Cậu bé ở TP.HCM 4 tháng tuổi đã đi khắp Nam Bắc, khám phá 11 quốc gia, 10 tuổi được loạt công ty mời thực tập nhờ cách dạy của bố
Cậu bé Nam Long đang gây sốt những ngày gần đây nhờ thành tích tự học nhưng có trình độ lập trình tương đương với các anh chị sinh viên năm cuối.
Một ngày mùa hè sau khi con trai học xong lớp 1, nhân lúc rảnh rỗi, anh Nguyễn Bình Nam (giám đốc một công ty tư vấn giải pháp chuyển đổi số, TP.HCM) thử cho con trai tên Nam Long làm quen với lập trình. Ngay lập tức, Nam Long bị thu hút. Được bố chỉ dạy vài bước cơ bản trong 1 buổi, sau đó cậu bé tự học trên youtube. Sáng 8h ngủ dậy con ăn sáng rồi ngồi máy tính đến trưa. 1h chiều con lại tiếp tục ngồi học đến 7h tối. Ăn tối xong con lại ngồi máy đến 11h đêm. Ròng rã suốt 1 tháng, Long mê đến nỗi bố phải ra "tối hậu thư" yêu cầu con ngồi máy tính 45 phút phải nghỉ 15 phút.
Đó là khoảng thời gian đầu tiên Nam Long làm quen với lập trình. Sau đó, bé tiếp tục lập trình nhiều ngôn ngữ khác nhau, tăng dần về độ khó. Hiện tại sau 3 năm, Long đã có thể tự lập trình game hoàn thiện bằng ngôn ngữ C# trên Unity. Riêng về game Unity, Long đã làm xong 1 dự án game kiểu xem YouTube hướng dẫn và code theo, và 1 dự án game code từ đầu xịn sò như sinh viên làm đồ án.
Long hiện học lớp 4, cũng đang làm thầy giáo dạy thêm lập trình cho các bạn ở nước ngoài, 1 tuần 3 buổi, 1 buổi 1 tiếng. 6 tháng "đứng lớp" giúp cậu bé học được cách diễn đạt, trình bày vấn đề và tương tác nhóm trong quá trình dạy thêm, học được thêm nhiều ngôn ngữ mới từ các bạn bè đồng trang lứa.
Mới đây, Nam Long đã nhận được khoảng 6 lời mời đề nghị thực tập từ các công ty và gia đình đã chọn một công ty về lập trình game blockchain thuộc top 3 ở Việt Nam. Ngoài ra, Long còn có khả năng giao tiếp tiếng Anh thành thạo, sở hữu phát âm chuẩn cùng giao tiếp tự nhiên như người bản xứ. Điểm số TOEIC 900 mà Nam Long đạt được khiến nhiều người lớn cũng phải thán phục. Long tham dự tất cả 16 cuộc thi Toán, khoa học bằng tiếng Anh đều giành giải.
Đằng sau thành tích đáng ngạc nhiên của Nam Long không thể không kể đến sự đồng hành của anh Nam, bố cậu bé.
Anh Nam cho biết, từ nhỏ con trai đã rất ngưỡng mộ ba (coi ba là siêu anh hùng) nên việc dạy dỗ không khó. Anh Nam cũng có những bí quyết dạy con thú vị, trong đó đặc biệt nhấn mạnh khả năng tự học, xây dựng tư duy ngôn ngữ và logic cho con và sự đồng hành của gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nam đã chia sẻ một số bí quyết nuôi dạy con của mình.
Nếu đằng nào cũng phải làm quen máy tính, thì thay vì cho bạn nhỏ chơi game, hãy khuyến khích con học lập trình
- Học lập trình hiện nay cũng quan trọng như học tiếng Anh, không biết lập trình, con sẽ rất khó hòa nhập với thế giới được vận hành bởi công nghệ trong tương lai. Anh có lời khuyên nào cho các phụ huynh trong việc định hướng cho trẻ theo đuổi lĩnh vực này, nhất là khi cha mẹ không có kiến thức về lập trình?
