Câu đố Tiếng Việt: "Con gì không có xương sống mà vẫn đứng được?" – Ai nhanh trí 5 giây có đáp án

Ứng Hà Chi,
Chia sẻ

Bạn mất thời gian bao lâu để đưa ra câu trả lời trước câu hỏi này?

Động vật không xương sống – ngay tên gọi đã phản ánh đặc trưng của những loài thuộc nhóm này là không có xương sống. Nhóm động vật không xương sống chiếm 97% trong tổng số các loài động vật. Đa số các con vật trong nhóm đều thuộc thân mềm, không đứng được vì không có phần xương sống hỗ trợ.

Tuy nhiên, trong một tập của chương trình Nhanh như chớp đã xuất hiện một câu đố rất lạ lùng về loài vật không xương sống. Câu đố có nội dung như sau:

"Con gì không có xương sống mà vẫn đứng được?".

Câu đố Tiếng Việt: "Con gì không có xương sống mà vẫn đứng được?" – Ai nhanh trí 5 giây có đáp án - Ảnh 1.

Nguồn: Nhanh như chớp.

Như đã giải thích ở trên, con vật không có xương sống thì không thể đứng vững được. Vì thế, đây không phải là câu đố kiến thức mà đích thị là một câu đố mẹo. Để có câu trả lời chính xác, yêu cầu người chơi phải có tư duy nhanh nhạy, khả năng ứng biến linh hoạt và trí tưởng tượng phong phú. Ở câu hỏi hóc búa này, người chơi là diễn viên Chí Thiện đã không đưa ra được câu trả lời.

Đáp án đúng của chương trình là: CON DỐC.

Đây là một câu đố khó, hiếm ai có thể đưa ra câu trả lời trong thời gian ngắn. Rõ ràng con dốc "không có xương sống nhưng vẫn đứng thẳng" được. Trước câu hỏi thú vị này, mọi người đã bật cười sảng khoái!

Con dốc là một đoạn đường có hai đầu và tạo nên độ chênh lệch nhất định, không giống với đường phẳng. Con dốc gồm: Chân dốc, lòng đường và đỉnh dốc. Khi càng lên đến đỉnh thì độ dốc càng cao. Những con dốc thoải thường không gây khó khăn trong việc di chuyển. Tuy nhiên những con dốc cao, dốc thẳng đứng kết hợp với đường trơn, trời tối có thể gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Câu đố Tiếng Việt: "Con gì không có xương sống mà vẫn đứng được?" – Ai nhanh trí 5 giây có đáp án - Ảnh 2.

Con dốc ở Đà Lạt khiến nhiều người xao xuyến. (Ảnh minh hoạ)

Con đường Baldwin (New Zealang) được mệnh danh là con dốc lớn nhất thế giới trong hơn một thập kỷ qua. Đoạn thấp của con đường có độ dốc trung bình và bề mặt rải nhựa đường. Đoạn phía trên con đường (khoảng 200m) quá dốc nên bề mặt được lát bê tông để dễ bảo trì. Tại điểm dốc nhất, độ dốc của đường Baldwin là 1:2,86 (19 độ hay 35%). Điều đó có nghĩa là cứ mỗi 2,86m theo phương ngang, độ cao của con đường tăng thêm 1m.

Nguyên nhân tạo nên độ dốc bất thường của con đường là do việc quy hoạch đô thị yếu kém. Trước khi làm đường, các kiến trúc sư đã không nắm rõ địa hình của thành phố. Thay vì chỉnh sửa bản vẽ hay tìm hướng khắc phục con dốc, những đội thi công vẫn được cấp phép và xây dựng những con đường dốc.

Ở Việt Nam cũng có những con dốc nổi tiếng tại Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Những con dốc này là một trong những "đặc sản" quen thuộc của người dân thành phố ngàn hoa mà khách du lịch đến đây tỏ ra rất thích thú. Không thể không nhắc đến một số con dốc ngoằn ngoèo là địa điểm "check-in" của giới trẻ như: Dốc Nhà Bò, dốc Sông Lô, dốc Nhà Làng, dốc Nguyệt Vọng Lầu, dốc chợ Đà Lạt,…

Chia sẻ