Câu chuyện rửa bát khiến người vợ vừa sinh con quyết định ly hôn và bài học lớn: “Đừng ngây thơ cho rằng sau khi cưới sẽ thay đổi được tính xấu của đàn ông!”
Với hôn nhân, nếu như chỉ một trong hai phía vun vén thì thật sự khó để nó lúc nào cũng vận hành trơn tru và có được hạnh phúc thật sự.
Với hôn nhân, chuyện lông gà vỏ tỏi như ăn gì, uống gì, ai rửa bát, ai lau nhà… cũng trở thành một vấn đề phải bàn bạc. Khi đang yêu, bất cứ điều gì cũng ngọt ngào nhưng lúc cưới nhau rồi, chuyện đời thường có thể là nguyên nhân khiến tất cả tan vỡ.
01
Hải cưới Hưng sau 3 năm yêu nhau. Hải từ quê lên thành phố sinh sống, bản thân có năng lực, cô được nhận vào một công ty nước ngoài khá danh tiếng. Hưng là trai thành phố “xịn”, gia đình có điều kiện.
Hưng kiếm tiền rất khá. Anh không coi trọng chuyện phụ nữ quá giỏi giang trong công việc. Với Hưng, phụ nữ là phải đảm đang, lo toan chu toàn việc nhà cửa. Đàn ông chỉ nên đi kiếm tiền thôi, không đụng tay vào việc nhà.
Tư tưởng đó của Hưng được chính mẹ anh truyền thụ. Mẹ Hưng từ bé đã dạy con trai không được đụng tay vào chuyện bếp núc. Sau này bố mẹ Hưng vì quyết định ra nước ngoài sống cùng chị gái anh nên vợ chồng Hưng mới được ở riêng. Những tưởng cuộc sống của Hải sẽ dễ chịu hơn nhưng chẳng phải.
Ngay từ ban đầu, Hưng đã thẳng thừng tuyên bố rằng mình sẽ không làm việc nhà. Hải nên bớt chút thời gian làm việc, ở nhà nhiều hơn để lo toan. Bản thân anh chỉ có nghĩa vụ kiếm tiền mà thôi.
Với hôn nhân, nếu như chỉ một trong hai phía vun vén thì thật sự khó để nó lúc nào cũng vận hành trơn tru và có được hạnh phúc thật sự.
02
Hưng tuyên bố như vậy nhưng Hải vẫn tự tin là mình sẽ “nắn” được anh sau khi kết hôn. Khi nói chuyện này với mẹ đẻ, mẹ Hải khuyên cô nên suy nghĩ thật kỹ bởi đàn ông có tư tưởng không giúp đỡ vợ, dần dần sẽ hình thành nên suy nghĩ ỷ lại, phó mặc, vô trách nhiệm. Hải vì quá yêu nên luôn coi nhẹ việc đó, cho rằng chuyện nhà chẳng tốn mấy thời gian.
Sau này cưới nhau, cuộc sống của họ vẫn khá hạnh phúc trong thời gian đầu. Hưng làm đúng như những gì mình tuyên bố, không nhúng tay vào việc nhà. Hết giờ làm, anh về nhà, dù Hải chưa về Hưng cũng không hề đụng tay vào chuyện cơm nước dọn dẹp.
Hưng còn có tư tưởng cho rằng Hải nên cảm ơn mình vì bản thân mình không khó tính, không bao giờ đòi hỏi có cơm sớm hay đòi hỏi nhà lúc nào cũng sạch sẽ tinh tươm. Hải cảm thấy chuyện mình vừa đi làm kiếm tiền, về nhà nấu nướng dọn dẹp quá dễ dàng, chẳng tốn bao nhiêu thời gian. Bởi thế, hai vợ chồng vẫn hòa hợp, hạnh phúc.
Mọi chuyện thay đổi từ khi Hải có thai. Cô bị ốm nghén, lúc nào cũng mệt mỏi. Hải không ngủ được, chẳng ăn được chút gì và gầy rộc nhanh chóng.
Ngày nào đi làm về được đến nhà, Hải cũng đều thấy Hưng đang chơi game. Anh lúc nào cũng mải mê cầm điện thoại. Hải nén cơn buồn nôn nấu nướng xong, chẳng ăn được bao nhiêu, Hưng vẫn tiếp tục nằm dài không quan tâm đến tình trạng của vợ, chẳng thèm dọn dẹp.
