Câu chuyện về "máy bay bà già"
Cụm từ “phi công trẻ lái máy bay bà già” thường được dùng để chỉ những mối quan hệ “đũa lệch” nguy hiểm, bấp bênh mà người trong cuộc vì chủ quan mà không để ý đến.
Tình yêu vốn có lý lẽ riêng của nó. Khi lý lẽ này có thể vượt mọi biên giới của sự giàu nghèo, ngôn ngữ, màu da, thì biên giới tuổi tác có hề gì, nhất là khi người trong cuộc đều có tâm hồn tươi trẻ như nhau? Nhiều cuộc hôn nhân chênh lệch tuổi tác đã diễn ra, bất chấp mọi lời gièm pha, như muốn chứng minh rằng: “Với tình yêu, không có gì là không thể”. Tuy nhiên, dư luận xã hội vốn nghiệt ngã, dù biết tình yêu có lý lẽ riêng của nó nhưng người ta vẫn chưa xem những cuộc hôn nhân, những mối tình quan hệ chênh lệch tuổi tác là nghiêm túc và đúng đắn.
Nếu đó là một cô vợ trẻ lấy ông chồng già, họ sẽ có ngay lời bình phẩm: “Lấy vì tiền thôi”. Qua thời gian, khi người trong cuộc chung sống với nhau hạnh phúc, con cái đề huề, dư luận xã hội mới thôi không bình luận nữa.
Riêng về mặt “vợ già chồng trẻ”, dư luận thường ác nghiệt hơn nhiều. “Chàng” hay bị cho là “đào mỏ”, là “phi công trẻ lái máy bay bà già”, là “diễn viên xiếc”. “Nàng” thì luôn bị chê cười: “trâu già mà ham gặm cỏ non”, là “hồi xuân vượt mức”, là “má lớn”…
Có hay không hạnh phúc bền vững cho các “đôi đũa lệch”?
Những ai trong giới điện ảnh hẳn không xa lạ gì với “bộ đôi” Lê Hoàng Hoa – Trúc Quỳnh. Ông là một đạo diễn nổi tiếng trước và sau 1975. Gu của Lê Hoàng Hoa là chỉ yêu gái trẻ, không ai không biết điều này. Chính ông cũng xác nhận: “Phụ nữ hai mươi tuổi, đối với tôi là quá đát rồi”. Ai nghe cũng chỉ cười thôi vì biết đó là sự thật. Người ta cũng nghiễm nhiên cho rằng, những cô gái trẻ từng đến với Lê Hoàng Hoa đều có một ý muốn: được ông lăng-xê làm diễn viên điện ảnh, việc trao đổi tình cảm chỉ là một sự “có qua, có lại” mà thôi.
Vì thế, khi thấy ông cặp kè với Trúc Quỳnh, một cô diễn viên xinh đẹp chỉ vừa mười sáu tuổi, ai nấy đều nghĩ: “Thêm một cô gái trẻ nữa trong bộ sưu tập của Lê Hoàng Hoa”. Thế nhưng, vài năm sau, nhận được thiệp cưới của Lê Hoàng Hoa với tên cô dâu là Trúc Quỳnh, mọi người chưng hửng. Hoá ra họ yêu nhau thật và cưới nhau tử tế, không vui chơi, lợi dụng nhau như người ta nghĩ. Tuy nhiên, “dư luận quần chúng” vẫn không buông tha. Họ đi dự đám cưới vị đạo diễn năm mươi lăm tuổi với cô dâu hai mươi tuổi rồi “cá” với nhau: “Để xem anh chị sống với nhau được bao lâu”?.
Không ai nghĩ Lê Hoàng Hoa và Trúc Quỳnh sẽ sống hạnh phúc, nhất là khi so sánh tuổi tác vợ chồng họ với nhau. Khi Lê Hoàng Hoa bảy mươi lăm tuổi, Trúc Quỳnh mới ở tuổi bốn mươi, ngồn ngộn sức sống. Ấy là họ cho khoảng cách hai mươi năm chung sống rồi đấy. Chứ cứ rạch ròi như những gì nhìn thấy trong xã hội xem: Đàn ông vào tuổi sáu mươi đã… tàn chiến trận rồi, trong khi phụ nữ hai lăm thì sinh lực tràn trề, khát khao yêu đương thật mạnh mẽ.
