Câu chuyện "con thi học sinh giỏi quốc gia, mẹ nhất quyết không cho 12 nghìn tiền xe buýt" lấy nước mắt cộng đồng mạng

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Nhiều người không biết cái nghèo đã giới hạn con người ta như thế nào.

Nhà nghèo, không có điện thoại, muốn biết điểm lớp 10 phải đạp xe 8km; đi thi học sinh giỏi không có nổi 12 nghìn đồng... Đó là câu chuyện về "cái nghèo đã giới hạn con người ta như thế nào" được một cư dân mạng kể lại và viral khắp mạng xã hội hiện tại. Nhiều người cho rằng, đọc câu chuyện khiến họ vừa nể phục nghị lực của bạn học sinh, vừa thấy may mắn, và có cả xấu hổ vì dù có điều kiện sống tốt hơn nhưng chưa biết trân trọng và nỗ lực.

Ai từng nghèo rồi mới hiểu cái giới hạn bản thân là nhiều thứ khác chứ không chỉ đơn giản là tiền, nhưng "sau cơn mưa trời sẽ rạng" với những ai nỗ lực đứng trên đôi chân của mình. Được biết, bằng những cố gắng không ngừng nghỉ, nữ sinh này hiện đã ra trường, đi làm, cuộc sống ổn định hơn.

"Lên lớp 10 mới biết quả cóc, trà sữa; thi HSG Quốc gia không có nổi 12 ngàn đi xe buýt"

Theo chia sẻ, nữ sinh này sinh năm 2000 trong một gia đình chỉ có 2 mẹ con. Nhà nghèo, cả làng, cả xã cùng nghèo. Mãi đến năm 2016 ở làng mới có đường bê tông.

Năm 2015, thi vào cấp 3, bạn không biết cách tra điểm, nhà thậm chí không có nổi cái điện thoại. Bạn đạp xe sang nhà cô giáo ở xã khác, gần 8km, để hỏi kết quả. Cô có kể là các bạn có nhắn tin với nhau trên Facebook, tự tra trên mạng, tự soạn cú pháp, biết điểm từ hôm qua rồi. Có mỗi bạn là chưa biết điểm thôi. Nghe tủi thân muốn khóc.

Lên lớp 10, có mấy bạn mang cóc đến lớp ăn nhưng nữ sinh này không biết cóc là quả gì, trông như thế nào. Lớp 10 là lần đầu tiên bạn được ăn quả cóc, quả sấu, quả mơ, ăn bò khô, ăn gà khô, uống trà sữa và toàn là "ăn ké". Cũng lớp 10, cô giáo bảo bạn lập tài khoản thi IOE (thi tiếng Anh trên máy tính). Bạn không biết làm, chưa sử dụng máy tính bao giờ. Cô giáo lập cho một tài khoản, tay chân lóng ngóng, điểm thấp, không có giải cấp huyện.

Bạn kể tiếp: "Mình được chọn vào đội tuyển thi HSG cấp tỉnh môn tiếng Anh (thi giấy). Các bạn đi học thêm, mình không đi. Cô giáo bảo đi học đi, cô miễn học phí cho. Mình đi học, ngồi cùng bàn với nhóm đội tuyển, các bạn dùng điện thoại cảm ứng tra từ điển, còn mình lúc nào cũng phải vác cuốn từ điển dày cộp đi học.

Hôm thi là cô giáo đưa mình đi, đây là lần đầu tiên mình được lên thành phố. Ai cũng nhìn mình vì ăn mặc luộm thuộm, đi đôi giày ngả màu và xách chiếc cặp màu đen cũ. Mình thi được giải nhì HSG cấp tỉnh. Hôm thi chọn đội tuyển quốc gia, xin mẹ 12 ngàn đi xe buýt nhưng mẹ nhất quyết không cho. Cô giáo gọi xe ôm và trả tiền luôn cho mình. Mình dừng chân ở vòng này vì năng lực có hạn.

