Cậu bé 14 tuổi được nhận vào lớp Khâu thần thánh của Thanh Hoa: Sự khác biệt giữa học sinh giỏi và học sinh yếu nằm ở đâu?

Thiên An,
Chia sẻ

Gen chỉ quyết định tài năng, môi trường định hình cả cuộc đời của một đứa trẻ.

Cách đây không lâu, kết quả của Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Khoa học Toán học Khâu Thành Đồng (thường được gọi tắt là lớp Khâu) do Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) tổ chức đã được công bố, và nhiều thiếu niên tài năng từ khắp nơi trên cả nước đã trở thành tâm điểm chú ý.

Được biết, kỳ thi vào lớp Toán học Khâu Thành Đồng có độ khó tương đương với trình độ năm nhất đại học (chuyên ngành Toán), mỗi năm trên toàn cầu chỉ tuyển chọn không quá 100 học sinh. Sau khi nhập học, các em sẽ được hướng dẫn bởi Giáo sư Khâu Thành Đồng - nhà toán học nổi tiếng thế giới.

Cho những ai chưa biết, Giáo sư Khâu Thành Đồng là người từng giành giải Fields (tương đương Nobel Toán học). Ông giữ ghế giáo sư William Caspar Graustein tại đại học Havard từ năm 1987 cho đến năm 2022. Tháng 4 năm 2022, ông tuyến bố rời bỏ vị trí giáo sư toán học tại Đại học Harvard để về công tác tại Đại học Thanh Hoa để xây dựng nền toán học mạnh hơn nữa tại Trung Quốc. Ông được biết đến với những đóng góp đột phá trong hình học vi phân và vật lý toán học.

Cậu bé 14 tuổi được nhận vào lớp Khâu thần thánh của Thanh Hoa: Sự khác biệt giữa học sinh giỏi và học sinh yếu nằm ở đâu?- Ảnh 1.

Giáo sư Khâu Thành Đồng

Vì độ "khủng" của Giáo sư phụ trách cũng như chương trình đào tạo chất lượng nên kỳ thi vào lớp Khâu càng trở thành cuộc chiến khốc liệt. Những đứa trẻ xuất sắc lọt vào lớp này có thể nói là đã đặt được bước chân đầu tiên lên con đường chinh phục đỉnh cao của lĩnh vực toán học.

Điều đáng kinh ngạc là trong danh sách những em trúng tuyển có những em chỉ mới bước vào cấp hai hoặc cấp ba, và người nhỏ nhất chỉ mới 14 tuổi.

Nhìn thấy điều này, hẳn nhiều người không khỏi thốt lên kinh ngạc. Nhưng bên cạnh sự ngạc nhiên, còn có một câu hỏi được đặt ra, rằng: Những "đứa trẻ con nhà người ta" này rốt cuộc được nuôi dưỡng như thế nào? Liệu có thực sự chỉ là do tài năng bẩm sinh?

Và trong một bài viết của chính Giáo sư Khâu Thành Đồng, có lẽ nhiều người sẽ tìm thấy câu trả lời.

"Sự trưởng thành của một học giả giống như cá bơi trong nước, chim bay trên bầu trời, cây lớn lên trong rừng, đều chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Giáo dục đầu tiên mà một học sinh nhận được là giáo dục gia đình. Có người tự cho rằng mình rất tài năng, nhưng chưa chắc đã thành công. Ở bất kỳ thời điểm nào, giáo dục gia đình tốt luôn là nền tảng cho sự thành công của một người" , ông viết.

Nếu nói rằng, cuộc đời một con người ba phần do trời định, bảy phần do nỗ lực, thì ba phần đó là tài năng bẩm sinh, còn bảy phần còn lại là sự hy sinh và cống hiến của gia đình.

Việc con bạn sẽ trở thành học sinh giỏi hay học sinh yếu, thiên tài hay người bình thường, quyền quyết định nằm trong tay cha mẹ.

Thiên tài được "sinh ra" từ đâu?

