Câu chuyện của món đồ trang sức VÀNG và những người trẻ "càng mua càng nghiện"
Những năm gần đây, mua vàng trở thành “xu hướng mới” trong tiêu dùng của giới trẻ. Nhưng lý do vì sao, là họ coi trọng chức năng bảo tồn giá trị, hình thức, di sản văn hóa của trang sức vàng hay chỉ chạy theo thời trang?
Từ một thế hệ được đánh giá là không biết "mùi thơm" của vàng, nhiều người trẻ thuộc thế hệ 9x (sinh năm 1990 - 1999) đã sửa câu này thành: "Không còn là người trẻ không biết mùi thơm của vàng, bây giờ chúng mình càng mua càng nghiện".
Trong những năm gần đây, mua vàng đã trở thành "xu hướng mới" trong tiêu dùng của giới trẻ. Ngày càng có nhiều người trẻ bước vào các tiệm vàng mỗi ngày và không quên chia sẻ kinh nghiệm mua vàng của họ trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, so với việc đầu tư vào vàng miếng, giới trẻ thế hệ này lại ưa chuộng trang sức vàng hơn.
Tại sao giới trẻ thế hệ này lại thích mua "vàng"?
Chúng tôi đã phỏng vấn ngẫu nhiên 4 - 5 người tiêu dùng thuộc thế hệ 9x - những người gần đây đang cân nhắc việc mua trang sức bằng vàng hoặc đã mua vàng trong khoảng thời gian 3 năm trở lại đây.
Ngọc Anh (sinh năm 1999, nhân viên ngân hàng, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học, mỗi năm cô đều mua 2-3 món trang sức bằng vàng cho mình. Ngoài ra, vào những dịp sinh nhật của Ngọc Anh, người thân (bố mẹ hoặc anh trai) cũng sẽ tặng cô dây chuyền vàng hoặc vòng tay vàng.
"Trước đây, mình từng chỉ thích mua một số nhãn hiệu phụ kiện thời trang quốc tế, hoặc đồ trang sức bằng bạc vì ở thời điểm đó, mình thấy được thỏa mãn về mặt thẩm mỹ. Tuy vậy, sau khi sử dụng mới thấy, chỉ cần dùng 1 thời gian ngắn, chúng sẽ mòn và phai màu theo thời gian, thậm chí không còn bất cứ giá trị (sử dụng hay tích lũy) nào. Và mình thấy điều này hoàn toàn không đáng. Nó càng chứng tỏ sự chênh lệch về giá trị của đồng tiền mình bỏ ra và những món đồ vô bổ" - Ngọc Anh nói.
Trong khi đó, Lê Quỳnh (28 tuổi, chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân, TP. HCM) thẳng thắn cho biết, do công việc chịu ảnh hưởng lớn sau 2 năm đại dịch nên thu nhập của cô không còn ổn định. Cảm giác khủng hoảng và bấp bênh tới mức, Lê Quỳnh phải thay đổi hoàn toàn công việc, rẽ hướng sang 1 ngành khác. Trước đó, Lê Quỳnh từng làm trong ngành du lịch.
"Kể từ khi phải đối mặt với khủng hoảng tài chính, mình cũng dần tìm hiểu sâu hơn về cách quản lý tài chính cá nhân. Từ lúc này, mình thận trọng hơn với từng đồng tiền (sẽ) chi ra.
Chẳng hạn như mới tuần trước thôi, lẽ ra như bình thường, mình sẽ tự tặng cho bản thân những món quà yêu thích vào dịp sinh nhật. Tuy nhiên, mình do dự và quyết định thay đổi món quà.
Ban đầu mình rất thích 1 chiếc vòng cổ Tiffany nhưng sau khi so sánh với 1 sợi dây chuyền bằng vàng có mức giá tương đương, mình đã chọn ngay món đồ này", Lê Quỳnh chia sẻ.
"So với bạc 925, vàng nguyên chất có thể giữ nguyên giá trị khiến mình cảm thấy yên tâm hơn" - Lê Quỳnh nói về lý do thay đổi quyết định.
Còn Minh Hạnh (32 tuổi, kinh doanh tự do, Hà Nội) đã có cho mình kết quả rõ ràng từ việc thu lại lợi nhuận từ việc mua vào - bán ra những món đồ trang sức bằng vàng sau 3 năm duy trì hình thức này.
"Đã có những thời điểm, mình lời tới 4 - 5 triệu đồng từ những món đồ trang sức bằng vàng - thứ mà ngày còn nhỏ chẳng thích chút nào chỉ vì thấy không đẹp. Lợi như thế nên quả thực mà nói, tới bây giờ mình có thể khẳng định, với vàng, mình càng mua càng nghiện!" - Minh Hạnh chia sẻ.
Cùng với đó, Ngọc Anh - cô nàng GenZ chỉ mới 24 tuổi nhưng cũng đã tìm ra được khoản đầu tư dài hạn khả thi nhất dành cho bản thân.
