Cấp cứu thành công bé gái bị sốc phản vệ sau tiêm phòng Quinvaxem

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, đội cấp cứu lưu động Bệnh viện Nhi Trung ương đã cứu sống bé gái gần 6 tháng tuổi trong tình trạng nguy kịch do sốc phản vệ sau tiêm phòng vaccine Quinvaxem.

Cứu sống bệnh nhân trong gang tấc

Đó, bé gái V.A. ở Việt Trì, Phú Thọ được người nhà đưa đến trạm y tế phường Nông Trang, TP Việt Trì để tiêm phòng vaccine Quivaxem mũi 3. Gia đình cho biết, trước khi tiêm, sức khỏe cháu qua kiểm tra hoàn toàn bình thường.

Tại đây, cháu A đã được các bác sĩ chẩn đoán sốc sau tiêm phòng Quivaxem. Cháu được cấp cứu bằng đặt nội khí quản, thở máy, dùng adrenalin tiêm bắp nhưng tình trạng sức khỏe không cải thiện. 

Trước tình huống đó, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Phú Thọ ngay lập tức đã hội chẩn nhanh qua điện thoại với tiến sĩ, bác sĩ Tạ Anh Tuấn-trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương. Chỉ 1 tiếng sau, đội cấp cứu lưu động bệnh viện Nhi đã kịp thời có mặt tại Phú Thọ.

Theo ThS.BS Đào Hữu Nam, khoa Hồi sức cấp cứu-chia sẻ, bệnh nhân A khi đó trong tình trạng sức khỏe rất xấu, cháu phải thở máy, chỉ số máy rất cao, phải dùng 4 loại thuốc trợ tim liều cao. Ngoài ra, cháu còn bị phù phổi, trào bọt hồng qua nội khí quản, da tái, chi lạnh, huyết áp không ổn định.

Trong vòng 3 tiếng, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương một mặt  tích cực cấp cứu hồi sức cho bé bằng cách đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, đặt huyết áp động mạch, một mặt tiếp tục duy trì các thuốc vận mạch, làm các xét nghiệm, truyền máu. 

Với những tình huống cấp cứu mà tính mạng người bệnh chỉ cách tử thần trong gang tấc lại phải vượt một quãng đường gần 100km mới tới được bệnh viện tuyến Trung ương, đội cấp cứu lưu động luôn đứng giữa 2 sự lựa chọn khó khăn: nếu để bệnh nhân ở lại thì không đủ điều kiện điều trị, nhưng nếu chuyển bệnh nhân đi thì với tình trạng mạch yếu, huyết áp không ổn định, cháu bé rất có thể ngừng tim dọc đường.

Khi nhận thấy tình trạng sức khỏe của bệnh nhi đã đủ điều kiện chuyển lên tuyến trên, nhóm cấp cứu cùng các phương tiện đi kèm lập tức lên đường đưa cháu bé đến bệnh viện Nhi Trung ương để được các bác sĩ tiếp tục theo dõi. BS Nam cho biết thêm.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé Vân Anh vẫn còn dấu hiệu sốc, nhịp tim nhanh 238 nhịp/phút. Cháu được các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục điều trị bằng thở máy, bù dịch, duy trì thuốc vận mạch kết hợp lọc máu liên tục.

Sau 1 tuần được điều trị và chăm sóc tại Bệnh viện nhi Trung ương hiện sức khỏe của bé A đã có dấu hiệu bình phục và đã tự thở, tình trạng ổn định hơn.

1
Bé A tình trạng sức khỏe tiến triển tốt (nguồn: nhp.org.vn)

Phòng sốc phản vệ 

Theo định nghĩa chuyên môn, sốc phản vệ là tình trạng lâm sàng xuất hiện đột ngột do hậu quả của sự kết hợp kháng nguyên với các thành phần miễn dịch IgE trên bề mặt tế bào ưa kiềm và các đại thực bào gây giải phóng các chất như histamin, leukotrienes và các hóa chất trung gian khác. 

Hậu quả của tình trạng này là tăng tính thấm thành mạch, giãn mạch, co thắt các cơ trơn tiêu hóa, hô hấp gây ra bệnh cảnh lâm sàng của sốc phản vệ. Sốc phản vệ có tiên lượng tử vong rất cao.

Theo các chuyên gia về vắc-xin tại Việt Nam thì sau khi tiêm, các bà mẹ nên ở lại 30 phút để theo dõi sức khỏe của trẻ.

Bố mẹ cần theo dõi diễn biến sức khỏe của con rất chặt chẽ và báo với cán bộ tiêm phòng. Sau tiêm 48 tiếng, nếu trẻ bất thường cần khám ngay, không được chủ quan.

Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử đã bị sốc phản vệ phải được tư vấn và hướng dẫn để có thể nhận biết được các dấu hiệu sớm của sốc phản vệ và có những biện pháp can thiệp kịp thời.  

Đối với trẻ em đã có hiện tượng sốc phản vệ nhẹ với lần tiêm đầu thì những lần tiêm tiếp theo, cha mẹ cần thông báo điều này với các chuyên gia y tế để đưa ra một phác đồ tiêm hợp lý, hiệu quả, an toàn cho bé. 

Tuyệt đối không đưa bé ốm sốt, bé vừa khỏi bệnh đi tiêm, cha mẹ cần cho bé hoãn tiêm để hồi sức, khi nào bé hoàn toàn khỏe mạnh, cha mẹ hãy nên cho bé đi tiêm. 

Về nhà, bậc phụ huynh nên tiếp tục theo dõi con, chườm mát vết tiêm sau khi bé tiêm, cho bé uống nhiều nước lọc, bú mẹ nhiều hơn. 

Đến ngay bệnh viện, sở y tế nếu bé có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Chia sẻ