Cậu học trò hôi hám và sự xấu hổ của cô giáo lớp 6
Đó là một câu chuyện mà không ít người đã nhìn thấy hình ảnh của một ai đó, hay thậm chí là chính bản thân mình trong đó.
Một câu chuyện đã có từ lâu nay lại vừa mới được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút sự theo dõi của nhiều người.
Nội dung và những bài học đằng sau đó khiến người đọc không khỏi lặng mình suy ngẫm, bởi lẽ đó không hẳn là câu chuyện của một người nào đó xa lạ, mà ở đó nhiều người còn nhìn thấy hình ảnh của chính họ: có thể là học sinh, cũng có thể là cô giáo.
Hình ảnh một cậu học sinh nghèo, hôi hám, ăn mặc bẩn thỉu ngồi co ro ở bàn cuối lớp khiến cô giáo e ngại, không muốn dành chút sự quan tâm, sự yêu thương chân thành nhất dành cho cậu.
Khi đọc bài cậu học sinh ấy viết, cô giáo cảm thấy bực tức và chỉ muốn dùng bút đỏ gạch chèo và cho cậu điểm 1. Rồi khi kết thúc kỳ học, khi phải đọc và nhận xét học trò của mình, cô giáo đã để hồ sờ của cậu ở cuối cùng.
Thế rồi khi đọc những lời nhận xét của các giáo viên trước, thì sự chán ghét của cô giáo đối với cậu học trò nghèo ấy đã dần biến mất mà thay vào đó là sự xấu hổ của cô khi biết quan tâm tới trò quá muộn.
Tình cảm cô trò trong câu chuyện này khiến người đọc không khỏi xúc động và càng biết trân quý hơn những người xung quanh, biết mở lòng với những số phần nghèo khó xung quanh.
Dưới đây là nội dung câu chuyện:
Đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm lớp 6 nhận lại những cô cậu học sinh cũ đã từng học lớp 5 của cô.
Cô đưa mắt nhìn toàn bộ lớp và nói, cô yêu tất cả các em như nhau, cô rất vui được gặp lại các em. Nhưng đó là lời nói dối, bởi cô không yêu cậu học trò ngồi co ro ở bàn cuối.
Cô giáo tiếp quản cậu cùng với các học sinh của lớp này từ năm học trước. Khi đó cô đã phát hiện ra cậu bé không chơi đùa với các bạn cùng lớp, ăn mặc bẩn thỉu, người ngợm hôi hám như không bao giờ tắm.
Thời gian trôi đi, tình cảm của cô đối với cậu học trò này ngày một xấu thêm, thậm chí mỗi khi chấm bài, cô chỉ muốn lấy bút đỏ gạch chéo bài làm của cậu và cho 1 điểm.
Gần hết học kỳ 1, hiệu trưởng yêu cầu tất cả giáo viên chủ nhiệm phải đọc lại và phân tích nhận xét đối với tất cả các học trò từ ngày đầu tiên chúng đến trường.
Cô giáo để hồ sơ của cậu học sinh cá biệt xuống cuối cùng. Nhưng khi đọc những dòng nhận xét của các giáo viên trước, cô đã không khỏi kinh hoàng.
Cô giáo lớp 1 viết: "Đây là đứa trẻ tuyệt diệu, có nụ cười toả nắng. Em làm bài tập rất cẩn thận và sạch sẽ. Được ở bên em là cả niềm thú vị"!
Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Đây là em học sinh xuất sắc được thầy yêu bạn quý. Nhưng gia đình em có vấn đề: mẹ em mắc bệnh nan y và cuộc sống của em ở nhà bị ám ảnh bởi sự vật lộn với cái chết" .
Cô giáo lớp 3 ghi nhận: "Cái chết của người mẹ đã giáng vào em một đòn chí tử. Em đã cố gắng hết sức, nhưng ba em không quan tâm đến em, cuộc sống ở nhà sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của em, nếu không áp dụng biện pháp nào".
Cô giáo lớp 4 phán: "Cậu bé này không nhất quán, không thích học, hầu như không có bạn và thường ngủ gật trên lớp".
