Câu chuyện tác quyền "Diên hi công lược": Cứ phát tán lậu đi rồi chẳng ai còn được xem phim nữa!
Nếu cứ tiếp tay cho hành động sai trái, dẫn đến chuyện bản quyền bị xâm phạm thì liệu rằng còn đơn vị nào dám mạo hiểm chi số tiền lớn để mua phim chất lượng từ nước ngoài về phát sóng nữa hay không?
Chưa có bộ phim nào khi phát sóng ở Việt Nam lại ồn ào, náo nhiệt như Diên hi công lược. Có nằm mơ nhà sản xuất cũng chẳng ngờ rằng câu chuyện bản quyền phát sóng, khai thác nguồn thu trên Internet tại Việt Nam lại trở nên căng thẳng đến mức không kiểm soát được.
Từ cuối tháng 7/2018, Diên hi công lược rục rịch lên sóng nhưng chẳng được nhiều người quan tâm như hiện tại. Thời điểm này, Diên hi công lược cũng chỉ được đánh giá là bộ phim cung đấu làng nhàng như bao bộ phim từng phát sóng trước đó. Mặt khác, ác cảm từ cái tên Vu Chính khiến Diên hi công lược bị nhận xét thẳng thừng là "nhảm nhí", "câu khách rẻ tiền" dẫu khán giả chưa hề xem qua.
Đến khi phim thực sự trở thành hiện tượng, thu hút lượng lớn người xem vào mỗi tối, cái nhìn về Diên hi công lược thay đổi hoàn toàn. Nội dung cung đấu ở Tử Cấm Thành trở thành đề tài trao đổi sôi nổi trên các diễn đàn phim ảnh. Khán giả hào hứng dự đoán, đánh giá về từng tình tiết, nhân vật trong phim.
Cuộc chiến bản quyền rối rắm, ồn ào chẳng khác cuộc chiến hậu cung
TKL - đơn vị nắm giữ bản quyền phát sóng tại Việt Nam bắt đầu bán lại quyền phát hành cho FPT. Thế rồi để cạnh tranh lượng người xem, FPT đẩy nhanh tiến độ phát sóng, khiến cho TKL bị rơi lại phía sau. Phía TKL nắm giữ quyền phát bộ phim trên Youtube, còn FPT nắm giữ quyền phát Diên hi công lược ở hệ thống sân nhà của mình. Đến lúc người hâm mộ phản ứng vì FPT tốc độ phát sóng quá nhanh, đơn vị này mới ngồi vào bàn thương thuyết cùng TKL. Kết quả, 2 bên đạt được thỏa thuận, phát cùng lúc với nhau. Người hâm mộ Diên hi công lược cũng tạm yên lòng theo dõi cuộc đấu đá giữa các phi tần nơi Tử Cấm Thành.
Rồi câu chuyện lại đổi sang chiều hướng khác khi HTV7 nhập cuộc. HTV7 mua lại bản quyền phát sóng, khai thác bộ phim ở hình thức lồng tiếng để đưa lên màn ảnh nhỏ. Do HTV7 chiếu trễ hơn các đơn vị khác hơn 20 tập, thế nên nhà đài yêu cầu phía FPT - TKL tạm ngừng phát sóng ở hệ thống online, chờ khi HTV7 phát kịp tiến độ thì mới đưa tiếp tập mới của Diên hi công lược tới với khán giả. Thời điểm này, bộ phim dừng lại ở tập 36.
Không xem được trên Internet, người hâm mộ bắt đầu săn lùng các bản phim lậu được phát tán ở một số website chiếu phim online. Bằng những cách thần kỳ nào đó, bỗng dưng các tập phim từ 37 - 57 xuất hiện khắp mọi nơi với phần phụ đề tiếng Việt khá chỉn chu, dễ hiểu. Không cần chờ đợi, cũng chẳng phải trả tiền xem phim, khán giả cứ hăm hở lao vào xem những màn đấu đá đến tan xương nát thịt của dàn phi tần Diên hi công lược. Rồi những tình tiết đau đớn cõi lòng như Hoàng hậu Phú Sát Dung Âm (Tần Lam) qua đời hay Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) bỏ rơi Phú Sát Phó Hằng (Hứa Khải) để làm phi tần của Càn Long (Nhiếp Viễn) cũng được truyền tay nhau với tốc độ chóng mặt!
