CẬP NHẬT: Máy bay huấn luyện phản lực L-39 của KQVN rơi tại Phú Yên

Theo Thế giới trẻ,
Chia sẻ

Sáng nay, một máy bay huấn luyện phản lực L-39 của KQVN đã rơi tại cánh đồng xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa tỉnh Phú Yên, 1 phi công hy sinh.

11h30:  Bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Chánh văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cho biết, thông tin cho rằng, 1 người dân tử vong do va chạm khi máy bay gặp sự cố là không chính xác. Hiện thông tin chính thức chỉ có 1 phi công là học viên hy sinh.

Phi công Phạm Đức Trung đang là học viên K41, chuyên ngành phi công quân sự và chỉ huy tham mưu Trường Sĩ quan Không quân và đang bay trên máy bay huấn luyện L-39 của Trung đoàn huấn luyện 910.

CẬP NHẬT: Máy bay huấn luyện phản lực L-39 của KQVN rơi tại Phú Yên - Ảnh 1.
Phi công Phạm Đức Trung (bên phải) vừa hoàn thành 1 ban bay. Ảnh CTV.

11H20:  Thiếu tướng Nguyễn Duy Cường, Hiệu trưởng Trường sĩ quan không quân đóng ở Khánh Hòa đang trên đường di chuyển từ Khánh Hòa đến hiện trường vụ tai nạn ở Phú Yên.

Được biết, đây là buổi tập bay cuối cùng kết thúc khóa huấn luyện của phi công trên máy bay.

11h15:  Theo lãnh đạo tỉnh Phú Yên, ngay sau khi sự cố máy bay xảy ra, ông Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an, bộ chỉ huy biên phòng tỉnh phối hợp với các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn.

CẬP NHẬT: Máy bay huấn luyện phản lực L-39 của KQVN rơi tại Phú Yên
Ảnh: VT

11h03: Bác sĩ Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, cho biết sau khi vụ tai nạn xảy ra, phi công đã được đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, phi công đã tử nạn trươc đó. Ngoài ra, một người dân lưu thông trên đường bị ảnh hưởng cũng được đưa đến bệnh viện.

Nạn nhân là ông Đặng Hùng (SN 1949, trú xã Phước Lộc, Hòa Thành). Ông Hùng chỉ bị xây xát nhẹ vùng mặt, hiện đang điều trị tại khoa răng hàm mặt. Bác sĩ Vinh cũng cho hay chưa nhận được thông tin có người dân tử nạn khi xảy ra vụ việc máy bay rơi.

10h49: Hiện tại hơn 10 xe quân đội, hàng chục cảnh sát đã được điều động đến hiện trường vụ tai nạn.

10h40: Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, ông đã nắm được thông tin sự cố máy bay tại Phú Yên. Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục tiến hành cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ hiện trường và điều tra nguyên nhân vụ việc.

10h30: Lãnh đạo Trường sĩ quan không quân cho biết sáng nay, học viên này thực hiện bài huấn luyện bay đơn.

10h27: Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, máy bay vừa cất cánh thì động cơ gặp sự cố, Chỉ huy bay đã lệnh nhảy dù, tuy nhiên phi công vẫn cố gắng điều khiển để cứu máy bay nhưng không thành.

10h24: Lãnh đạo Trường Sĩ quan không quân đóng tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), đơn vị quản lý Trung đoàn 910 xác nhận, sự cố máy bay trên và cho biết, phi công hy sinh là học viên tên Phạm Đức Trung.

10h17: Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 5 - Đại tá Khôi cho biết, theo thông tin ban đầu báo về, khi xảy máy bay bị sự cố,  có 1 phi công đã hy sinh .

10h15: Cơ quan chức năng hiện đang phong tỏa hiện trường. Những người không có nhiệm vụ phải đứng cách xa khu vực xảy ra tai nạn 200m.

Đại tá Nguyễn Hoàng Khôi, Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn của Quân khu 5 cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, Quân khu đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, tiến hành khẩn trương việc cứu hộ, cứu nạn, phong tỏa, bảo vệ hiện trường.

Thông tin ban đầu có 1 phi công hy sinh. Hiện các lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ.