Thế hệ Gen Z, gen Alpha… chắc chắn không thể tách rời với máy tính. Nếu đằng nào cũng phải làm quen máy tính, thì thay vì cho bạn nhỏ dùng máy tính để chơi game, hãy khuyến khích học lập trình. Học lập trình giúp bé tư duy logic và sự tập trung, tương tự như học cờ vua vậy. Nếu biết lập trình thì hãy cùng đồng hành cùng con mình. Nếu không biết thì gởi con vào các trung tâm, cơ sở đào tạo lập trình. Phụ huynh cũng nên học cùng con.
Và nên nhớ, cái quan trọng nhất là phải dành thời gian: Ra ý tưởng lập trình, chơi thử, đánh giá, đưa phương án cải tiến dưới góc độ người chơi game, tham gia các cuộc thi lập trình… để tạo 1 sự hứng thú thật sự cho bạn nhỏ. Năng khiếu cũng hết sức quan trọng, nếu đã thử, thử vài lần mà con vẫn không thích, thì cũng đừng ép. Hãy chọn một môn khác.
- Trong 6 lời mời đề nghị thực tập từ các công ty, gia đình đã chọn một công ty về lập trình game blockchain thuộc top 3 ở Việt Nam. Anh có thể chia sẻ thêm về lựa chọn này?
Bé Long được xếp vào team có 8 người của một dự án đang trong quá trình lên ý tưởng, tuần sau sẽ bắt đầu lập trình. Ở đây con sẽ hỗ trợ về game designer (thiết kế game) và lập trình. Tuy nhiên hiện tại công ty game cũng không đưa ra áp lực, bạn CEO nói cứ cho Long quan sát, làm quen, rồi thích chỗ nào thì xung phong tham gia, công ty sẽ tạo điều kiện. Nói chung, ở độ tuổi này, được tham gia vào 1 dự án bài bản, dù chỉ là quan sát hoặc hỗ trợ chút ít cũng đã một trải nghiệm tuyệt vời.
- Được biết Nam Long đang học ở một trường công lập nhưng khả năng tiếng Anh của bé rất đáng nể. Bé học tiếng Anh năm bao nhiêu tuổi? Bố mẹ có giao tiếp tiếng Anh với bé?
Bé học tiếng Anh ở trường mẫu giáo có giáo viên tiếng Anh như các bạn. Sau đó cũng đi học thêm tiếng Anh với thầy giáo nước ngoài ở chung cư từ 5 tuổi tới năm 7 tuổi. Mình cũng cho bé học với giáo viên Philipines khoảng 3-4 tháng, kiểu 1:1 online để tăng cường ngữ pháp lúc 8 tuổi. Sau đó thì ngưng hẳn. Ở nhà giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Việt với ba mẹ.
Bé xem phim Netflix có phụ đề từ lúc lớp 2. Sau đó thì mình tắt luôn phụ đề. Bạn nói không có phụ đề cũng hiểu 70-80% rồi nên không sao. Từ khoảng lớp 3 trở lên mình thấy bé nghe tốt hơn, chắc tại coi nhiều clip hướng dẫn lập trình bằng tiếng Anh (bé hầu như không coi clip bằng tiếng Việt).
Học tiếng Anh phải theo phản xạ của con người, đó là 4 kỹ năng: Nghe - nói - đọc - viết. Các con phải nghe thật nhiều trước để rèn kỹ năng tư duy trong từng câu, dần dần khi đã quen rồi thì các con sẽ tự nói và tự viết được. Với Long, mình nghĩ điểm mấu chốt là bé được xem phim, nghe nhạc, xem youtube trên môi trường tiếng Anh nên nghe tốt, dẫn đến từ vựng nhiều, viết khá.
- Từ lập trình cho đến tiếng Anh, có thể thấy Nam Long có khả năng tự học khá tốt. Anh đã rèn luyện kĩ năng này cho con như thế nào?
Khi có hứng thú thì con sẽ tự thích và nghiên cứu, mà muốn biết con thích cái gì thì phải dành thời gian với bạn, hiểu tâm lý, môi trường, bạn bè... Một điều nữa, đó là mình cho con làm quen với tất cả mọi điều và chọn ra được cho mình niềm đam mê riêng, từ đàn piano, guitar, bóng bàn cho đến cầu lông… khi con không thích thì mình không ép. Ở thế hệ alpha (sinh sau 2010), cách học cũng khác: Học trên youtube, trên google, sau đó mới tới sách vở. Nếu bắt các bé học bằng sách vở mà tránh xa điện thoại, máy tính chắc cũng khó.
