Câu chuyện về người trả lại 170 triệu và nỗi buồn mang tên "sự ganh ghét"

Theo Kênh 14,
Chia sẻ

Một nhà báo nhặt được bọc tiền hơn 170 triệu đồng, ngoài số ít người ngưỡng mộ lòng tốt và khâm phục sự tử tế hiếm hoi còn sót lại trên đời, các thành phần khác thi nhau lên tiếng chê anh này “ngu” và “đánh bóng bản thân”.

GATO – Ghen ăn tức ở, đã trở thành “vấn nạn” trong giới chơi mạng từ bao năm nay. Có đợt, người ta phải bật cười vì câu nói “Giàu thế sao không làm từ thiện”, rồi câu kinh điển “Không phải GATO gì đâu, nhưng mà…” – sau đó là một rổ “đá” dành cho người lỡ có thành tích nổi bật, nhan sắc vượt trội hay gia tài kếch xù. Các anh hùng bàn phím luôn nhìn thấy sự tiêu cực trong tất cả các vấn đề, để rồi soi mói và bình luận ác ý theo chiều hướng lên án.

Một cô hoa hậu tậu nhà mới, sắm xe mới lên báo mạng, ở dưới luôn phải là bình luận “Giàu thế sao không để tiền giúp đỡ người nghèo”, trong khi người ta mang đến tiền trăm triệu làm từ thiện thì chẳng bao giờ nhắc hay quan tâm chứ đừng nói là một lời khen.

Một bộ ảnh khoe vẻ đẹp của người mẫu, trên diễn đàn số 1 dành cho phụ nữ chắc chắn phải tràn ngập comment chê lấy được. Hết chê mũi làm – răng sửa, đến cằm gọt… Từ đó còn ra khối vấn đề trong gia đình cô này, được anh nào bao ra sao, kiếm tiền thế nào. Họ tung hê và dìm hàng nhân vật trong cái forum dạng giếng làng, đâu biết được ngoài kia cuộc sống sôi động và cô người mẫu chưa hề có thời gian ngó qua diễn đàn lấy 1 lần vì còn quá bận hưởng thụ.

Câu chuyện về người trả lại 170 triệu và nỗi buồn mang tên
  Hành động giản dị của Running Man Vũ Xuân Tiến khi đó lại bị chê là sơ sài, cẩu thả khi ghi tên người được tặng quà bằng bút dạ.

Nhớ sự kiện "Running Man" Vũ Xuân Tiến vào năm ngoái, chàng trai 20 tuổi người Hải Dương khoác trên vai lá quốc kỳ Việt Nam, chạy trên sân vận động (SVĐ) Emirates nổi tiếng được truyền đi khắp thế giới với niềm tự hào của nhiều người dân Việt Nam.

Khi đó, “Running Man” chia sẻ những bức ảnh trong chuyến đi trên Facebook của mình, trong đó có bức ảnh Tiến tự tay ghi tên các cầu thủ thành LonDon lên hộp bánh đậu xanh quê hương làm quà tặng, một hành động thể hiện sự thân thiết, mộc mạc thì một số ý kiến lại tỏ ra bức xúc, xấu hổ khi "soi" thấy những món quà không được bọc gói mĩ miều.

Các anh hùng bàn phím lúc này điên cuồng chê bai Xuân Tiến quá sơ sài, cẩu thả ghi tên người được tặng quà bằng bút dạ lên hộp bánh, không bọc gói nổi món quà cẩn thận hơn, được đón tiếp trọng thị nhưng lại không chuẩn bị nổi một món quà ra hồn. Một Fber thể hiện rõ nhất mình đang ở “đáy giếng” bằng việc chỉ trích Tiến: “Có thể không đi nước ngoài, không gặp người nước ngoài nhưng tự tìm hiểu một chút về văn hóa của họ trên Internet. Chắc em này suốt ngày chỉ xem đá bóng, nói chung là bô lô nhếch và cũng chỉ đến thế thôi”.

