Cấp cứu bé sơ sinh mắc uốn ván sau sinh tại nhà
Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận ca bệnh sơ sinh đến viện trong tình trạng li bì, sốt cao 40 độ C, co cứng toàn thân từng cơn, thở nhanh, rốn ướt, hôi.
Gia đình cho biết: Bé được sinh thường tại nhà, sau 10 ngày xuất hiện các triệu chứng như trên được đưa vào y tế cơ sở điều trị nhưng không đỡ và chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bé bị uốn ván rốn, tiên lượng nặng. Sau điều trị, bé hiện đã dần ổn định, tiếp tục được điều trị tại Khoa Nhi.
Theo các bác sĩ, uốn ván rốn sơ sinh là bệnh nguy hiểm thường gặp ở trẻ sơ sinh, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do trực khuẩn uốn ván gây ra, loại vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể gây bệnh uốn ván qua vết cắt dây rốn.
Trẻ sơ sinh bị trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể gây bệnh thông qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ có mang nha bào uốn ván như: dao, kéo, băng bông không được vệ sinh tiệt trùng đúng quy cách, không sạch sẽ. Thực tế cho thấy, các trường hợp cắt dây rốn bằng kéo không được tiệt trùng kỹ hoặc chỉ ngâm qua nước nóng 5 - 10 phút, hay các cách cắt rốn thô sơ sẽ có nguy cơ gây bệnh uốn ván rốn sơ sinh rất cao.
Để phòng ngừa uốn ván sơ sinh hiệu quả, bất cứ cha mẹ nào khi bắt đầu có con cũng cần biết về sự nguy hiểm, nguyên nhân gây bệnh. Từ đó có ý thức phòng ngừa bệnh cho con trẻ. Cụ thể:
Phụ nữ có thai cần được theo dõi tốt, định kỳ, tránh tình trạng đẻ tại nhà, đẻ rơi.
Cần nâng cao hiểu biết, đầu tư cho việc chủ động phòng ngừa bệnh uốn ván.
Loại trừ một số tập quán, thói quen sinh đẻ, đỡ đẻ phản khoa học.
Tiêm chủng vaccine đầy đủ cho trẻ em, đối với trẻ sơ sinh mắc bệnh uốn ván ngoài việc tiêm huyết thanh chống uốn ván cần tiêm giải độc tố uốn ván.
Tiêm vaccine ngừa uốn ván cho mẹ bầu vì bệnh có thể truyền từ mẹ sang con.
Để ngăn ngừa bệnh hiệu quả nhất, nên tiêm vaccine phòng bệnh với tổng số lần tiêm phòng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 - 35 là 5 mũi, sản phụ lần đầu mang thai là 2 mũi cơ bản.