Quay trở về với câu hỏi rèn luyện kỹ năng học cho con như thế nào, mình tập cho con các kỹ năng: Gõ máy tính bằng 10 ngón, gõ tiếng Việt có dấu; Gõ điện thoại bằng 2 ngón; Mở youtube, google khi tìm kiếm; Ưu tiên tiếng Anh khi tìm kiếm (hiện giờ bé luôn dùng tiếng Anh khi tìm); Bé hiểu cái gì cũng có trên mạng, lên tìm là có; Một khi đã thành thạo kỹ năng, việc sử dụng phương pháp nghiên cứu sẽ dễ dàng và hiệu quả. Rất đơn giản.
Thành công nhất chính là xây dựng được hình ảnh một ông bố, một người bạn đáng tin cậy của con
- Trong cuộc sống hàng ngày, anh và vợ mình có thống nhất về quan điểm nuôi dạy con? Theo anh, những kỹ năng nào là đặc biệt cần thiết trong quá trình nuôi dạy trẻ?
Thực sự cũng không có nhiều bất đồng. Từ nhỏ Nam Long đã rất ngưỡng mộ ba (kiểu ba là siêu anh hùng), nên dạy dỗ cũng không khó. Quan trọng nhất là hiểu con. Mình thuộc tên tất cả các bạn trong lớp, hiểu tính cách từng bạn mà con chơi thân. Mỗi tối, trước khi đi ngủ, 2 ba con đều tâm sự 30 phút tới 1 tiếng về chuyện ở trường lớp lẫn ở công ty ba. Một khi mình hiểu, mình sẽ là người bạn, người đồng hành chứ không phải áp đặt.
Mình chuẩn bị cho bé: Kỹ năng giải thích, trình bày vấn đề, thuyết trình, tranh luận, tự tìm hiểu, tự học, tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, gia đình không đặt vấn đề điểm số hay thành tích. Lớp 1 Nam Long mới bắt đầu học chữ như các bạn ở trên lớp. Các cuộc thi toán quốc tế, mình chỉ đặt mục tiêu có giải, dù là khuyến khích hay đồng cũng được. Giải thích thêm là việc đạt giải ở các cuộc thi này khá dễ đối với Long. Tuy nhiên, bạn không quá thích thú với Toán nên mình cũng không cố nhồi nhét để bạn lấy huy chương vàng hay thành tích cao hơn.
- Anh nhấn mạnh việc xây dựng tư duy ngôn ngữ và logic cho con. Anh có thể chia sẻ kĩ hơn về vấn đề này?
Theo mình, 2 tư duy này là quan trọng nhất đối với các bạn nhỏ.
Tư duy ngôn ngữ chính là hiểu ngôn ngữ tốt hơn, giúp con tiếp thu được nhiều và nhanh hơn. Bước 1 là mình phải hiểu ngữ cảnh của bạn (việc ở trường lớp, bạn bè), bước 2 là nói bằng ngôn ngữ như bạn, bước 3 là nói về chủ đề bạn biết bằng ngôn ngữ hoặc cách diễn đạt hiệu quả hơn (người lớn hơn). Thế là từ từ bạn sẽ học được từ mới, dùng đúng và hiệu quả hơn. Từ đó tiếp thu nhanh hơn.
Tư duy logic chính là cách sắp xếp và liên kết vấn đề, giúp con tiếp thu hiệu quả và nhớ lâu hơn. Thay vì nói, hãy vẽ, minh họa bằng hình ảnh nhiều hơn. Mình thường áp dụng cách vẽ hình minh họa ra như sơ đồ cây, sơ đồ liên kết để con có thể hình dung được, nhớ lâu hơn và tiếp thu dễ hơn.
- Vừa học lập trình, viết game, dạy thêm lập trình, tới đây còn thực tập ở công ty lớn. Anh phân bổ thời gian học và chơi của con ra sao để bé không "quá tải"? Anh có từng lo lắng việc con tiếp xúc với môi trường "công sở" quá sớm cùng sự nổi tiếng sớm sẽ khiến con mất đi tuổi thơ?