"Vì 'bệnh nghề nghiệp' nên mình khá rạch ròi trong chuyện tiền nong. Mình không muốn để tiền 'chết' nên lúc nào cũng phải tìm bằng được cách để tăng trưởng dòng tiền. Ban đầu, mình chỉ mua vàng vì muốn tích lũy, nhưng cũng không nghĩ sẽ bán đi rồi mua lại - một vòng lặp diễn ra theo thị trường như bây giờ.
Tuy vậy, phải thừa nhận là có giai đoạn mình đã lãi tới 6 triệu đồng từ những món đồ trang sức bằng vàng", Ngọc Anh nói thêm.
"Giàu thì làm đồ trang sức, nghèo thì kiếm tiền" - Trong quan niệm truyền thống, vàng luôn có chức năng bảo toàn giá trị. Có lẽ bởi thế mà vàng cùng những món đồ trang sức bằng vàng ngày càng có sức hút đối với giới trẻ.
Giống như nhà tư vấn thời trang Xue Yun (Trung Quốc) tin rằng trong những năm gần đây, đầu tư vào tiêu dùng bảo toàn giá trị đã trở thành xu hướng của giới trẻ, bao gồm giày thể thao, túi xách tên tuổi, trang sức, tượng vàng,...
"10 năm trước, khi mua một chiếc túi xách sang trọng, bạn chỉ chú ý đến giá cả và kiểu dáng thiết kế. Nhưng bây giờ, khi giới trẻ mua một chiếc túi xách, họ sẽ quan tâm xem nó có giữ được giá trị hay không, tức là, giá trên thị trường đồ cũ sẽ thế nào sau khi họ sở hữu" - Xue Yun cho biết.
Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng cái gọi là việc bảo toàn giá trị của GenZ thiên về việc tiêu dùng trang sức tiêu chuẩn hơn là đầu tư vàng thực tế như những thế hệ trước đó.
"Điều này thiên về sự hài lòng về mặt tâm lý" - Xue Yun đưa ra nhận định.
Người trẻ có thể "kiếm tiền" bằng việc mua trang sức vàng?
Trong báo cáo năm nay về ngành trang sức và phụ kiện, các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc như Tmall và Taobao tiết lộ, phần lớn người tiêu dùng trang sức vàng thuộc nhóm người sinh sau năm 1990.
Năm 2022, báo cáo của công ty tư vấn Mob Data cho thấy, xu hướng mua vàng của GenZ tăng từ 16% vào năm 2016 lên 59% vào năm 2021, đánh dấu tiềm năng chi tiêu cao nhất trong mọi nhóm tuổi.
Đồng thời, cuộc khảo sát về tình hình tiêu thụ vàng và trang sức Trung Quốc năm 2021 cũng cho thấy, người tiêu dùng vàng và trang sức chính trong nước đã phát triển theo hướng trẻ hơn, trong số các nhóm người tiêu dùng hiện nay, những người ở độ tuổi 25-35 chiếm tới 75%.
Tại thị trường Trung Quốc, giá vàng đã có xu hướng tăng mạnh trong thập kỷ qua. Đầu năm 2013, giá vàng quốc tế giảm mạnh, từ 347,2 nhân dân tệ/gram xuống còn 294 nhân dân tệ/gram, khi đó các "bà cô Trung Quốc" tung ra cơn sốt mua vàng toàn cầu, năm 2016 giá vàng tăng hơn 8 lần.
Trong khi đó, ở Việt Nam, theo Gold Price, nhiều người mua và nắm giữ vàng trong 1 năm qua đang có mức lời rất tốt, lên đến 194 USD/ounce, tương đương 5,6 triệu đồng/lượng.
Từ những con số kể trên có thể thấy, vàng đem lại giá trị rất lớn về lợi nhuận cho người trẻ trong vài năm gần đây.
Trên thực tế, ngoài giá trị mang đến cho người tiêu dùng, trong những năm gần đây, các công ty vàng trang sức hàng đầu đã rất chú ý đến thói quen tiêu dùng và sở thích thẩm mỹ của thế hệ trẻ, củng cố các thiết kế nguyên bản như xu hướng quốc gia, truyền thống văn hóa và hợp tác xuyên biên giới. Đồng thời kết hợp chúng với các kênh bán lẻ và trực tuyến mới được sử dụng cho các chương trình khuyến mãi tiếp thị mới nhằm tạo ra các sản phẩm khác biệt hơn và phù hợp hơn với nhu cầu của nhóm người tiêu dùng trẻ ngày nay.
Ví dụ, vào năm 2020, lần đầu tiên ra mắt dòng thời trang quốc gia "Treasure Gold Series-Fenghua" của Lao Fengxiang, kết hợp nét thiết kế cổ xưa, thêu, tráng men và vàng, nhờ đó trở thành món đồ rất được giới trẻ ưa chuộng...
Tuy vậy, dù GenZ rất thích mua vàng nhưng lòng trung thành của họ với thương hiệu vàng dường như không cao đến thế. Nhiều bạn trẻ trả lời phỏng vấn cho biết khi chọn trang sức vàng, đầu tiên họ chú ý đến kiểu dáng, sau đó là giá cả và cuối cùng là thương hiệu.