Trong cuốn sách kinh điển về giáo dục trẻ em Giáo Dục Của Carl Witte có viết:

"Đối với trẻ em, điều quan trọng nhất là giáo dục chứ không phải tài năng. Việc một đứa trẻ trở thành thiên tài hay người bình thường không được quyết định bởi tài năng hay di truyền, mà bởi giáo dục từ những năm đầu đời sau khi sinh ra".

Gen và di truyền mang lại cho một người những tố chất đặc biệt, nhưng nếu không có sự hỗ trợ từ giáo dục và môi trường, những tố chất vượt trội này sẽ không có cơ hội phát triển hay bộc lộ. Hơn nữa, nếu chúng ta không tôn trọng bản chất của trẻ, không lựa chọn cách can thiệp khoa học thông qua môi trường và sở thích, tài năng của trẻ thậm chí còn có thể bị kìm hãm.

Cậu bé 14 tuổi được nhận vào lớp Khâu thần thánh của Thanh Hoa: Sự khác biệt giữa học sinh giỏi và học sinh yếu nằm ở đâu?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Thiên tài là sự kết hợp giữa tài năng và nỗ lực. Ba phần tài năng bẩm sinh không thể kiểm soát, nhưng bảy phần tài năng có thể được định hình.

Vậy môi trường giáo dục nào phù hợp để nuôi dưỡng thiên tài?

Các chuyên gia giáo dục trẻ em ở Mỹ đã tổng kết sáu loại môi trường gia đình có lợi cho việc nuôi dưỡng trẻ em thiên tài:

1. Trẻ nhận được nhiều sự khích lệ từ cha mẹ trong gia đình.

2. Trẻ lớn lên trong một môi trường sôi động, thú vị và đầy kích thích.

3. Có người dẫn trẻ đi tham quan, du lịch để mở rộng tầm nhìn.

4. Trẻ được cha mẹ chăm sóc cẩn thận, cha mẹ dành nhiều thời gian để khuyến khích và giáo dục con.

5. Cha mẹ làm việc chăm chỉ, làm gương và có trách nhiệm cao.

6. Cha mẹ có uy tín nhưng không độc đoán, cho trẻ nhiều tự do và khuyến khích trẻ phát triển sở thích riêng.

Nhìn lại những thiếu niên thiên tài được nhận vào lớp Khâu vừa qua, gia đình của họ đều có những đặc điểm chung này.

Tiên Tư Thành và Vương Nhã Tuyền từ Trường Trung học số 7 Thành Đô, một người yêu thích guitar, một người đam mê piano, thậm chí thường làm những việc không liên quan đến học tập, nhưng cha mẹ của hai em chưa bao giờ ngăn cấm các em.

Đổng Hạo Dương, học sinh trung học 16 tuổi, có phòng khách trong nhà là một thư viện lớn, bố thường xuyên tham gia câu lạc bộ đọc sách và là thành viên cốt lõi.

Hà Hoài Sa, học sinh lớp 9 ở Trùng Khánh, không yêu thích toán học từ khi sinh ra. Nếu không có sự đồng hành tận tâm và sự tôn trọng đầy đủ từ cha mẹ, cậu bé sẽ không có không gian tự do để phát triển trí tưởng tượng phong phú.

Trong bộ phim tài liệu Thiên Tài Được Rèn Luyện Như Thế Nào? có một câu nói:

"Chúng ta sinh ra đều có những tố chất để xuất sắc trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng khả năng thích nghi của bộ não, hay môi trường giáo dục, quyết định liệu chúng ta có thể phát huy tối đa tiềm năng hay không".

Bất kỳ ai cũng có khoảnh khắc lóe sáng, và mỗi đứa trẻ đều có cơ hội trở thành thiên tài.

Việc của cha mẹ là phát hiện và khai thác những điểm sáng của con, khơi dậy hạt giống trong tâm hồn, trao cho con sức mạnh và lòng dũng cảm để theo đuổi ước mơ.