Những người trong và ngoài giới điện ảnh âm thầm nghĩ rằng, rồi Lê Hoàng Hoa sẽ phải… trả giá những gì ông đã làm với các cô gái trẻ, rằng ông sẽ bị chính người vợ trẻ của mình ruồng bỏ.
Thế nhưng, vợ chồng Lê Hoàng Hoa đã có với nhau một cô con gái xinh đẹp và vẫn sống hạnh phúc bên nhau hai mươi lăm năm qua. Họ định cư ở Ba Lan và vẫn về Việt Nam tay trong tay, vui chơi ăn uống với bạn bè. Lê Hoàng Hoa ngày nay không còn phong độ như thời năm mươi lúc cưới Trúc Quỳnh, nhưng vẫn là người đàn ông phong lưu, tính tình “trẻ con” (lời Trúc Quỳnh bảo) khi lăng xăng khoe bạn bè ảnh gia đình họ chụp ở các nơi trên thế giới khi đi du lịch.
Còn Trúc Quỳnh? Chị đúng là đang trong lứa tuổi “nguy hiểm” nhất, tuổi hồi xuân, nhưng khi ngồi trò chuyện, thấy ánh mắt âu yếm chị dành cho chồng, thấy vẻ sôi nổi khi nói về con gái, cũng biết được hạnh phúc của chị là được chăm sóc họ.
Đó là một ví dụ trung thực nhất về hạnh phúc của một đôi “chồng già, vợ trẻ”. Còn trường hợp ngược lại thì sao?
Rất nhiều cuộc hôn nhân “vợ già chồng trẻ” đã diễn ra trong xã hội, nhưng thường chênh lệch tuổi tác không nhiều, chỉ khoảng từ năm đến tám tuổi. Trong đó, cuộc hôn nhân “hạnh phúc và đau khổ bằng nhau” mà mọi người từng biết là cuộc hôn nhân của hai nhà thơ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Tình yêu của họ được gọi là “thiên tình sử” với nhiều nụ cười và nước mắt. Những tác phẩm của họ để lại cho đời đã phần nào nói lên hạnh phúc mà họ từng được hưởng, cũng như nỗi đau khổ họ có khi sống bên nhau.
Tuy nhiên, có cuộc hôn nhân nào mà không có nụ cười và nước mắt? Việc họ vượt qua mọi trở ngại, vượt qua dư luận xã hội để đến với nhau đã là đáng kể lắm rồi. Tôi chưa bao giờ nghe ai đó gièm pha Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh theo kiểu “phi công trẻ lái máy bay bà già” cả. Phần vì họ chỉ hơn kém nhau có tám tuổi, phần vì tình yêu của họ quá đẹp để mọi người thán phục.
Dù rằng như vậy, khi họ cùng qua đời vì tai nạn năm 1988, không ít kẻ độc miệng bảo: “Thôi thế cũng xong. Chết được ở bên nhau khi còn yêu là tốt đấy. Chứ còn sống, ít năm nữa lại chẳng bỏ nhau vì nhiều mâu thuẫn ấy chứ”. Kể như vậy để thấy rằng với những cuộc hôn nhân “già - trẻ” vẫn bị gièm xiểm như thường.
Ashton Kutcher cưới Demi Moore lớn hơn mình mười lăm tuổi trong sự châm biếm của người trong giới. Bởi vì khi đứng với Demi Moore, vẻ mặt non choẹt của chàng diễn viên không chênh lệch với đám con của Demi Moore bao nhiêu. Và cho dù họ có “biểu diễn” tình yêu và hạnh phúc dưới mọi góc độ khi có dịp đứng dưới ánh đèn flash, người ta vẫn cười nhếch mép, chờ đến lúc họ bỏ nhau. Trong thế giới mà kết hôn, ly hôn như một trò đùa ở Hollywood, chuyện này cũng dễ xảy ra.