Sự tử tế, chân thành của một chàng trai chân chất 20 tuổi lập tức bị đánh giá là cẩu thả, trong khi vấn đề chính ở đây – người ta đang GATO với việc Tiến được vinh danh bên lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay trên đất Anh xa xôi và trên kênh truyền hình của nhiều quốc gia, việc Tiến được sang London xem Arsenal thi đấu. Hình như những sự tử tế, giỏi giang, may mắn và giàu có của người khác quá dễ để trở thành tâm điểm bị soi mói và đánh giá. Thậm chí có những đánh giá sai lệch hoàn toàn, chỉ dựa trên phán xét cá nhân.

Mới đây, lại một lần nữa các anh hùng bàn phím thể hiện rõ nhất sự suy diễn trước hành động làm việc tốt của người khác. Ngày 23/6, một chàng trai nhặt được số tiền khoảng 170 triệu đồng và đã đăng hình ảnh cũng như thông tin lên Facebook nhằm tìm kiếm, trao trả lại cho người bị mất. Hành động này đã khiến cư dân mạng cảm thấy vô cùng nể phục nghĩa cử cao đẹp của anh. Người thanh niên tốt bụng có tên Đào Bình, hiện đang là một nhà báo.

Câu chuyện về người trả lại 170 triệu và nỗi buồn mang tên
Người có lòng tốt hiếm hoi: Nhà báo Đào Bình.

Câu chuyện về người trả lại 170 triệu và nỗi buồn mang tên
Số tiền anh Đào Bình nhặt được và đăng lên Facebook mong muốn trả lại người đánh mất.

Việc anh Bình đăng tải hình ảnh cùng dòng thông tin chi tiết tìm kiếm người đánh mất số tiền lớn đã khiến bao người cảm thấy ấm lòng vì ngoài kia, vẫn còn những lòng tốt rất bình dị, sự tử tế vốn đã quá hiếm hoi nhưng không phải là không có.

Thế nhưng, nghĩa cử cao đẹp này lại là cớ khiến các “thần dân” thế giới GATO hoạt động mạnh. Trên diễn đàn 141, admin đã phải xóa nhiều comment và ban luôn nick của vài thành phần “cần phải loại bỏ”. Admin trang này bức xúc thông báo: “Một vài bạn vào chửi người nhặt được tiền mà trả lại là ngu, không ăn được mới thông báo trả lấy le. Mình xử lý nhẹ nhàng bằng hình thức xóa comment.Một số khác vào bảo là tự dựng vụ việc để PR, đánh bóng bản thân. Thậm chí có một thanh niên vào bảo là lừa đảo vì người này đã từng đi tù trong khi người ta là nhà báo, người làm công luận đàng hoàng. Những thành phần này mình đã ban ngay không băn khoăn”.

Không khó để tìm thấy comment chê nhà báo đem tiền trả lại là “Ngu”, rồi “Tại sao không giữ luôn mà đi trả lại làm gì. Nhặt được của rơi mà còn sĩ diện đem trả, hay không ăn được mới nhả?”, hay “Bị điên mới đi trả lại, dại thế!”.

Thậm chí có kẻ còn tự suy diễn: “Có khi nào anh này tự bỏ tiền túi mình ra? Và sau này nhờ 1 người quen rồi bảo đánh rơi? Để được lăng xê bản thân không?”… “Dị” nhất là người có hành động đẹp, đáng được khen ngợi lại bị cho rằng từng “đi tù, lừa đảo” chỉ vì những kẻ đang GATO kia không muốn nhìn nhận sự việc một cách thiện chí.

Câu chuyện về người trả lại 170 triệu và nỗi buồn mang tên
Comment GATO ném đá lập tức bị phản bác vì quá vô lý.

Đọc những dòng comment kiểu này, không ít người đã phải thốt lên “Thật quá sợ hãi sự suy diễn bụng ta ra bụng người, GATO. Thế nào cũng chửi được!”. Một người làm việc tốt cũng bị “chửi”, giả như hùa theo cái xấu lại càng bị “chửi” hơn nữa, vậy cuối cùng lòng tốt và sự tử tế phải đứng ở đâu để tránh những “miệng lưỡi không xương”?

Xin trích lời admin trang 141 về vụ trả lại hơn 170 triệu đồng đánh rơi này: “Ở Việt Nam, người tốt như vậy đã hiếm rồi. Đừng dùng "miệng lưỡi cú diều" để số người đó ngày một ít hơn. Đừng nghĩ ai cũng như mình, trời không cho không ai cái gì đâu”.

Chia sẻ