Mình cũng khá cẩn trọng với sự nổi tiếng. Mình và gia đình luôn chủ trương không đưa con lên cao, đặc biệt là khi còn quá nhỏ như thế. Hiện tại Nam Long vẫn không biết mình được viral hay đang lên báo. Hôm nay về vẫn khoe ba mới biết búng tay kêu to hơn hôm qua. Mình chưa định hướng gì cả, cứ để bạn làm cái bạn thích và tập trung nâng cao kỹ năng mềm.
Mình chia thời gian 1 ngày thành 3 nhóm:
Học: Tự làm bài tập cô giao ở trường, tự học Toán - bắt buộc 15 phút/ngày.
Thể thao: Hít xà đơn tối thiểu 10 cái, đạp xe 30 phút, tập boxing, bóng bàn/cầu lông hoặc - bắt buộc 60 phút ngày.
Chơi: Xem phim, chơi game, đọc truyện - tối đa 60 phút/ngày.
Lập trình, dạy lập trình, thực tập: Tùy sắp xếp sau khi hoàn thành những thứ bắt buộc.
Nói chung cậu nhóc còn khoảng 3h/ngày đi học. Hè thì nhiều hơn, chừng 6-7h/ngày cho việc lập trình. Hiện nay, Nam Long không đi học thêm bên ngoài (kể cả tiếng Anh) nên có nhiều thời gian.
"Đưa con đi khắp thế gian" để học hỏi, khám phá, trải nghiệm thực tế
- Được biết anh thường xuyên cho con tham gia các hoạt động du lịch trải nghiệm xuyên Việt và quốc tế. Bé bắt đầu chuyến đi đầu tiên từ năm bao nhiêu tuổi? Đến nay đã khám phá bao nhiêu tỉnh thành, đất nước?
Gia đình mình đi nhiều, 4 tháng là đã đi khắp nơi Nam Bắc. 4 tuổi bé được đi nước ngoài lần đầu tiên. Đến nay bé đã đi gần hết các tỉnh từ Huế đổ vào Nam, hơn 11 nước (bao gồm Nhật, Châu Âu, Mỹ). Tháng 8 này mình dự định làm 1 chuyến xuyên Việt 3 tuần.
- Qua những chuyến đi, anh nhận thấy con có những thay đổi gì? Nhận được những lợi ích ra sao?
Mình cố gắng giải thích nhiều, kể và dạy nhiều thứ, bé cũng thích thú nhưng không tiếp thu quá nhiều như người lớn. Mình cũng hay quay phim lại, rồi lúc bạn lớn hơn thì lôi ra xem để học lại nhưng nói chung để gọi là học hỏi được nhiều điều hay từ 1 đứa nhóc 6-7 tuổi không như lý thuyết. Cái được nhất chính là thời gian bên nhau. Cùng ba mẹ tâm sự 12 tiếng một ngày mới là thứ giá trị đối với 1 đứa trẻ.
- Những kỉ niệm nào mà anh nhớ nhất trong các chuyến đi cùng con?
Năm 2019, gia đình đi du lịch Mỹ. Mình để Long tự giao tiếp với phục vụ để đặt đồ ăn ở quán, rồi tự hỏi dịch vụ ở khách sạn, mua thuốc ở nhà thuốc… Long đều đồng ý và thực hiện rất tự nhiên. Ngoài khả năng ngôn ngữ, mình thấy bạn rất mạnh dạn và tự tin. Thực sự mình rất phục con điều này.
- Không thể phủ nhận ngoài tài năng, bé Long còn được sinh trưởng trong gia đình có điều kiện tốt. Với những gia đình không có điều kiện để đi du lịch xa hay kiến thức để dạy con về lập trình hoặc định hướng cho con từng đường đi nước bước, anh có lời nhắn nhủ nào cho họ trong việc nuôi dạy con?
Mình nghĩ điều kiện kể trên chỉ là 1 phần phụ. Cái thành công của mình chính là xây dựng hình ảnh một ông bố, một người bạn đáng tin cậy của con. Để làm được điều đó chính là sự quan tâm và kiên nhẫn. Bất kỳ ông bố, bà mẹ nào thật sự dành 3-4 tiếng một ngày để cùng trò chuyện, vui chơi, tâm sự cùng đứa trẻ 4-5 tuổi cho tới khi nó lớn đều sẽ có sức ảnh hưởng cực lớn với nó. Khi đó, mọi việc nuôi dạy đều trở nên dễ dàng.
- Cảm ơn anh.