Khi các “máy bay bà già” đi tìm “phi công trẻ” để… trả thù đời!
Trên đây, tôi chỉ mới đề cập sơ đến những cuộc hôn nhân thực sự và những gì dư luận xã hội dành cho những cặp đôi “già trẻ” khác thường.
Trong xã hội, còn một dạng quan hệ khác thường cũng nằm trong phạm trù “già trẻ” ấy. Đó là “những mối tình bên đời”, khi người phụ nữ đã trải qua một cuộc hôn nhân không vừa ý, có kết thúc đau lòng và chỉ muốn có người yêu để vui chơi, không muốn tái hôn vì nhiều lý do.
Chị Kim Thủy, bốn mươi bảy tuổi, là một người như thế. Chị, giám đốc một công ty dệt may khá bề thế, đi công tác nước ngoài như con thoi. Cũng bởi chị đi nước ngoài để làm việc nhiều quá, không có thời gian dành cho chồng nên anh đã tìm đến một phụ nữ khác để được quan tâm hơn.
Ly dị chồng với nỗi hận “Tại sao mình đi làm cực khổ, đem tiền về cho ông ấy hưởng thụ mà ông ấy còn phản bội mình?”, chị thề không bao giờ dính dáng đến đàn ông nữa. Nhưng sự cô quạnh đã lôi chị ra khỏi lời thề của mình. Đó là khi đi chơi với một “hội phụ nữ độc thân vui tính” theo lời giới thiệu của bạn bè, chị đã thấy thích những chuyện họ đang làm và thấy mình cũng có thể làm được như họ.
Đó là một hội toàn những phụ nữ đã ly dị chồng. Mỗi người đều có lý do riêng nhưng đều kết luận là “Đàn ông vui chơi được thì mình cũng vui chơi được. Đàn ông có vợ rồi mà toàn đi kiếm gái trẻ để giải trí. Trong lúc đó, mình là một phụ nữ đã ly hôn. Mình độc thân và tự do. Mình cũng có thể kiếm trai trẻ để giải trí”.
Nghĩ là làm. Không khó gì để họ tìm ra những chàng trai gặp khó khăn trong cuộc sống và sẵn sàng làm mọi điều để thoát khỏi cảnh ngộ ấy. Khi vui chơi ở những quán bar, vũ trường, họ cũng gặp thêm những đối tượng khác - những người đàn ông ưa sự thoải mái, không thích ràng buộc chuyện vợ con, chỉ muốn bầu bạn và có một thế giới riêng sau khi ai về nhà nấy.
Đi chơi với “hội” vài lần, chị Kim Thủy cũng gặp được một chàng trai thua mình 15 tuổi. Cảm giác ban đầu thật ái ngại, nhất là khi chị so sánh vẻ mơn mởn đầy sức sống của anh ta với vẻ khắc khổ của mình. Nhưng anh ta đã trấn an chị bằng thái độ âu yếm, chiều chuộng, xưng hô “anh, em” ngọt xớt. Nhu cầu trẻ lại khiến chị đi mỹ viện thường xuyên, không tiếc tiền cho may mặc, ăn diện. Chị thật hạnh phúc mỗi khi gặp người tình trẻ, được anh ta khen nức nở rằng: “Em mỗi ngày một đẹp ra. Em làm anh ghen chết thôi”.
Càng lúc, anh ta càng chiều chuộng, săn đón chị. Dĩ nhiên, với một người “dễ thương” như thế, chị cũng bù đắp rất nhiều. Từ xe cộ đến trang sức, đồng hồ, quần áo, điện thoại, chị đều tặng anh loại đắt tiền. Chưa hết, chị còn mở một tài khoản, bỏ vào đó một số tiền cho anh ta thoải mái muốn tiêu gì thì tiêu. Vài lần, chị còn đưa anh ta đi du lịch nước ngoài và thấy cuộc đời này sao mà đẹp vậy khi anh ta chăm sóc cho chị từng miếng ăn, giấc ngủ. Chồng chị, ngày còn yêu chị, cũng chưa hề chăm sóc chị được như thế.