Những lúc chưa mang thai thì không sao, bây giờ Hải cảm thấy tủi thân vô cùng. Cô đã nhiều lần nhờ chồng, khuyên nhủ chồng nhưng không thành. Hải rơi nước mắt vì bất lực và tức giận kèm nỗi tủi thân sâu sắc.
Lúc này, Hải bắt đầu nhận ra bản thân không đủ năng lực khiến Hưng thay đổi. Gần 30 năm sống với tư tưởng phụ nữ lo hết, đàn ông không nhúng tay vào bếp núc khiến Hưng hoàn toàn chẳng cảm thấy áy náy khi vợ vừa mang thai vừa cố gắng nấu nướng, làm việc nhà.
Không khuyên nổi chồng, Hải điện thoại mách mẹ chồng. Người mẹ này cũng một mực bênh vực con và cho rằng ngày xưa một mình mình vừa chăm con nhỏ, vừa mang thai sinh nở còn quán xuyến việc nhà vì bố chồng làm ăn xa. Bà khuyên Hải nên chu toàn bởi “Hưng nó như thế gần 30 năm, lấy vợ vào để vất vả thì lấy làm gì”.
Nhiều lúc, những bà mẹ dạy hư chính con cái mình mà chẳng biết. Sự dung túng của mẹ chính là động lực khiến nhiều người sai càng thêm sai.
Sau khi Hải sinh con, hai bên nội ngoại đều chẳng thể giúp đỡ được nhiều vì ở xa. Bố mẹ Hải lên chăm con gái được nửa tháng rồi phải về vì công việc. Hưng được trao trách nhiệm chăm vợ.
Anh ta nhiều lần tỏ ra chán nản, nói những câu rằng mình làm thế này là vì “nể” con hoặc "như anh mà phải giặt tã lót".
Đỉnh điểm là khi không thể tụ tập với bạn vào chiều thứ Bảy như xưa, Hưng tỏ ra bực bội. Khi đó, Hải nhờ chồng rửa hộ bát ăn cơm lúc trưa. Anh ta bực bội thấy rõ, quát thẳng: “Ngày xưa mẹ một tay nuôi hai chị, tự lo khi đẻ mà không kêu ca. Giờ sinh gần tháng còn sai chồng rửa bát, em thích leo lên đầu anh mà ngồi".
Những lời này của chồng khiến Hải tổn thương sâu sắc. Chỉ vì chuyện rửa bát, cả tuần trời ngày nào cô cũng phải nhờ vả rồi lại nghe những lời mát mẻ từ chồng. Chưa bao giờ Hải cảm thấy suy sụp như vậy. Cô cảm thấy cuộc đời mình thật sự thảm hại. Đối diện với sự vô trách nhiệm ấy, Hải lạnh lùng nhắc đến chuyện ly hôn dù mới sinh chưa được 1 tháng. Cô đã quá sức chịu đựng và muốn một lần tính toán lại cuộc đời.
03
Có nhiều cuộc hôn nhân được dự đoán tan vỡ ngay từ giây phút người phụ nữ tin chắc rằng bản thân mình sẽ thay đổi được đàn ông.
Vì tình yêu, vì sự mù quáng khi cảm xúc dâng trào mà họ bỏ qua đi những đặc điểm xấu, tệ hại từ người ấy. Sau này khi nhìn lại, nhiều người vợ mới ngao ngán nhận ra rằng đáng lẽ thay vì từ bỏ, tìm một đối tượng khác tốt hơn thì họ lại nhảy vào "vũng nước đục".
Trong nhiều cái tệ hại, sự vô trách nhiệm của đàn ông là điều khiến người ta cảm thấy sợ hãi nhất. Với thói vô trách nhiệm, đàn ông hoàn toàn có thể nảy sinh những suy nghĩ, phát ngôn ra các câu nói và làm nên hành động không thể chấp nhận được, thậm chí gây tổn thương trực tiếp đến người vợ.
Sự vô trách nhiệm của chồng cũng khiến các bà vợ kiệt sức trong việc cố gắng giữ gìn cho hôn hân hạnh phúc. Đến cuối cùng, khi quá mệt mỏi, chuyện tình cảm tan vỡ, hôn nhân chấm dứt là điều tất yếu.
Phụ nữ hãy suy nghĩ thật kỹ càng chuyện dùng năng lực bản thân thay đổi đi những tính xấu của người đàn ông họ chọn. Hôn nhân đừng bao giờ dùng đến phép thử, cái nhận về đôi lúc chỉ toàn nỗi đau thôi.