Khi còn nhỏ, hãy nuôi dưỡng thói quen tốt cho con; khi lớn lên, hãy cho con không gian tự do khám phá; và trong cuộc sống, hãy trở thành tấm gương vững chắc nhất cho con.

Giống như đất đối với rừng, khi một hạt giống rơi xuống đất, sự chăm sóc tận tâm và nuôi dưỡng thông minh của cha mẹ chính là đất đai màu mỡ, không ngừng cung cấp dưỡng chất để hạt giống vươn thành cây đại thụ, trở thành tài năng xuất chúng.

Học sinh giỏi được "ép" ra

Trong bối cảnh giáo dục thi cử, thành tích tốt thường cần được "ép" ra. Nhưng "ép" ở đây không phải là ép buộc, mà là kéo con bạn một tay khi ý chí của con yếu đuối.

Cậu bé 14 tuổi được nhận vào lớp Khâu thần thánh của Thanh Hoa: Sự khác biệt giữa học sinh giỏi và học sinh yếu nằm ở đâu?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Dương Dịch, từng xuất hiện trong chương trình Siêu Trí Tuệ của Trung Quốc, là thủ khoa khối khoa học tự nhiên, được nhận vào Đại học Thanh Hoa. Trong chương trình đầy rẫy những học sinh giỏi, anh gần như không mắc sai lầm và giúp đội giành chức vô địch, được phong là "Não vương".

Nhưng trong hành trình học tập, Dương Dịch không ít lần muốn từ bỏ:

"Mẹ ơi, con không muốn học nữa";

"Mẹ ơi, con không muốn làm bài tập";

"Mẹ ơi, con muốn ra ngoài chơi bóng đá";

...

Khi ý chí của anh lung lay, mẹ anh đã nói: "Một bài toán không làm được, không muốn làm nữa, là chuyện bình thường. Nhưng nhiều thứ phải dành thời gian học mới có thể thành thạo. Nếu con không học, đến kỳ thi hay cuộc thi, gặp bài toán đó, con chỉ có thể nghĩ: 'Lúc đó mình đã có thể học được, mình đã có thể được 100 điểm.' Con muốn như vậy sao?".

Dưới sự thúc đẩy và động viên của mẹ, Dương Dịch đã điều chỉnh thái độ, lấy lại tự tin, học tập chăm chỉ hơn và trở thành "con nhà người ta", "học sinh giỏi" trong mắt mọi người.

Như trong cuốn Kinh Nghiệm Dạy Con Của Học Sinh Giỏi Thanh Hoa đã viết: "Khi còn nhỏ, trẻ thiếu tự chủ, không chủ động với việc học hay những công việc khó khăn là chuyện bình thường, còn chủ động là ngoại lệ".

Nhìn vào những người xuất sắc trong các lĩnh vực, con đường trưởng thành của họ không chỉ dựa vào sự tự giác và nỗ lực, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự nghiêm khắc và thúc đẩy của cha mẹ.

"Ép" con học, "ép" con cố gắng nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng khi trẻ đạt được niềm vui và phần thưởng từ thành công, cảm giác thành tựu sẽ thúc đẩy chúng tiến lên.

Khi cảm giác này chuyển hóa thành niềm đam mê học tập, khiến trẻ trở nên chủ động hơn, làm sao trẻ có thể không xuất sắc?

Học sinh yếu được "nuông chiều" mà ra

Từng có câu chuyện của một người cha về việc nuôi dạy con, rất đáng suy ngẫm.

Con trai ông khi nhỏ có tài năng bình thường, tiểu học còn tạm ổn, nhưng lên trung học, do ham chơi và chán học, thành tích giảm sút nghiêm trọng. Vợ chồng ông lo lắng, nhưng cậu con trai dường như không quan tâm, thường cáu gắt: "Người khác được bao nhiêu điểm thì liên quan gì đến con?".

