Cặp vợ chồng mù hơn 80 tuổi ngồi lề đường ăn xin khiến dân mạng xót xa
Rất nhiều người sau khi biết được hoàn cảnh của hai cụ thông qua mạng xã hội đã đến tận nơi giúp đỡ.
10 năm không quản nắng mưa
Gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ câu chuyện về cặp vợ chồng già ở Tân Hiệp, Hóc Môn (TP HCM). Sáng nào hai ông bà cũng dìu nhau ra ngồi vỉa hè mong được người qua đường giúp đỡ. Qua tìm hiểu, địa điểm hai ông bà ngồi mỗi sáng là đầu con hẻm nhỏ nằm trên địa bàn tổ 20, ấp Thới Tây 1. Ông tên Trần Văn Tỷ (80 tuổi), bà là Nguyễn Thị Hai (82 tuổi). Hiện hai ông bà sống cùng con dâu là cô Nguyễn Thị Thanh Lộc (53 tuổi).
Hình ảnh về đôi vợ chồng mù được chia sẻ trên mạng xã hội.
Những thông tin về địa điểm hai ông bà hay ngồi ăn xin được chia sẻ cụ thể.
Đang tất bật bóc vỏ hạt điều, thấy khách lạ, cô Lộc liền bỏ giở công việc, niềm nở tiếp đón chúng tôi. Ngồi bên cạnh, cụ Hai cười tươi hỏi chuyện. Dù không thấy gì, tai không còn nghe rõ nhưng cụ vẫn thể hiện rõ sự mến khách. Riêng ông Hai Tỷ mắt vẫn nhìn thấy nhưng cụ đã không còn minh mẫn. Để các cụ nghe được, chúng tôi phải ghé sát vào tai hai ông bà nói to, rõ ràng. Cô Lộc trở thành “thông dịch viên bất đắc dĩ” trong cuộc hội thoại giữa chúng tôi.
Rất nhiều bạn khi biết câu chuyện đã đến giúp đỡ hai cụ.
Sinh ra ở Biên Hoà (Đồng Nai), sớm phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ, anh em ly tán, từ nhỏ bà Hai phải đi ở đợ ở Sài Gòn. Đó cũng là nơi bắt đầu mối tình chị em của hai ông bà. Năm bà 22 tuổi, hai người quyết định kết hôn. Thời còn khoẻ mạnh, hàng ngày bà đi giặt đồ thuê, ông làm nghề bốc vác thu nhập cũng chẳng được mấy đồng. Nhưng chừng đó cũng đủ để ông bà nuôi sống tình yêu của mình hơn 6 thập kỷ qua.
Hơn 10 năm trước, vì sai sót trong một lẫn phẫu thuật mắt, bà Hai bị mù vĩnh viễn. “Tự nhiên không thấy được nữa tôi buồn lắm chứ. Nhiều lúc tủi quá lại ngồi khóc một mình”, cụ bà tâm sự.
Kể về những ngày tháng ngồi vỉa hè cơ cực của hai cụ, cô Lộc, con dâu hai cụ, bộc bạch: “Năm 2004, khi cả nhà chuyển từ quận 8 về đây cũng là lúc hai ông bà sáng sáng ra đường xin sự giúp đỡ từ người dân. Phận làm con, tôi và mọi người trong nhà can ngăn mãi nhưng hai cụ không nghe. Cụ ông lẫn là thế nhưng sáng nào cụ đã dắt bà đi là không ai cản được”.
Cứ thế 10 năm nay, khi tờ mờ sáng, ông Hai Tỷ lại dẫn bà ra đầu hẻm ngồi, ngày nắng cũng như ngày mưa. Hai người ngồi đến đầu giờ trưa lại dìu nhau về. Ngày ít được thức ăn, ngày nhiều được dăm ba chục nghìn.
“Để con dâu bớt khổ, còn sức chúng tôi còn đi”
Ba năm trước, người con trai qua đời vì bệnh tật, các cháu dù rất hiếu thảo nhưng ai cũng có gia đình mà không mấy dư giả về kinh tế nên hai cụ chỉ còn biết nhờ cả vào người con dâu.
Ngoài vất vả chăm sóc cha mẹ chồng, nhìn cảnh người đàn bà tóc đã điểm bạc phải vất vả kiếm tiền nuôi cha mẹ chồng hẳn nhiều người không khỏi chạnh lòng. “Ông bà tuổi cao sức yếu, lại không lành lặn nên tôi không thể bỏ cha mẹ ở nhà đi kiếm việc làm, đành phải nhận hạt điều của người ta về bóc vỏ, nhưng khổ nỗi tiền công cũng ít lắm chỉ 6 nghìn đồng/kg”, cô Lộc buồn bã nói.
Làm vất vả nhưng mỗi ngày bà chỉ bóc được 5 kg hạt điều, làm xong phải chia ra thành 6 loại: hạt không vỡ, hạt vỡ, hạt đen, hạt sáng... Nhiều khi còn bị chủ trừ tiền vì cho rằng bóc, sàng vỏ chưa sạch, phân loại không rõ ràng. Vì thế, để kiếm được 30 nghìn, cô Lộc phải tranh thủ thời gian, mắt khi nào cũng phải đeo kính, bên cạnh luôn thường trực một chai dầu xanh phòng khi nhức đầu.
Cụ bà luôn cười nói nhiệt tình khi có khách đến.
Khuôn mặt cụ ông đầy nếp nhăn. Tiếp chúng tôi, lúc cụ nghĩ là khách, khi lại nghĩ là cháu về thăm
Dường như hiểu được nỗi khổ của người con dâu hiếu thảo, hai cụ hàng ngày vẫn cố gắng tự vệ sinh, tắm giặt dù đôi lần quên trước hụt sau. Bà Hai mù chỉ có hai bộ đồ, khi tắm lại thay bộ này, giặt bộ kia. Ông cũng mặc độc chiếc quần đùi, nên không bao giờ phiền đến con dâu.
Muốn mình không là gánh nặng của con, nên dù con cháu khuyên ngăn, hai cụ vẫn một mực không bỏ “công việc” của mình. “Để con dâu bớt khổ, khi nào còn sức, chúng tôi vẫn còn đi”, người đàn ông có thân hình gầy gò, mái tóc bạc phơ trìu mến nói.
Đến lúc ra về, hai cụ khiến chúng tôi không khỏi xót lòng. Mắt không nhìn thấy nhưng tay cụ Hai vẫn níu chặt, miệng không ngớt cảm ơn chúng tôi vì đã đến thăm, với hai cụ, một lời hỏi thăm cũng là quý giá trong những ngày khốn khó.