Chị đi qua tuổi hồi xuân như con cá lội ngược nước một cách hào hứng. Trông chị giờ đây, ai dám bảo đã xấp xỉ năm mươi? Chàng trai ấy đã lôi tuổi trẻ của chị trở lại hay ít nhất, lôi được sức sống và niềm ham muốn hưởng thụ cuộc sống của chị trở lại ngang bằng lứa tuổi của anh ta.
Và rồi, chị phát giác mình yêu anh ta, yêu một cách khủng hoảng. Thiếu anh ta, chị chịu không nổi và suy diễn lung tung. Chị bắt đầu tỏ ra ghen tuông, bực dọc khi anh ta đến chậm. Nếu ngày trước, khi đi chơi với “hội”, chị sẵn sàng đùa cười khi nghe một bà bạn ngỏ ý “trao đổi kép”, thì giờ đây, chị đánh tiếng với mọi người rằng anh ta là sở hữu của riêng mình, đừng ai đụng tới.
Những gã “phi công” lộ mặt lừa đảo
Đây chính là thời điểm để “anh chàng chuột sa chĩnh gạo” ra tay chứng tỏ ảnh hưởng của mình đối với chị. Bỗng nhiên anh ta biến mất tăm, không nhắn tin, không điện thoại gì cho chị, cứ như hòn sỏi quăng xuống đáy hồ, không cách nào tìm được. Chị lồng lộn đi tìm, đau khổ, xơ xác vì nhớ nhung…
Rồi anh ta xuất hiện trở lại, cũng xơ xác, buồn rầu như chị, nhưng không phải vì nhớ chị, mà vì lý do khác: nhà ba má anh ta ở quê bị bão lũ cuốn trôi, anh ta có bổn phận về quê, lao động kiếm tiền giúp cha mẹ làm nhà và sẽ không quay lại thành phố một khi chưa kiếm đủ tiền.
Lo sợ người tình trẻ sẽ ra đi mãi mãi, chị Kim Thủy vội vã gửi vào tài khoản của anh ta một số tiền khổng lồ, đủ để anh ta mua một căn nhà mới khác cho cha mẹ. Đúng là chiêu moi tiền của anh chàng khôn khéo. Biết chị Thủy đã “nghiện” mình, anh ta cư xử lúc này, lúc khác khiến chị càng lúc càng chao đảo, khổ sở. Chị không hề biết rằng số tiền chị đưa đã trở thành một mái ấm cho anh nhân tình trẻ và cô bồ cùng trang lứa của anh.
Tình yêu đã khiến chị mê muội, không nghe lời ai khuyên bảo. Hễ người tình trẻ muốn gì, chị đều cung phụng đủ. Cho đến khi trời thương hại, tình cờ cho chị thấy anh ta chở cô bồ đi chơi bằng chiếc xe hơi chị vừa tậu cho anh ta, cả hai cười nói trông thật hạnh phúc, chị mới ngỡ ngàng hiểu mình ngu dại.
Xấu hổ với “hội bạn”, chị Kim Thủy không còn lui tới những chốn vui chơi ấy nữa mà dành hết tâm trí để tu tỉnh làm ăn. Nỗi khao khát tình yêu của chị lụi tàn dần. Vết thương do người chồng để lại chưa kịp hàn kín miệng, nay đã loét ra thêm từ tay anh bồ trẻ, khiến chị “cạch” hẳn đàn ông.
Tình yêu thật sự sẽ dẫn đến quan hệ tốt đẹp dài lâu
Trong xã hội hiện nay, những phụ nữ thành đạt nhưng từng đổ vỡ trong hôn nhân như chị Kim Thủy không ít. Kinh nghiệm đau thương từ sự đổ vỡ khiến họ không hào hứng gì để tìm đến một cuộc hôn nhân tiếp theo. Tuy nhiên, nhu cầu trao đổi về tình cảm vẫn còn. Thế là họ lựa chọn cho mình một phong cách sống thoải mái: yêu nhưng không ràng buộc, không cưới hỏi. Mỗi người đều có tự do riêng, không gây ảnh hưởng cho người phía bên kia.