Nhận điện thoại phàn nàn từ trường là chuyện thường xuyên, nhưng đối mặt với một cậu bé nghịch ngợm, họ không nuông chiều, không buông thả, mà vẫn đặt kỳ vọng cao.

Họ đã nỗ lực rất nhiều:

- Từ năm lớp 8, cả gia đình chuyển đến gần trường để tiện kèm cặp con.

- Mẹ ôn lại sách vở từ 26 năm trước, từ một người học văn hóa thành học sinh giỏi lý, cùng con học tập.

- Để hỗ trợ con tốt hơn, họ mua hàng trăm bộ tài liệu, tự làm bài và tổng hợp quy luật.

Cuối cùng, nhờ sự kiên trì và tinh thần không chịu thua, họ đã giúp con trai "lội ngược dòng" từ học sinh yếu thành học sinh giỏi, thi đậu Đại học Vũ Hán. Dù không đạt được mục tiêu ban đầu là Thanh Hoa hay Bắc Kinh, nhưng kết quả này đã vượt xa kỳ vọng của nhiều người.

Cậu bé 14 tuổi được nhận vào lớp Khâu thần thánh của Thanh Hoa: Sự khác biệt giữa học sinh giỏi và học sinh yếu nằm ở đâu?- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Có một câu nói lan truyền trên mạng: "Cho phép trẻ tự do học tập và phát triển, mang lại cái gọi là giáo dục hạnh phúc, chính là nguyên nhân khiến trẻ bị bỏ xa bởi người khác".

Ở giai đoạn tiểu học và trung học, trẻ chưa cần phải cạnh tranh về trí thông minh. Ngay cả khi đến các lớp cao hơn, nếu thói quen không tốt, dù thông minh đến đâu, trẻ cũng khó đi xa.

Nhiều cha mẹ phàn nàn rằng con không nghe lời, thành tích kém, nhưng hiếm ai tự hỏi: Chính sự khoan dung của mình đã nuôi dưỡng sự lười biếng, dung túng cho sự thiếu cầu tiến của con.

Không có đứa trẻ yếu kém vô cớ, cũng không có học sinh giỏi vô lý do.

Giữa học sinh giỏi và học sinh yếu, thường chỉ cách nhau một cặp cha mẹ sẵn sàng hy sinh và nghiêm khắc dạy dỗ.

Hôm nay bạn dung túng cho con không nghe giảng, ngày mai bạn để con không làm bài tập, ngày kia bạn cho con chơi thêm vài ngày – làm sao con có thể xuất sắc?

Các bậc cha mẹ, xin đừng lấy danh nghĩa "tình yêu và tự do" để nuông chiều con.

Lười biếng trong giáo dục chỉ là tự lừa dối bản thân.

Kết

Trong cuốn sách Lý Thuyết Thiên Tài 10.000 Giờ , có một khái niệm cốt lõi:

Để trở thành thiên tài cần ba yếu tố: sự tinh thông, đam mê và người dẫn đường. Việc kết hợp ba yếu tố này là chìa khóa để thành thạo một kỹ năng.

Với một thiên tài, đầu tiên cần sự hỗ trợ từ đam mê và sở thích; thứ hai là sự luyện tập không ngừng; và quan trọng nhất là sự dìu dắt và chỉ dẫn từ "người dẫn đường".

Đối với trẻ, cha mẹ chính là "người dẫn đường" đầu tiên trên con đường trở thành thiên tài.

Nếu bạn nghiêm khắc "ép" con dành thêm thời gian cho việc học, trở thành học sinh giỏi không hề khó.

Nếu trên cơ sở đó, bạn khám phá sở thích của con, để con phát triển tự nhiên, con có thể được tiếp thêm sức mạnh để trở thành thiên tài.

Điều đáng sợ nhất là bạn bỏ mặc, nuông chiều, biến một đứa trẻ có thể trở thành "thiên tài" thành một người chỉ biết lười biếng.

Đó mới là bi kịch lớn nhất của giáo dục!

Theo Thepaper

Chia sẻ