Năm lớp 12, lớp tổ chức đi liên hoan và du lịch, chỉ mình vắng mặt vì không nộp tiền. Lúc may áo lớp, mất gần 300 ngàn đồng, cũng không có tiền nộp, các bạn quyên tiền gần 2 tháng mới đủ phần mình".

Câu chuyện "con thi học sinh giỏi quốc gia, mẹ nhất quyết không cho 12 nghìn tiền xe buýt" lấy nước mắt cộng đồng mạng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Năm 2018, nữ sinh không định thi đại học nhưng cô chủ nhiệm cho 30 nghìn đồng, bảo học trò cứ đăng ký lấy một trường. Bạn thi và đậu Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) khoa ngôn ngữ Trung, dùng số điện thoại của bác. Ngày biết kết quả, bác cả chạy qua nhà báo "con gái ơi, nó báo đỗ đây này". Giấy báo ngày 11 tháng 8 đi làm thủ tục nhập học, khi đi phải cầm theo một số giấy tờ, và cầm theo tiền đóng học, rất nhiều tiền…

Không vay được ai, không có ai hướng dẫn, không biết gì về vay vốn sinh viên, không điện thoại, không internet, lại càng không biết đến cái gọi là học bổng. Bạn cũng không biết là phải nhập học rồi mới được vay. Bạn tự vay ngân hàng và không được duyệt.

"Có vài người bảo mình lên Hà Nội làm việc trực tiếp với trường. Nhưng mình chưa đi Hà Nội bao giờ, không biết trường ở đâu, say xe, đi thì tốn kém, mẹ mình thì sợ bị lừa nên mình không đi nữa. Thế là mình đã bỏ lỡ ULIS vào năm đó" , nữ sinh kể.

Sau đó bạn đi làm may ở công ty, được 8-10 triệu/tháng. Có tiền rồi mua chiếc điện thoại đầu tiên. Bạn cũng vào mạng, tra thông tin đi vay vốn, tra cứu về việc thi lại, có tra cả quỹ học bổng. Nhưng vì lớn lên ở quê nên tầm nhìn hạn hẹp, sợ bị lừa, sợ mấy quỹ học bổng giống đa cấp. Đến gần nửa năm sau, dùng mạng xã hội nhiều, đọc nhiều bài thì mới dần tin tưởng.

Năm 2019 bạn thi lại, đỗ ULIS ngành ngôn ngữ Anh, lúc này đã có tiền đi học, không khó khăn như trước nữa. Lên đại học cũng đi làm gia sư, đi dạy TOEIC, cũng xin học bổng, đủ trang trải cuộc sống.

"Nghèo là một cái gì đó bóp méo tâm hồn..."

Hành trình chinh phục tri thức của nữ sinh lấy nhiều nước mắt của cộng đồng mạng. Nhiều người chia sẻ, họ mong con cái đọc được để hiểu con đang được may mắn đến thế nào. Không ít người như soi thấy bóng mình trong câu chuyện đó. Họ cũng từng nghèo, từng bị gánh nặng học phí, cơm ăn áo mặc níu chân:

- Thực sự thì nghèo là cái gì đó bóp méo tâm hồn. Ngày cấp 3 cả làng đi xe đạp điện đi học mình đạp xe. Đường 15km thôi nhưng ngược gió vừa đạp vừa khóc giữa cánh đồng lúa. Đi đi về về 30km. Nhà ở quê không đi học thêm không giỏi như các bạn. Ngày nhập học bắt bus từ quê đôn đáo giấy tờ. Lên nhận ký túc xá, một mình vác cái balo trong khi các bạn được bố mẹ anh chị chuẩn bị. Tủi.

Ngày đại học vừa làm vừa lo ăn, vừa nghĩ tới ngày đóng học. Học bổng cũng chỉ được một nửa học phí. Cảm ơn những năm tháng ấy có tôi ngày hôm nay. Tuy rằng không xuất sắc như các bạn nhưng cũng vui vì tốt hơn trước đó.