Đọc xong những dòng nhận xét, cô giáo lớp 6 thấy xấu hổ. Tại sao cô lại không đọc những dòng này sớm hơn.
Tình cảm trân quý giữa cô và trò (Ảnh minh họa).
Năm mới, các học sinh rộn ràng mang những món quà gói trong giấy bóng kính có thắt nơ rất đẹp đến tặng cô. Món quà của cậu học sinh bị ruồng rẫy được gói trong tờ giấy nâu nhăn nhúm.
Một vài em cười khúc khích khi thấy cô giáo lấy từ trong đó ra một chiếc vòng đeo tay khảm đá nhưng đã bị mất mấy viên và một lọ nước hoa dùng dở, chỉ còn lại 1/4.
Nhưng cô giáo đã dập tắt tiếng cười khi thốt lên: "Ôi, chiếc vòng đẹp quá!" - cô đeo vòng vào tay, mở lọ nước hoa, xịt một chút vào cườm tay.
Tan học ngày hôm đó, cậu bé nấn ná ở lại. Nó đến gần cô giáo và nói:
- Hôm nay cô có mùi hương giống mẹ em!
Khi cậu bé đi rồi, cô giáo ngồi lại lớp và khóc rất lâu. Kể từ ngày đó, cô không chỉ dạy các em học văn, học viết, học toán, mà bắt đầu nói với các em về lòng tốt, về những nguyên tắc và sự cảm thông.
Một thời gian sau, cậu học sinh cá biệt đã quay trở lại với đời thường. Đến cuối năm học, cậu trở thành một trong những học sinh xuất sắc của lớp.
Và mặc dù cô giáo có nhắc lại rằng cô yêu tất cả học sinh như nhau, nhưng trên thực tế cô đánh giá cao và yêu cậu học trò đó nhất.
Một năm sau, khi đã chủ nhiệm lớp khác, cô tìm thấy mảnh giấy nhét qua khe cửa lớp. Cậu bé viết cô là cô giáo tốt nhất mà nó đã từng học.
Năm năm sau, cô mới nhận được thêm một bức thư nữa từ cậu học trò cũ. Cậu kể rằng cậu đã tốt nghiệp phổ thông với số điểm cao thứ ba trong trường và rằng cô vẫn tiếp tục là cô giáo tốt nhất trong đời cậu.
Bốn năm nữa trôi qua và cô giáo lại nhận được thư của cậu. Cậu viết cậu đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dẫu vậy cậu vẫn sắp tốt nghiệp đại học với điểm số cao. Cậu khẳng định một lần nữa rằng cho đến giờ cô vẫn là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời cậu.
Bốn năm sau cô nhận được thêm một bức thư nữa. Lần này, học trò cũ của cô viết rằng anh tiếp tục theo đuổi việc học sau khi tốt nghiệp đại học. Giờ đây anh đã bảo vệ xong luận án tiến sĩ. Trong thư anh viết cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất.
Thời gian cứ thấm thoắt trôi. Đến một ngày bà giáo nhận được bức thư thứ năm của học trò cũ thông báo tin anh sắp cưới vợ.
Bố anh đã qua đời một năm trước và anh mong bà sẽ đến đám cưới của anh, ngồi vào vị trí của mẹ chú rể. Bà giáo không đắn đo nhận lời.
Trước đám cưới, bà đi tìm mua lại loại nước hoa mà cậu bé bất hạnh đã tặng bà năm xưa. Vào đúng ngày đám cưới, bà lấy chiếc vòng tay bị thiếu mấy viên đá ra đeo, xức loại nước hoa đó.
Bà gặp lại chàng trai sau bao nhiêu năm xa cách. Hai người ôm nhau và chàng trai lại cảm nhận thấy mùi hương thân thuộc.
- Cảm ơn cô đã tin em, cảm ơn cô đã cho em thấy sự cần thiết và giá trị của mình. Cảm ơn cô đã dạy em phải biết tin vào sức lực của mình, biết phân biệt cái tốt và cái xấu.
Bà giáo rưng rưng nhìn chàng trai và khẽ đáp:
- Em nhầm rồi, chính em đã dạy cô tất cả những điều đó. Cô hoàn toàn không biết dạy học cho đến khi gặp được em...