Thông thường, kiểu suy nghĩ này chỉ phù hợp với những người đàn ông vị kỷ, đã có vợ nhưng thích vui chơi, bay bướm. Đó là những người đàn ông chuyên lợi dụng phụ nữ để thoả mãn nhu cầu tiền bạc và xác thịt.
Một số phụ nữ, do tính chủ quan, cứ nghĩ rằng mình có thể điều khiển được mọi việc, kể cả trái tim. Họ quên rằng, trái tim phụ nữ vốn rất yếu đuối và dễ ngả lòng. Chỉ cần một lời nói ngọt đúng lúc, họ có thể sẵn sàng dâng hiến tất cả cho người họ thích. Chính vì vậy, xã hội mới nảy sinh ra týp đàn ông “bám váy” phụ nữ để mưu cầu lợi lộc cho bản thân mình.
“Phi công trẻ lái máy bay bà già”. Cụm từ mỉa mai châm biếm, vẽ nên một hình ảnh chênh lệch đầy nguy hiểm, không phải là không có lý. Ngay cả trong những cuộc hôn nhân tử tế, việc chênh lệch tuổi tác quá cao giữa vợ và chồng cũng vẫn đem lại những nguy cơ tiềm ẩn.
Thứ nhất là dư luận xã hội khiến người trong cuộc dễ xao lòng. Giống như chuyện nước chảy đá mòn, sẽ có một ngày nào đó người chồng trẻ thấy việc chung sống với người vợ già là sai lầm, nhất là khi anh ta gặp một hình bóng đúng với lứa tuổi và thích hợp hơn với mình.
Thứ hai là sức khoẻ tình dục không ngang nhau. Nhan sắc và cơ thể có thể được tân trang lại nhờ khoa học tân tiến, nhưng dấu hiệu tuổi tác không thể giấu được với những biểu hiện bệnh tật, thoái hoá của cơ thể. Người vợ sẽ nảy sinh mặc cảm đối với chồng và trước sự đòi hỏi của chồng, sẽ sinh ra vô số nghi ngờ, ghen tuông… Trong trường hợp này, hiểm hoạ đổ vỡ sẽ xảy ra và người ta có thể sẽ ném vào mặt nhau những lời lẽ nặng nề và khó lòng tha thứ cho nhau.
Chênh lệch tuổi tác trong những mối “quan hệ bên đời” còn nguy hiểm hơn khi người trong cuộc biết chắc họ không có gì ràng buộc. Trong khi nam giới thoải mái với ý nghĩ “vui chơi là chính” thì phụ nữ lại thường hay đặt tình cảm mình vào trò chơi và dễ trở thành nạn nhân của chính trò chơi ấy. Trường hợp của chị Kim Thủy vừa kể trên là một ví dụ điển hình.
Bạn từng đổ vỡ hôn nhân và quyết không để hôn nhân làm tổn thương mình thêm một lần nữa? Nhưng trái tim bạn vẫn thèm khát tình yêu, mong có sự chăm sóc của một người đàn ông trong cuộc đời? Bạn muốn yêu nhưng không muốn ràng buộc? Làm thế nào để không bị lừa gạt trong các mối quan hệ sau này?
Có lẽ câu trả lời đơn giản mà tôi có thể dành cho bạn là: hãy sáng suốt khi yêu. Sự sáng suốt sẽ giúp bạn nhìn ra đối tượng là ai, đối tượng cần gì ở mình. Yêu một người trẻ hơn mình không phải là cái tội, nếu bạn hiểu rõ nhân thân người đó và đảm bảo anh ta cũng yêu bạn, chứ không phải đến với bạn để vui chơi hay vì một lý do tiêu cực nào khác. Một người tình trẻ, nhưng đừng trẻ quá để khỏi chênh lệch nhiều pha, chín chắn, yêu bạn thật sự, có thể đem lại suy nghĩ khác hơn cho bạn về hôn nhân.
Ông bà ta có câu: “Chơi dao có ngày đứt tay”. Đừng dại dột để chơi trò lộn nhào trên không với anh phi công trẻ, trong lúc bộ máy của bạn đã kêu lên: “Tôi có tuổi rồi”.
Theo Phong cách