuyện tự nhiên và tiếng cười của bà luôn truyền hơi ấm cho mỗi video của cô. Ở tuổi 34, như nhiều cô gái nông thôn điển hình khác ở Trung Quốc, chuyện giục kết hôn là điều bình thường, thậm chí có phần gay gắt.
Thế nhưng khi được hỏi liệu bà nội có thúc giục Lý Tử Thất kết hôn như nhiều người lớn tuổi khác không, cô mỉm cười trả lời: "Bà nội thực ra là một người rất cởi mở. Bà chưa bao giờ thúc ép tôi kết hôn. Bà biết rằng tôi có ý tưởng và kế hoạch của riêng mình, nên bà luôn âm thầm ủng hộ tôi".
Những lời chia sẻ này không chỉ thể hiện mối quan hệ tình cảm sâu sắc giữa Lý Tử Thất và bà nội mà còn thể hiện sự tôn trọng và thấu hiểu của bà cô dành cho cháu gái mình. Trong xã hội hiện đại, việc thúc giục kết hôn đã trở thành vấn đề phổ biến. Tuy nhiên, khoảng cách thế hệ khác xa nhau, bà nội vẫn có thể suy nghĩ từ góc nhìn của cháu gái mình, cho cô đủ tự do và không gian để theo đuổi ước mơ của mình.
Thái độ cởi mở này đã tạo ra một môi trường sống thoải mái cho Lý Tử Thất, giúp cô tập trung hơn vào sự nghiệp và sở thích của mình. Cô nàng cũng rất biết ơn bà đã thấu hiểu và ủng hộ mình, điều này giúp cô có thêm động lực theo đuổi ước mơ. Đồng thời, cô cũng nhấn mạnh rằng trong xã hội hiện đại, mỗi người đều nên có nhịp sống và sự lựa chọn của riêng mình. Dù là công việc hay hôn nhân, điều đó phải dựa trên mong muốn thực sự bên trong chứ không phải áp lực hay kỳ vọng bên ngoài.