- Chia sẻ của bạn làm mình nhớ lại những ngày tháng cắp sách đến trường, gia đình nghèo nhất xóm, bị vài họ hàng, người hàng xóm chê cười. Cả một gia đình ba thế hệ sống trong một mái nhà tranh vách đất. Một ngày ăn phải tiết kiệm. Mình nhớ mẹ cấp ngày 5 nghìn mua thức ăn cả ngày cho gia đình 5 miệng ăn.

Với gia đình mình lúc đó một miếng thịt, một miếng cá là thứ gì đó cực xa xỉ. Chính cái nghèo ấy mà mình đã dở dang chuyện học 2 lần. Nhưng sau tất cả mình lại đứng lên và tiếp tục con đường học hành của mình. Mình biết rằng trong tay không có một thứ gì thì học là con đường ngắn nhất và đơn giản nhất để thành công. Hôm nay gia đình vẫn còn khó khăn nhưng đã ổn hơn trước rất nhiều.

Câu chuyện "con thi học sinh giỏi quốc gia, mẹ nhất quyết không cho 12 nghìn tiền xe buýt" lấy nước mắt cộng đồng mạng - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

- Quê anh ở Nam Định, đúng nghĩa là một cái làng nhỏ và kém phát triển. Gia đình anh không có điều kiện, nói không quá thì nghèo nhất nhì xã. Kể ra thì dài dòng nhưng anh cũng gặp nhiều khó khăn thời còn đi học. Đúng là không có tiền, xuất thân kém hơn khiến bản thân anh cảm thấy rất tự ti. Ai rơi vào hoàn cảnh khó khăn mới biết thiếu tiền sẽ bất lực như thế nào.

Có điều anh may mắn hơn em một chút là mẹ anh rất quyết tâm cho hai anh em anh đi học đại học. Một điểm nữa là anh rất quyết tâm nên lúc vào ĐH đã cố gắng nhiều, tự học tiếng Anh, kiếm học bổng, kéo điểm GPA... Anh vừa kết thúc chương trình thạc sĩ ở châu Âu với học bổng toàn phần Erasmus Mundus. Và cũng mới nhận được offer học lên tiến sĩ của một viện nghiên cứu tại Đức. Đáng nói anh đã không viết một chữ "nghèo" trong thư động lực nhưng vẫn nhận được học bổng 100%.

Nhưng nghèo không ngăn cản chúng ta vẽ ra ngày mai bằng chính đôi tay của mình

Có câu này, hẳn bạn đã từng đọc qua: "Sinh ra trong nghèo khó không phải là lỗi của bạn, nhưng để mình chết đi trong nghèo khó thì đó chính là lỗi do bạn". Không ai khác, chính chúng ta là người quyết định số phận, cuộc đời của mình.

Có thể khả năng của cha mẹ không thể mang tới một xuất phát điểm tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể phấn đấu cho cuộc sống mà mình muốn qua nỗ lực của bản thân.

Cha mẹ có cuộc sống của cha mẹ, và chúng ta có cuộc sống của chúng ta. Nguồn gốc gia đình có thể ảnh hưởng đến chúng ta trong một thời gian, nhưng không ảnh hưởng đến cả cuộc đời.

Không có sức mạnh nào có thể bắt cha mẹ quay về quá khứ và viết lại tuổi thơ cho con cái. Tuy nhiên, cũng không có thế lực nào có thể ngăn cản chúng ta vẽ ra ngày mai bằng chính đôi tay của mình, ngoại trừ chính bản thân chúng ta.

Như một bình luận ở dưới bài viết: "Ai cũng sẽ có bài học mà số mệnh đặt định. Việc mình là sống tốt phần mình thôi. Trời không phụ người có chí". Hãy vững niềm tin, tìm kiếm sự hỗ trợ, bươn chải thêm để tiếp tục con đường học tập. Đừng nản chí, bạn nhé!

Chia sẻ