Cậu bé xếp gạch đỗ ĐH điểm cao kỉ lục vẫn bị chế giễu "vào Thanh Hoa cũng vô ích" hiện tại ra sao?
Dù làm được điều không tưởng, cậu học sinh nghèo miền núi vẫn bị nhiều netizen xấu tính mỉa mai.
Mùa hè năm 2019, Lâm Vạn Đông, thí sinh đến từ tỉnh Vân Nam, đã trúng tuyển vào Đại học Thanh Hoa - ngôi trường số 1 Trung Quốc với số điểm xuất sắc 713 điểm.
Khi nhận được tin này, Lâm Vạn Đông 19 tuổi, đang đổ mồ hôi đầm đìa tại công trường. "Thằng nhóc chuyển gạch ở công trường đã được nhận vào Đại học Thanh Hoa!" - mọi người đều phải kinh ngạc trước thông tin này.
Tin tức lan truyền như cháy rừng, câu chuyện đầy cảm hứng này đã được truyền thông Trung Quốc đưa tin rầm rộ và khiến vô số cư dân mạng cảm động. Lâm Vạn Đông cũng trở thành người đầu tiên được hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa nêu tên và khen ngợi tại lễ khai giảng.
Nhưng cùng lúc đó, trên mạng cũng xuất hiện một số giọng nói mỉa mai: "Đạt 713 điểm thì sao, Đại học Thanh Hoa không phải là thiên đường", "Xuất thân như vậy, đỗ Thanh Hoa cũng vô ích"...
Giờ đây đã 5 năm trôi qua, "cậu bé xếp gạch" năm nào giờ ra sao?
Quay ngược trở lại với quá khứ, Lâm Vạn Đông sinh ra ở một vùng nông thôn hẻo lánh ở Vân Nam, đi lại không thuận tiện. Hoàn cảnh của gia đình cậu càng éo le hơn khi cha - lao động chính trong nhà bị tai nạn lao động. Mẹ cậu phải đi làm thợ xây nặng nhọc để kiếm tiền. Để giúp cha mẹ, Lâm Vạn Đông cũng đã ra công trường xếp gạch mỗi ngày. Nam sinh với thân hình gầy gò luôn cần mẫn nhặt những chồng gạch nặng nề, bụi mù trong khi những bạn bè khác có thể làm một học sinh bình thường. Nhưng không vì thế mà cậu bỏ bê việc học, vì cậu luôn biết đây chính là lối thoát duy nhất của mình và gia đình.
Suốt thời trung học, Lâm Vạn Đông chưa bao giờ ngủ trọn một đêm. Cậu thức dậy lúc 4 giờ sáng và đi ngủ vào khoảng 1 giờ tối. Lâm Vạn Đông bị các bạn cùng lớp gọi là "mọt sách" vì lúc nào cũng cắm mặt vào sách vở. Chỉ có bản thân cậu mới hiểu rằng mỗi lần lơ là, mình sẽ càng rời xa giấc mơ của mình.
Được nhận vào Đại học Thanh Hoa chỉ là bước khởi đầu cho việc theo đuổi ước mơ, chi phí vào đại học đối với gia đình Lâm vẫn là một khoản tiền lớn. Nhiều đêm khuya, Lâm Vạn Đông trằn trọc không ngủ được, thậm chí còn nghĩ đến việc bỏ học. May mắn thay, vào thời điểm này, cậu nhận được tin có thể đăng ký vay vốn sinh viên, cũng như trợ cấp chi phí sinh hoạt và phí ăn ở trong thời gian học. Đồng thời, câu chuyện "cậu bé xếp gạch đỗ Đại học Thanh Hoa" được lan truyền cũng đã thu hút nhiều mạnh thường quân giúp đỡ gia đình.
Trong lớp học tại Đại học Thanh Hoa, Lâm Vạn Đông tiếp tục nỗ lực học tập chăm chỉ, ngay cả khi phải sống rất đạm bạc, thường xuyên ăn bánh hấp và dưa chua trong bữa ăn. Cậu cũng gặp phải một thử thách vô cùng khó khăn. Vì theo học chuyên ngành liên quan đến công nghệ, Lâm Vạn Đông vốn là đứa trẻ đến từ rừng núi chưa bao giờ có tiếp xúc với máy tính phải cố gắng gấp nhiều lần các bạn mới có thể theo kịp. Bên cạnh đó, cậu cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động sinh viên mà vẫn ra ngoài làm thêm kiếm tiền tự trang trải sinh hoạt phí.
Sau khi có được tấm bằng Thanh Hoa trong tay, Lâm Vạn Đông có rất nhiều cơ hội ở lại thành phố lớn và kiếm tiền. Nhưng cậu đã đưa ra một quyết định đáng kinh ngạc.
Năm 2023, Lâm Vạn Đông nộp hồ sơ thi công chức ở tỉnh Vân Nam quê nhà. Đây là vị trí công chức đặc biệt, khan hiếm chỗ làm và điều kiện tuyển chọn rất khắt khe. Thực tế, nếu so sánh, việc ở lại trường để học lên cao học hoặc đi làm ở các doanh nghiệp dễ dàng hơn nhiều.
Nhưng dù vậy, Lâm Vạn Đông đã trở thành Ủy viên Văn phòng Thành ủy Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Nơi cậu làm việc chính là quê nhà, vùng miền núi chiếm 97% tổng diện tích. Vị trí địa lý và môi trường khắc nghiệt này khiến người khác càng đặt câu hỏi về quyết định kì lạ của Lâm Vạn Đông: Tại sao một thanh niên tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa lại bỏ qua con đường tươi sáng thường thấy mà nhất quyết quay trở lại ngọn núi cằn cỗi lạc hậu này?
Mọi người đều cảm thấy với điều kiện của Lâm Vạn Đông, việc làm việc trong văn phòng ở thành phố lớn và cống hiến hết mình cho nghiên cứu khoa học là phù hợp nhất. Nhưng Lâm Vạn Đông không cho rằng lựa chọn trở về quê hương là sai. Cậu cho biết mình là người con của miền núi, hiểu nỗi khó khăn của người dân và mong muốn có thể thay đổi cuộc sống của quê hương mình.
Sự hy sinh và mong muốn cống hiến của Lâm Vạn Đông đã khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Lâm Vạn Đông đã dùng hành động thực tế của mình để đưa ra câu trả lời cho các anh hùng bàn phím đã chế giễu mình trước đây.
Lâm Vạn Đông nói: "Sự giàu có và thành đạt không phải là điều tôi mong muốn. Tôi muốn biến thành một ngọn lửa than nhỏ, cháy âm thầm nhưng có thể truyền tải hơi ấm".