Cảnh giác với chứng phù nề chân khi mang thai

BS. Hoa Hồng,
Chia sẻ

Phù nề chân là hiện tượng bình thường khi mang thai. Tuy nhiên, sưng phù cũng có thể là biểu hiện của tiền sản giật, một bệnh lý rất nguy hiểm cho trong thai kì.

Em mới mang thai đến tháng thứ 4 thôi mà đã bị sưng chân. Mọi người nói em bị xuống máu sớm. Em nghe nói người phụ nữ khi mang thai nếu xuống máu 3 lần thì sẽ sinh nhưng tình trạng của em thì chân cứ càng ngày càng to ra như vậy, không thấy dấu hiệu xẹp đi. Khi em đi khám thai thì bác sĩ nói em bị phù nề chân và cần ăn nhạt. Bác sĩ cho em hỏi, phù chân khi mang thai có nguy hiểm không và em phải làm sao để tránh tình trạng này? Em xin cảm ơn bác sĩ! (P. Thảo)

Trả lời:

Bạn P. Thảo thân mến!

Chứng phù nề đôi bàn chân thường gặp đối với phụ nữ mang thai, nhất là trong giai đoạn 3 tháng cuối.  Phù chân khiến các mẹ bầu mệt mỏi và khó khăn trong sinh hoạt. Phù chân là hiện tượng bình thường khi mang thai. Tuy nhiên, sưng phù cũng có thể là biểu hiện của tiền sản giật, một bệnh lý rất nguy hiểm cho trong thai kì.

Có rất nhiều nguyên nhân gây phù chân ở phụ nữ mang thai, ví dụ như đứng, ngồi lâu nên lượng máu dồn về chân lớn hơn mức bình thường, động mạch chủ và các tĩnh mạch ở khung chậu bị chèn ép khiến máu không xuống đến chân được, do nội tiết hoặc đi giày dép không phù hợp... Đối với thai phụ có tiền sử các bệnh mạn tính như :tim, thận, tăng huyết áp mà phù chân là rất nguy hiểm cho cả mẹ và con.

Cảnh giác với chứng phù nề chân khi mang thai 1
Phù nề chân là hiện tượng bình thường khi mang thai. Ảnh minh họa

Bà bầu bị phì chân thường chỉ liên quan đến phần chân và đôi khi là bàn tay, với những trường hợp này, nếu nghỉ ngơi hợp lý, các dấu hiệu sưng sẽ giảm dần. Tuy nhiên nếu bạn bị sưng phù lâu ngày, dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt, thậm chí kèm theo đau đầu, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng thì tình hình trở nên rất nguy hiểm và phải tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Để tránh tình trạng phù nề chân khi mang bầu, bạn không nên đứng hoặc ngôi lâu một chỗ, hãy để đôi chân được nghỉ ngơi. Khi ngủ, bạn nên nằm nghiêng sang trái để tử cung không chèn vào động mạch chủ và các tĩnh mạch ở khung chậu, khi nghỉ ngơi nên gác chân lên cao. Bạn cũng có thể ngâm chân khoảng 10-15 phút trong nước ấm để giảm sưng phù. Ngoài ra, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, hoa quả, trái cây... cũng giúp nhanh chóng cải thiện tình trạng này. 

Bạn cũng nên chọn đi những loại giày dép thoải mái, có thể hở rộng một chút, đế thấp. Khi có điều kiện nên tháo giày dép để tạo cho chân cảm giác thoải mái, máu dễ dàng lưu thông vì mang giày hay dép quá chật chính là lý do gây phù nề đôi bàn chân hay nguy hiểm hơn còn là nguyên nhân gây nên chứng viêm tấy kẽ chân, chai, sần ngón chân.

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về tình trạng phù nề chân của mình trong những lần đi khám để kịp thời phát hiện những bất thường nếu có nhé.

Chúc mẹ con bạn khỏe mạnh!
Chia sẻ