10h10:  PV của chúng tôi tại hiện trường cho biết vụ rơi máy bay khiến 1 người lưu thông bằng xe máy trên quốc lộ 1 A bị thương, tuy nhiên nạn nhân chỉ bị xây xước nhẹ, không ảnh hưởng đến tính mạng.

TRỰC TIẾP: Máy bay huấn luyện phản lực của Không quân rơi tại Phú Yên
Nguồn: Facebook Tuy Hòa Phú Yên.

10:03: Máy bay gặp nạn là máy bay huấn luyện L-39 của Trung đoàn 910 số hiệu 8705 bị rơi ngay sau khi cất cánh được vài phút.

9h55: Ông Nguyễn Ngọc Tứ, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa (Phú Yên) cho hay máy bay rơi ở cánh đồng lúa thuộc phường Phú Lâm. Vị trí xảy ra tai nạn nằm ngay cạnh Quốc lộ, cách sân bay chừng 2km. Các lực lượng chức năng đang phong tỏa hiện trường.

TRỰC TIẾP: Máy bay huấn luyện phản lực của Không quân rơi tại Phú Yên - Ảnh 3.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Nguồn Facebook Tuy Hòa Phú Yên

TRỰC TIẾP: Máy bay huấn luyện phản lực của Không quân rơi tại Phú Yên - Ảnh 2.
Hiện trường vụ tai nạn cách sân bay chừng 2km. Nguồn: Facebook Tuy Hòa Phú Yên

TRỰC TIẾP: Máy bay huấn luyện phản lực của Không quân rơi tại Phú Yên - Ảnh 1.
Máy bay huấn luyện phản lực L-39 của Trung đoàn 910.

9h45: Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà cho biết, lúc 8h20 phút, máy bay L-39 của trung đoàn không quân 910 đang huấn luyện bay thì gặp sự cố, rơi gần sân bay.

Xác định ban đầu là do trục trặc kỹ thuật và có 1 phi công hy sinh. Hiện các đơn vị chức năng đang tập trung tiến hành cứu hộ, cứu nạn, điều tra, làm rõ vụ việc.

9h30: Máy bay rơi ngay trên ruộng lúa, một số bộ phận bị rời ra nhưng thân máy bay vẫn còn nguyên vẹn.

Nguồn tin cũng cho biết trên máy bay có hai phi công. Hiện nay lực lượng cấp cứu, công an đã có mặt tại hiện trường để tiến hành cứu nạn. hiện trường máy bay rơi đang bị phong tỏa hoàn toàn.

L-39 lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1972 và nhanh chóng trở thành dòng máy bay huấn luyện phản lực được ưa chuộng nhất thế giới. Đã có khoảng hơn 2.800 chiếc được xuất xưởng, đến nay nhiều chiếc vẫn còn đang phục vụ trong không quân nhiều quốc gia.

Riêng Không quân Việt Nam hiện có tổng cộng khoảng 40 chiếc, gồm 24 chiếc L-39C đưa vào biên chế từ năm 1980 - 1981, đến năm 2003 - 2005 tiếp tục được bổ sung thêm hơn 10 chiếc L-39Z đã qua sử dụng nhưng được đại tu, sửa chữa lớn trước khi chuyển giao.

L-39 góp phần quan trọng giúp Việt Nam duy trì vị thế là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á tự đào tạo được phi công chiến đấu phản lực. Hầu hết phi công, kể cả lái Su-27/30 của Việt Nam đều đã trải qua quá trình bay huấn luyện trên L-39.

Dòng máy bay này được đánh giá hết sức tin cậy, vận hành hoàn hảo, dễ bảo trì bảo dưỡng, chi phí trên mỗi giờ bay thấp, rất phù hợp với trình độ phi công, thợ kỹ thuật và điều kiện kinh tế của Việt Nam.

L-39 không chỉ nổi tiếng ở các nước Đông Âu và một số nước chịu ảnh hưởng của phe XHCN trong thập kỷ 1970 - 1980, mà sau này nó lại trở thành một dòng máy bay phản lực được các phi công dân sự của cả Mỹ và châu Âu hết sức ưa thích.

Bấm F-5 để tiếp tục cập nhật

Chia sẻ