Cậu bé 16 tuổi sống sót sau vụ cháy xưởng bánh kẹo khiến 8 người tử vong ở Hà Nội bây giờ ra sao
Nguyễn Tiến Anh (SN 2001, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) được nhắc đến nhiều bởi em là một trong những nạn nhân sống sót trong vụ cháy xưởng bánh kẹo ở Hoài Đức khiến 8 người tử vong, xảy ra hồi cuối tháng 7/2017.
Vừa qua, chúng tôi đã có dịp trở lại xã Long Xuyên để thăm Tiến Anh, vào thời điểm này sức khỏe của Tiến Anh đang dần ổn định sau hành trình em cùng gia đình giành giật sự sống từ tay tử thần.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, Tiến Anh cho biết, đã 6 tháng trôi qua nhưng em vẫn chưa thể nguôi ngoai khi nhắc lại vụ tai nạn kinh hoàng.
Vết thương sau vụ hỏa hoạn vẫn đang hiện hữu trên cơ thể cậu bé 16 tuổi.
Cậu bé 16 tuổi vẫn còn nhớ khoảnh khắc xảy ra tai nạn, từ lúc bắt đầu nghe tiếng hô hào cho đến khi tỉnh dậy trong bệnh viện. Mọi chuyện diễn ra như một giấc mơ.
"Lúc ấy khói rất nhiều, các mảng trần bắt đầu sập xuống, mọi người trong nhà náo loạn chạy rồi cả tiếng hét lớn: "Bình tĩnh! Bình tĩnh!" nhưng gần như không có lối thoát. Em ngất đi trong xưởng, lúc tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong viện, khắp cơ thể quấn đầy băng, đau rát. Dù sao, em cũng may mắn hơn cô và một số anh em cùng đi làm dịp ấy...", Tiến Anh chia sẻ.
Tuy sức khỏe của Tiến Anh đã dần ổn định nhưng vết thương vẫn còn rất đau.
Tiến Anh cho biết, hiện tại sức khỏe em đã ổn nhưng việc đi lại, ăn uống, sinh hoạt vẫn phụ thuộc vào bố mẹ bởi các vết thương còn đau.
Theo Tiến Anh, để có thể đi lại được bình thường em đã phải trải qua quá trình tập luyện gian khổ, khó khăn:"Khi được ra viện, em được gia đình hỗ trợ tập đi lại bằng nhiều dụng cụ, tuy nhiên chiếc xe đạp tập thể thao là dễ chịu nhất. Lúc đầu, em bị căng cơ bên chân phải nên khi đạp xe rất đau. Suốt trong nhiều tháng qua ngày nào em cũng tập 3 lần, mỗi lần 30 phút."
Vết căng cơ chân bên phải khiến cậu bé gặp nhiều khó khăn trong quá trình tập luyện.
"Giờ em đi lại được nhưng chân phải vẫn phải duỗi thẳng không co lại được vì vết thương chưa lành hẳn. Em có thể tự xúc cơm ăn bằng tay phải, cầm đũa bằng tay trái nhưng việc tắm gội vẫn phụ thuộc vào bố. Thỉnh thoảng các bạn cùng lớp cấp 3 ngày trước vẫn tới thăm và chơi đùa, trò chuyện cùng em. Điểm tựa khiến em hăng say tập luyện là bố mẹ. Em nghĩ đến sự vất vả của bố mẹ hàng ngày lao động và em cũng không muốn bố mẹ em buồn vì có đứa con tàn tật", Tiến Anh trải lòng.
Mỗi ngày Tiến Anh tập 3 lần trên chiếc xe thể thao.
Luôn có mặt bên cạnh để chăm sóc đứa con trai từ khi xảy ra sự việc, ông Nguyễn Văn Quý chia sẻ, 6 tháng qua là chuỗi ngày dài vô tận mà gia đình ông đã tập trung mọi nguồn lực và thời gian để chăm sóc Tiến Anh.
Theo ông Quý kể, lúc đầu tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia, các bác sỹ sau khi cấp cứu thông báo gia đình chuẩn bị "tinh thần", ai nấy trong gia đình ông đều lo lắng, hoang mang. Thế nhưng sau đó, Tiến Anh đã hồi phục một cách thần kỳ và gia đình ông đã giấu thông tin 8 người tử vong suốt một thời gian dài để em an tâm chữa trị.
Ông Quý luôn bên cạnh con trai trong mọi hoàn cảnh.
"Khi có người vào thăm cháu, chúng tôi đều dặn không nhắc tới vụ cháy nhưng trong một lần tình cờ Tiến Anh cầm điện thoại xem tin tức, con đã biết được sự thật về vụ cháy xưởng. Lúc đó, tôi thấy con bỏ điện thoại xuống và không dám xem thêm. Biết con rất buồn, cuối cùng thì chúng tôi đành kể con nghe sự thật. Giờ đây mỗi khi nhớ lại cái nắm chặt tay của con lúc vừa tỉnh lại sau vụ hỏa hoạn, nước mắt con trào ra tôi vẫn không kiềm được lòng. Nhất là hôm qua thằng bé tự nhiên hỏi tôi rằng: Tết này con có được đi chơi không? Tôi chỉ kịp bảo nó hãy chịu khó tập tành và bố sẽ đưa con đi", cha của Tiến Anh tâm sự.