Câu hỏi Olympia: Kể tên mâm ngũ quả truyền thống của miền Nam, nhìn tưởng dễ mà không thí sinh nào trả lời đúng!
Không phải ai cũng biết rõ tên những loại quả để tạo thành một mâm ngũ quả truyền thống của người miền Nam.
Là một chương trình trí tuệ có sức hút trải dài qua nhiều thập kỷ, Đường lên đỉnh Olympia là một điểm hẹn mỗi chiều chủ nhật với rất nhiều người. Qua chương trình, người xem được học hỏi rất nhiều kiến thức thú vị, không chỉ các môn khoa học mà còn có các nét văn hoá đặc sắc đời thường.
Mới đây, trong chương trình phát sóng vào ngày 30/01, đã xuất hiện một câu hỏi liên quan đến chủ đề Tết nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả xem truyền hình.
Cụ thể, đây là một câu hỏi quen thuộc liên quan đến tục bày cúng mâm ngũ quả vào ngày Tết của người Việt. Câu hỏi này có nội dung như sau:
Từ hình của các loại quả được cho bao gồm: Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, Sung, Dâu, Xoài, Sầu Riêng, Chuối. Thí sinh hãy chọn ra 5 loại quả để có được một mâm ngũ quả truyền thống của người miền Nam.
Các loại quả mà chương trình đưa ra. (Nguồn: Đường Lên Đỉnh Olympia)
Với 15 giây ngắn ngủi, thí sinh này buộc phải tìm ra những loại quả có mặt trong mâm ngũ quả truyền thống của người miền Nam. Sau 15 giây suy nghĩ, thí sinh này đã chọn ra những loại quả như sau: Mãng Cầu, Sầu Riêng, Xoài, Chuối, Đu Đủ.
Tuy nhiên, những loại quả mà thí sinh đã chọn ra như trên lại không phải là đáp án chính xác. Đáp án đúng mà chương trình đưa ra bao gồm 5 loại quả sau:
Mãng Cầu, Sung, Dừa, Đu Đủ, Xoài.
Đây là các loại quả thường xuất hiện trong một mâm ngũ quả truyền thống của người miền Nam với ý nghĩa thể hiện mong ước một năm mới đầy đủ và sung túc.
Câu hỏi nhìn thì đơn giản nhưng mỗi vùng miền lại có phong tục khác nhau nên chỉ cần nhầm một chút thôi là sai ngay. Có thể vì thí sinh là người miền Bắc nên không hiểu rõ về phong tục bày cúng mâm ngũ quả của người miền Nam nên mới trả lời sai câu hỏi này.
Chuẩn bị mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ là một phong tục quen thuộc, ý nghĩa của người Việt mỗi dịp Tết đến, trở thành một nét văn hoá đặc trưng không thể thiếu. Bên cạnh yếu tố tâm linh, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà tổ tiên, những mâm ngũ quả còn mang nhiều ý nghĩa trang trí. Tuỳ thuộc vào đặc trưng văn hoá khác nhau mà mỗi vùng miền lại có những quan niệm bày mâm ngũ quả khác nhau.
Sự khác biệt của mâm ngũ quả miền Bắc và Nam
Thông thường người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả miền Bắc thường có 5 loại: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Những chỗ còn trống cài xen kẽ quýt vàng, táo xanh, hoặc những quả ớt chín đỏ.
Sự khác biệt của mâm ngũ quả giữa miền Bắc và miền Nam. (Ảnh: Internet)
Người miền Nam thường bày mâm ngũ quả theo mong muốn là "cầu sung vừa đủ xài" với ước mong năm mới gia đình sẽ được đủ đầy và sung túc. Mâm ngũ quả của người miền Nam thường được bày đầy đủ 5 loại quả quan trọng nhất là mãng cầu, dừa, đủ, xoài và sung. Bên cạnh đó, người miền Nam không thờ cúng một số loại trái cây có cách phát âm mang ý nghĩa không tốt như chuối (Chúi nhủi, làm ăn không phất lên được), lê (lê lết, đổ bể, dễ thất bại), cam, quýt (Quýt làm cam chịu),…
Nguồn: Tổng hợp