Cắt 1 bên tinh hoàn, giảm ít nhất 50% khả năng có con

,
Chia sẻ

Cắt bỏ 1 bên tinh hoàn thì khả năng có con giảm ít nhất 50% vì một bên bị xoắn tinh hoàn sẽ ức chế bên tinh hoàn còn lại trong việc sản xuất tinh trùng.

Thời gian gần đây, hầu như tuần nào BV Việt Đức cũng tiếp nhận bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn vào điều trị. Đáng nói, gần như 100% bệnh nhân không biết về bệnh, đến muộn và phần lớn phải cắt bỏ một bên tinh hoàn.

Bệnh nhân chủ yếu từ 10-25 tuổi
 
Tại khoa Phẫu thuật Tiết niệu - BV Việt Đức, bệnh nhân N.V.T, 22 tuổi, ở TP. Hải Phòng được đưa vào cấp cứu trong tình trạng đau buốt bộ phận sinh dục, bìu sưng rất to, không thể đi lại được.



Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, anh T. bắt đầu có biểu hiện đau như vậy cách đây 1 tuần, đã vào một phòng khám tư tại Hải Phòng khám và được chẩn đoán viêm mào tinh hoàn, kê thuốc về uống suốt 1 tuần nhưng không khỏi. Đến khi đau không thể chịu được, gia đình mới đưa bệnh nhân đến BV Việt Đức cấp cứu.
 
Qua thăm khám, các bác sĩ phán đoán khả năng bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn (động mạch, tĩnh mạch dẫn máu đến tinh hoàn bị xoắn, gây nghẽn mạch máu) và lập tức chỉ định cho phẫu thuật.

Quả nhiên khi mổ một bên tinh hoàn phải, các bác sĩ phát hiện thừng tinh tinh hoàn bị xoắn 2 vòng, tinh hoàn phải bị hoại tử, buộc phải cắt bỏ. Do bệnh nhân còn trẻ, chưa vợ nên các bác sĩ có ý định sẽ lắp một tinh hoàn nhân tạo thay thế tinh hoàn đã bị cắt, đồng thời sẽ cố định bên tinh hoàn còn lại.
 
Bác sĩ Trịnh Hoàng Giang, khoa Phẫu thuật Tiết niệu cho biết, mặc dù trên lý thuyết, tỷ lệ nam giới ở nước ta bị mắc xoắn tinh hoàn không nhiều (trung bình cứ 4.000 người mới có 1 người mắc), song thực tế từ đầu năm đến nay, Trung tâm Nam học và khoa Phẫu thuật Tiết niệu - BV Việt Đức đã tiếp nhận điều trị cho khá nhiều trường hợp.

Theo thống kê của BV, bệnh nhân đến điều trị tập trung chủ yếu trong độ tuổi từ 15-25 tuổi, tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân mới chỉ khoảng 10 tuổi mắc bệnh và phải cắt bỏ một bên tinh hoàn, chưa gặp trường hợp nào bị xoắn cả 2 bên tinh hoàn cùng lúc.
 
Đây là bệnh rất nguy hiểm nhưng vì không phổ biến nên người dân ít hiểu biết về căn bệnh này, ngay cả các cơ sở y tế tuyến dưới cũng không có đủ kiến thức, kinh nghiệm và thường chẩn đoán nhầm với bệnh viêm mào tinh hoàn.

Đó cũng là lý do khiến hầu hết bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn nhập viện muộn và phải cắt bỏ tinh hoàn, bởi với bệnh này nếu bệnh nhân nhập viện sau 6-8 giờ thì khả năng phải cắt bỏ tinh hoàn đến trên 50%, còn muộn sau 24 giờ thì khả năng cắt bỏ lên đến gần… 100%.
 
Mặt khác, cũng giống như các bệnh nam học khác, bệnh nhân khi có biểu hiện mắc xoắn tinh hoàn như bìu sưng to, bộ phận sinh dục đau đột ngột thường có tâm lý e ngại, giấu giếm, cố gắng chịu đựng hoặc tự mua thuốc về uống.


Chỉ đến khi bệnh nặng hơn, đau không chịu được nữa thì mới đến các cơ sở y tế khám cấp cứu, thậm chí có những bệnh nhân đến viện cấp cứu cũng vẫn đi một mình vì… ngại không muốn ai biết.
 
Giảm ít nhất 50% khả năng có con
 
Theo bác sĩ Trịnh Hoàng Giang, với các bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn, phải cắt bỏ 1 bên tinh hoàn thì khả năng có con giảm ít nhất 50% vì một bên bị xoắn tinh hoàn sẽ ức chế bên tinh hoàn còn lại trong việc sản xuất tinh trùng.

Nguy hiểm hơn, do đa phần người bị xoắn tinh hoàn có độ tuổi rất trẻ, phần nhiều chưa có vợ con nên khi phải cắt bỏ một bên tinh hoàn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mặt tâm lý trong cuộc sống sinh hoạt, đặc biệt là thái độ thiếu tự tin, tự ti hơn trong việc lập gia đình.

Hơn nữa, những người đã từng bị xoắn tinh hoàn một bên, nếu không được cố định nốt bên còn lại thì nguy cơ bị xoắn tinh hoàn ở bên còn lại rất lớn, khi đó sẽ mất hoàn toàn khả năng có con.
 
Về nguyên nhân, xoắn tinh hoàn xuất hiện ở những người có các dây treo cố định tinh hoàn không hoàn hảo, thiếu hụt trong các tổ chức cấu trúc cố định của tinh hoàn (dây chằng, dây treo không cố định tinh hoàn vào mạc bìu). Điều này có nghĩa bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường liên quan đến yếu tố bẩm sinh của bộ phận sinh dục.

Tuy nhiên, cũng còn có một số yếu tố khác gây thuận lợi cho bệnh xoắn tinh hoàn như thay đổi nồng độ tiết tố đột ngột (thường diễn ra ở độ tuổi dậy thì) hay các sang chấn tác động đến tinh hoàn trong quá trình vận động, chơi thể thao… Tại BV Việt Đức cũng đã từng gặp một số trường hợp sau khi bị tai nạn, tinh hoàn di chuyển vào trong ổ bụng.

 
Các bác sĩ khuyến cáo, những bệnh nhân nam có các biểu hiện: đau tinh hoàn đột ngột, không sốt, không đái buốt, đặc biệt thanh niên trẻ tuổi (dưới 18 tuổi) chưa có quan hệ tình dục mà bị đau buốt đột ngột bộ phận sinh dục, tinh hoàn treo cao hơn bên đối diện… cần phải đi khám ngay, vì đây là những dấu hiệu sớm của bệnh xoắn tinh hoàn.

Nếu phát hiện và được điều trị sớm trước 6 giờ (kể từ khi phát bệnh), 100% bệnh nhân xoắn tinh hoàn có thể được chữa khỏi.
Theo ANTĐ
Chia sẻ