Cậu bé hớn hở vì làm xong bài toán khó, thầy giáo cười nhạo không tin, nhiều năm sau mới tự hào vì mình từng được dạy 1 vĩ nhân
Thầy giáo không hề để ý đến Gauss, dạo quanh các bàn và cười nhạo: "Carl, chắc em sai rồi đấy, không thể giải quá nhanh một bài toán khó như vậy đâu!".
Carl Friedrich Gauss sinh ngày 30/4/1777 và mất ngày 23/2/1855, là một nhà toán học và nhà khoa học người Đức tài năng. Trong suốt cuộc đời, ông đã đóng góp rất nhiều cho các lĩnh vực khoa học như lý thuyết số, giải tích, hình học vi phân, khoa trắc địa, từ học, tĩnh điện học, thiên văn học và quang học.
Nhờ có nghệ thuật tính toán mà Gauss đã tính được quỹ đạo của 1 hành tinh mới và chỉ ra vị trí của nó với độ chính xác cao - Đó chính là hành tinh Xexera. Sau công trình thiên văn kiệt xuất đó, Gauss được xem như một nhà toán học vĩ đại của thế giới và được tôn là "Ông hoàng toán học".
Tên tuổi của Gauss được xếp ngang hàng với các nhà toán học lừng danh của lịch sử nhân loại như: Leonhard Euler, Isaac Newton và Archimedes. Được biết ngay từ khi còn nhỏ, Gauss đã khiến mọi người xung quanh phải kinh ngạc về trí tuệ thiên tài của mình.
3 tuổi đã chỉ ra lỗi sai của bố, khiến thầy giáo ngỡ ngàng vì quá thông minh
Gauss được sinh ra tại thành phố Braunschweig, thuộc Brunswick-Lüneburg (nay là Hạ Saxony - một bang nằm trong vùng tây - bắc của Đức). Được biết, ông là con trai duy nhất của một cặp vợ chồng thuộc tầng lớp thấp trong xã hội.
Ngay từ năm 3 tuổi, Gauss đã bộc lộ khả năng tính toán siêu đẳng. Thời điểm đó, bố của Gauss thường nhận thầu khoán công việc để cải thiện đời sống. Ông hay thanh toán tiền nong vào chiều thứ bảy. Một lần nọ, ông vừa đọc xong bảng thanh toán thì nghe tiếng con trai gọi: "Bố tính sai rồi, phải thế này mới đúng".
Lúc đầu không một ai tin lời của cậu bé 3 tuổi. Tuy nhiên khi tính lại ai nấy mới bất ngờ bởi Gauss hoàn toàn đúng. Năm 7 tuổi, Gass đi học tiểu học. Những ngày đầu mọi việc diễn ra bình thường cho đến một tiết số học nọ. Khi thầy giáo ra cho lớp bài toán tính tổng tất cả các số nguyên từ 1 – 100 thì Gauss đã dõng dạc tuyên bố mình đã làm xong. Thầy giáo không hề để ý đến Gauss, dạo quanh các bàn và cười nhạo: "Carl, chắc em sai rồi đấy, không thể giải quá nhanh một bài toán khó như vậy đâu!".
Tuy nhiên Gauss sau đó lập tức chứng minh: "Em giải rất đúng ạ. Em nhận thấy ở dãy số này có các tổng hai số của từng cặp số đứng cách đều phía đầu và phía cuối của dãy số đều bằng nhau: 100 + 1 = 99 + 2 = 98 + 3 =… 50 = 51 = 101. Có 50 tổng như vậy nên kết quả sẽ là 1 = 2 = 3= … = 101 * 50 = 5050".
Những lời của Gauss khiến thầy giáo vô cùng ngạc nhiên. Chẳng những giải đúng, Gauss còn có cách cực kỳ độc đáo, không phải ai cũng có thể nghĩ ra được. Từ đó, Gauss được mọi người biết đến như một thiên tài toán học.
Thiên tài truyền cảm hứng học tập cho hàng vạn người
Năm 1796, Gauss khi ấy 19 tuổi và là sinh viên tại Đại học Gottech, nước Đức. Một tối nọ, Gauss ngồi làm 3 bài toán khó được thầy giáo hướng dẫn giao riêng. Thông thường, người thầy chỉ giao 2 bài nhưng hôm nay lại giao thêm. Thiên tài toán học khi ấy cảm thấy khó hiểu nhưng vẫn cố gắng làm hết.
Với 2 bài toán đầu tiên, Gauss làm rất thuận lợi, chỉ mất 2 tiếng đồng hồ là giải quyết xong. Tuy nhiên bài toán thứ 3 lại khó ngoài sức tưởng tượng. Theo đó bài toán này được viết trên một mảnh giấy nhỏ, yêu cầu chỉ dùng compa và một cái thước kẻ không có khắc độ vẽ ra một hình có đúng 17 cạnh.
Càng làm, Gauss càng cảm thấy căng thẳng nhưng lúc đó ông chỉ nghĩ, bài toán là thử thách đặc biệt mà thầy giáo muốn giao cho mình. Tuy nhiên giải mãi mà Gauss vẫn không tìm ra được đáp án. Ông "nghĩ nát óc" cũng không biết cần vận dụng kiến thức nào đối với bài toán này. Cảm thấy bị khiêu chiến, Gauss quyết định phải giải bằng được. Cuối cùng, ông mất trọn 1 đêm để tìm ra đáp án.
Sáng hôm sau, Gauss xấu hổ nói với thầy giáo: "Thầy giao cho em đề toán thứ ba em đã phải làm tròn một đêm, em đã phụ sự bồi dưỡng của thầy". Người thầy khi ấy mới kinh ngạc cầm lấy bài toán lên xem.
Phải mất một lúc, thầy giáo mới có thể bình tĩnh nhưng giọng điệu vẫn run run: "Bài này là do em làm thật sao?". Gauss sau đó gật đầu, vẫn ái ngại vì mình phải mất 1 đêm mới làm xong bài. Thầy giáo lập tức yêu cầu Gauss ngồi xuống và làm lại bài tập trước mặt ông.
Đến khi Gauss làm xong xuôi, người thầy mới bàng hoàng cho biết: Đây là một bài toán có lịch sử hơn 2000 năm và chưa một ai giải được. Ngay đến Archimedes và Issac Newton cũng phải bó tay. Thế nhưng Gauss lại chỉ mất 1 đêm!
Người thấy cũng cho biết, mình không có chủ ý giao bài này cho Gauss mà chỉ vô tình kẹp nhầm vào phần bài tập giao cho ông. Nhiều năm sau, khi nhớ lại câu chuyện này, Gauss cho biết: "Nếu có người nói cho tôi biết đó là một đề toán khó, có lịch sử hơn 2000 năm chưa ai giải được, tôi sẽ không thể giải được nó trong vòng một đêm".
Câu chuyện của Gauss đã truyền cảm hứng học tập cho hàng ngàn vạn người. Có một số việc nếu chúng ta cứ để ý đến mức độ khó khăn của nó thì sẽ bị chướng ngại về tâm lý, từ đó dẫn đến thất bại. Nhưng nếu luôn cố gắng học tập, làm việc chăm chỉ hết mức có thể thì xác suất thành công là rất lớn.