Con hỏi: "Nhà mình có giàu không?", câu trả lời của mẹ sẽ quyết định tương lai con, người thông minh phản ứng theo cách này

Ứng Hà Chi,
Chia sẻ

Giáo dục về tiền bạc là một khóa học bắt buộc trong cuộc sống và là trọng tâm của giáo dục con cái.

Một đứa trẻ nọ vô tư hỏi: "Mẹ ơi, nhà mình có giàu không?". Đây là câu hỏi nhiều đứa trẻ thường đặt ra cho cha mẹ mình. Câu trả lời không chỉ cung cấp cho con tình hình về tài chính gia đình mà còn giúp con hình thành những khái niệm về tiền bạc. Nếu cha mẹ bỏ qua việc giáo dục tài chính cho con khi còn nhỏ có thể gây ra hậu quả lớn trong tương lai. Điều này đã được viết rõ trong cuốn sách nổi tiếng "Cha giàu, cha nghèo", của tác giả Robert Kiyosaki Sharon Lechter.

Trẻ không có nhận thức về đồng tiền khi nhỏ thì khi lớn lên sẽ đối mặt với 3 vấn đề: Không kiểm soát được cách tiêu dùng, không nhận thức được nhu cầu bản thân, không có kiến thức về đầu tư.

Trước câu hỏi: "Mẹ ơi, nhà mình có giàu không?", mẹ thường có 2 cách trả lời: Đặt ngược lại câu hỏi cho con hoặc cùng con xem xét vấn đề. Ở kiểu thứ nhất, mẹ có thể hỏi ngược lại con: "Tại sao con lại hỏi câu này?", "Con nghĩ gì về điều này?", "Sao con đột nhiên muốn biết câu trả lời?",…

Còn kiểu thứ hai, mẹ sẽ cùng con phân tích những thứ xung quanh câu hỏi như: Điều kiện gia đình hiện tại, nguồn gốc của tiền, ý nghĩa đồng tiền,… Nhưng trẻ thì đang khá nôn nóng, chúng chỉ muốn biết câu trả lời là "có" hay "không". Vì vậy, cha mẹ có thể đưa ra lời đáp dựa trên tình hình thực tế. Sau đó, hãy thiết lập cho con những quan điểm đúng đắn về tiền bạc.

Con hỏi: "Gia đình chúng ta có giàu không? - Mẹ trả lời cực tinh tế, phụ huynh khác vỗ tay rào rào - Ảnh 1.

Khi con hỏi điều kiện kinh tế gia đình, cha mẹ nên trả lời thành thật. (Ảnh minh hoạ)

Nhiều cha mẹ lo lắng khi đề cập đến chuyện tiền bạc với con. Họ sợ rằng nếu nói gia đình có tiền sẽ khiến con sinh hư, vòi vĩnh, tiêu xài phung phí. Họ sẽ giả vờ như không nghe thấy hoặc lảng tránh trả lời con. Nhưng cách này chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn khiến mọi chuyện diễn biến phức tạp hơn.

Cha mẹ cần nói thật về điều kiện kinh tế gia đình để trẻ cảm thấy an tâm, cảm thấy mình được tôn trọng. Sau đó, hãy giải thích với con rằng việc kiếm tiền rất vất vả, phải biết trân trọng đồng tiền. Cha mẹ cũng chỉ có thể nuôi con đến khi con 18 tuổi. Khi đến tuổi trưởng thành, con sẽ phải đi làm kiếm tiền bằng nỗ lực bản thân, không thể chờ cha mẹ chu cấp. Hãy từng bước giúp con hình thành nhận thức đúng đắn về giá trị đồng tiền.

1. Nói cho con biết tiền đến từ đâu

"Lao động tạo ra giá trị, lao động tạo ra tiền bạc", cha mẹ cần nói để con hiểu mình kiếm được tiền thông qua sức lao động. Tính chất, cường độ, khối lượng công việc khác nhau nên giá trị tạo ra khác nhau và số tiền thu về được cũng khác nhau. Bằng cách này trẻ sẽ hiểu được kiếm tiền là công việc không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy khuyến khích con kiếm tiền tiêu vặt bằng cách làm việc nhà. Chẳng hạn như hãy thoả thuận với con: Rửa bát được 3 đồng, quét nhà được 4 đồng, rửa xe được 10 đồng,…

Con hỏi: "Gia đình chúng ta có giàu không? - Mẹ trả lời cực tinh tế, phụ huynh khác vỗ tay rào rào - Ảnh 2.

Hãy giúp con hiểu giá trị đồng tiền bằng cách lao động để kiếm tiền tiêu vặt. (Ảnh minh hoạ)

2. Giúp trẻ kiểm soát tiền bằng cách lên kế hoạch

Một số phụ huynh vì nuông chiều con mà sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu, cho con rất nhiều tiền tiêu vặt. Họ để con tiêu xài thoải mái mà không biết điều này là làm hại con.

Cha mẹ nên cho con tiền tiêu vặt mỗi tháng nhưng cần đặt ra nguyên tắc để con sử dụng tiền hợp lý, không bị hoang phí. Chẳng hạn như hãy hướng dẫn con lập kế hoạch chi tiêu, chia nhỏ các khoản tiền và chỉ tiêu tiền theo nhu cầu cần thiết. Điều này sẽ giúp trẻ kiểm soát được bản thân.

3. Hướng dẫn con tiết kiệm tiền

Ngoài những thứ cần chi tiêu, trẻ nên biết cách tiết kiệm tiền bạc. Có nhiều cách tích luỹ tiền như bỏ ống heo, mở sổ tiết kiệm, mở tài khoản ngân hàng,… Cha mẹ cần dạy con chi tiêu đúng cách, tuyệt đối không dùng đến số tiền tiết kiệm trong bất cứ trường hợp nào.

Hãy giúp con phân biệt giữa "cần" và "muốn" để tránh tiêu xài mù quáng. Hãy gợi ý cho con những dự định lớn lao khi sử dụng số tiền tiết kiệm như: Đóng học phí đại học, đi du học, đăng ký các lớp học năng khiếu, kết hôn,…

Con hỏi: "Gia đình chúng ta có giàu không?, mẹ trả lời cực tinh tế - Ảnh 2.

Ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần dạy con cách tiết kiệm tiền bạc, tránh tiêu xài hoang phí. (Ảnh minh hoạ)

4. Nói với con rằng tiền không phải là tất cả

Tiền bạc rất quan trọng, chúng ta không thể tách rời tiền trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nhưng tiền bạc chắc chắn không phải là thứ quan trọng nhất trên đời. Tiền không phải là tất cả và nó không thể mua được mọi thứ.

Cha mẹ phải cho con hiểu rằng: Sức khoẻ, gia đình, tình yêu,… quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều. Đừng phụ thuộc hoàn toàn vào đồng tiền mà đánh mất nhiều điều quý giá. Có một câu nói nổi tiếng như sau: "Tiền bạc là đầy tớ tốt nhưng là ông chủ tồi".

Hãy biến đồng tiền thành "nô lệ" phục vụ cho những mục đích, nhu cầu chính đáng của bản thân, chứ đừng để đồng tiền chi phối. Cha mẹ cần nghiêm khắc giáo dục trẻ sử dụng đồng tiền đúng cách, không đánh mất mình trong những ham muốn vật chất tầm thường.

Chia sẻ