Điều oái oăm là tại Trung Quốc, bộ phim chỉ mới chiếu đến tập 48. Những người sở hữu tài khoản VIP mới xem được tập 48, còn những khán giả thông thường, chỉ xem đến tập 40. Thế mà ở Việt Nam, bộ phim bị phát tán lậu đến 20 tập. Trong đó, có 10 tập chưa từng xuất hiện ở Trung Quốc - nơi sản xuất ra Diên hi công lược!
Bài học cay đắng cho tất cả
Trước tình cảnh trớ trêu này, khán giả khắp nơi đã phản ứng, yêu cầu đơn vị sản xuất và đơn vị nắm giữ bản quyền ở Việt Nam phải vào cuộc giải quyết. Ngay lập tức, các tập phim bị phát tán lậu bị gỡ bỏ, phía FPT - TKL cũng tạm ngừng phát sóng bộ phim này và không có bất kỳ phản hồi nào về chuyện Diên hi công lược có được xuất hiện trên Internet ở Việt Nam trong tương lai hay không!
Đến chiều 17/8, bỗng dưng từ nơi nào xa xôi lắm, thông tin bộ phim bị cấm hoàn toàn xuất hiện. Người ta đồn đoán với nhau rằng phía HTV7 - đơn vị phát sóng Diên hi công lược bằng hình thức lồng tiếng trên màn ảnh nhỏ cũng ngừng chiếu bộ phim này! Không cần nói cũng biết, khán giả hâm mộ đã điên cuồng ném đá. Một trận cuồng phong, bão táp quét qua làm các mặt báo giải trí cũng lao đao chờ đợi lời giải thích từ các đơn vị nắm giữ bản quyền!
Đến 17g00 ngày 17/8, HTV7 vẫn điềm nhiên phát sóng Diên hi công lược. Chẳng cần đưa ra bất cứ thông báo nào, nhà đài cũng đủ sức đánh tan nghi án cấm chiếu Diên hi công lược ở Việt Nam! Người hâm mộ thở phào nhẹ nhõm, rỉ tai nhau rằng: "Thôi thì đã trót yêu thích phim, thì thôi cứ đành chờ đợi xem tiếp các tập với HTV7", "Chỉ có HTV7 còn được phát sóng, tất cả những đơn vị khác đều đã đi về nơi xa hết cả rồi", "Dù không thích bản lồng tiếng nhưng cũng phải cảm ơn HTV7 thì vẫn tiếp tục phát sóng bộ phim".
Cuộc chiến bản quyền của Diên hi công lược ồn ào, rối rắm, lắm mưu ma chước quỷ chẳng khác nào cuộc chiến hậu cung ở Tử Cấm Thành! Chẳng ai ngờ được câu chuyện mua bản quyền phát sóng cuối cùng lại thành trò cười cho thiên hạ! Tất cả mọi thứ xoay vần, không có bất kỳ ai được quyền làm chủ hoàn toàn trong cuộc chơi này!
Từ Diên hi công lược, bài học cay đắng cho khán giả và các đơn vị nắm giữ bản quyền được đặt ra: Làm sao để xem phim văn minh, tôn trọng công sức và tài sản của người khác?
Đến thời điểm hiện tại, nguồn cơn của việc phát tán phim lậu vẫn không biết đến từ nơi đâu. Tuy nhiên, việc phát tán bất chấp này khiến cho uy tín của Việt Nam trong các hợp đồng mua bán tác quyền bị hạn chế rõ rệt! Chẳng có đơn vị sản xuất nào vui vẻ khi bán phim xong mà cứ nơm nớp lo sợ sẽ bị phát tán lậu ở mức không kiểm soát được!
Khán giả xem phim tại Việt Nam cũng cần ý thức hơn trong việc bảo vệ bản quyền. Muốn có phim hay thì phải tuân thủ nguyên tắc. Nếu cứ tiếp tay cho hành động sai trái, dẫn đến chuyện bản quyền bị xâm phạm thì liệu rằng còn đơn vị nào dám mạo hiểm chi số tiền lớn để mua phim chất lượng từ nước ngoài về phát sóng nữa hay không?
Cứ phát tán lậu đi rồi chẳng ai còn được xem phim nữa! Có tin không?