Cắt sóng 2G, điện thoại "cục gạch" hết thời: Smartphone cũ là 1 lựa chọn tiết kiệm, nhưng cần cảnh giác vì lý do này

ANH THẢO,
Chia sẻ

Người dân thường mua điện thoại đã qua sử dụng để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn thông tin.

Mới đây, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, thực hiện theo quy định của Luật Viễn thông, từ ngày 1/3/2024, thực hiện ngừng kết nối mạng với các máy điện thoại di động 2G (vốn gắn với cái tên điện thoại "cục gạch", ý chỉ những mẫu điện thoại cũ chỉ nghe gọi cơ bản, không có tính năng sử dụng internet) không được chứng nhận hợp quy. Để tiếp tục sử dụng dịch vụ, khách hàng sử dụng các thiết bị như trên phải nâng cấp lên các máy 3G/4G/5G.

Cắt sóng 2G, điện thoại "cục gạch" hết thời: Smartphone cũ là 1 lựa chọn tiết kiệm, nhưng cần cảnh giác vì lý do này- Ảnh 1.

Nhiều mẫu điện thoại 2G sẽ thành "cục gạch" đúng nghĩa đen khi không còn khả năng nghe gọi.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số bộ phận người dân dùng các mẫu điện thoại sử dụng sóng 2G, dẫn đến việc một số người dùng gặp khó khăn khi chuyển đổi sang mạng 3G, 4G... Đặc biệt ở những người dùng độ tuổi cao niên, những người tiêu dùng chưa có kiến thức về điện thoại thông minh, việc sử dụng điện thoại thông minh khá phức tạp và khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí chuyển đổi sang thiết bị 3G, 4G,... cũng là một trong những khó khăn mà người dùng 2G gặp phải.

Trong điều kiện đó, điện thoại cũ, đã qua sử dụng được nhiều người dân lựa chọn. Không chỉ tiết kiệm chi phí mà điện thoại cũ cũng cung cấp đầy đủ những tính năng cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố chi phí, người dân cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn thông tin.

Mới đây, Công an TP HCM đã phát thông báo cảnh giác người dân về những nguy cơ mất an toàn thông tin khi sử dụng điện thoại đã qua sử dụng.

Theo Công an TP HCM, việc mua và sử dụng điện thoại đã qua sử dụng mang theo những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến an toàn thông tin.

Cắt sóng 2G, điện thoại "cục gạch" hết thời: Smartphone cũ là 1 lựa chọn tiết kiệm, nhưng cần cảnh giác vì lý do này- Ảnh 2.

- Khi có nhu cầu giao dịch, chủ sở hữu hãy đảm bảo xóa sạch dữ liệu (Factory Reset) trước khi sử dụng để tránh rò rỉ dữ liệu vì điện thoại đã qua sử dụng có thể vẫn giữ lại dữ liệu cá nhân từ chủ sở hữu trước đó, bao gồm ảnh, tin nhắn và thông tin nhạy cảm.

- Đối với người mua: Chủ sở hữu trước đó hoặc người được ủy quyền điện thoại vẫn có thể truy cập vào thiết bị thông qua thông tin đăng nhập hoặc tài khoản đã lưu. Người mua khi sử dụng điện thoại đã qua sử dụng tốt nhất hãy thay đổi tất cả các mật khẩu được liên kết với thiết bị để tăng cường bảo mật và tranh truy cập trái phép.

- Quan trọng hơn, điện thoại đã qua sử dụng được rooted (Android, được hiểu là người dùng có quyền truy cập quản trị viên cao cấp trên nhiều hệ thống phụ Android) hoặc Jailbroken (IOS) có thể có các lỗ hổng bảo mật và có thể có nguy cơ truy cập trái phép cao hơn. Do vậy, cần đảm bảo hệ điều hành của thiết bị ở trạng thái ban đầu, không biến đổi.

- Ngoài ra, điện thoại đã qua sử dụng có thể bị nhiễm phần mềm độc hại gây nguy cơ tiềm ẩn đối với thông tin cá nhân và quyền riêng tư của người dùng. Do vậy, khi sử dụng điện thoại cũ hãy thực hiện quét bảo mật bằng phần mềm bảo mật tin cậy ngay khi sở hữu thiết bị thiết bị.

Cắt sóng 2G, điện thoại "cục gạch" hết thời: Smartphone cũ là 1 lựa chọn tiết kiệm, nhưng cần cảnh giác vì lý do này- Ảnh 3.

Cách giữ an toàn thông tin khi sử dụng điện thoại cũ

Nếu không có điều kiện nâng cấp điện thoại hoặc buộc phải sử dụng smartphone đã qua sử dụng, người dùng có thể áp dụng một số cách sau đây để hạn chế bị tấn công.

- Đầu tiên, hãy đảm bảo bạn đang sử dụng phiên bản phần mềm mới nhất bằng cách vào Settings (cài đặt) - System (hệ thống) - System update (cập nhật hệ thống). Lưu ý, tên và vị trí các tùy chọn có thể thay đổi tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng.

- Tương tự như việc cập nhật hệ điều hành và các bản vá bảo mật, người dùng cũng nên thường xuyên cập nhật ứng dụng lên phiên bản mới nhất.

- Ngoài ra, bạn hãy tránh tải xuống các tệp từ những trang web không đáng tin cậy, không sử dụng WiFi công cộng, thường xuyên xem xét và xóa bớt các ứng dụng không cần thiết…

Chia sẻ