Cảnh đi mua nhà trong bất lực tại 1 thành phố: Trả cao hơn 30% giá chào bán vẫn 'hết hàng', căn hộ vừa rao buổi sáng nhưng chiều cũng 'hết chỗ'
Khi giá bất động sản bùng nổ trên toàn cầu, những người "săn nhà" ở Amsterdam cho biết họ đang không thể tìm được nhà dù trả cao hơn 30% so với giá ban đầu. Đây là thành phố được coi là một trong những thị trường nhà ở có nhiều rủi ro nhất thế giới.
Theo NVM - một hiệp hội gồm các đại lý và chuyên gia thẩm định lĩnh vực bất động sản Hà Lan, giá nhà tại quốc gia này đã tăng 16,5% trong từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm 2020. Giá trung bình của 1 giao dịch là khoảng 564.000 euro (636.600 USD).
Hơn nữa, ngay cả những câu chuyện về bất động sản được thảo luận ngày càng nhiều ở thành phố nổi tiếng với những con kênh hẹp và ngôi nhà với mái đầu hồi. Những kẻ "săn nhà" liều lĩnh hùng hồn tuyên bố họ sẵn sàng bỏ qua mọi rủi ro.
Tina Manousakis - một người đang cố mua căn hộ 60m2, cho biết: "Mọi thứ đều đắt đỏ đến mức bạn chắc chắn sẽ kiếm được tiền vào một thời điểm nào đó." Tina là một giáo viên tự do, mới chuyển đến Amsterdam 4 năm trước. Cô phải bán căn hộ 1 phòng ngủ được mẹ để lại ở Washington D.C. để mua ngôi nhà khác tại trung tâm thành phố.
Giá nhà ở Amsterdam từ lâu đã là mối lo ngại của các nhà kinh tế và giới chức địa phương. Họ chỉ ra rằng, nguồn cung nhà ở đang ở mức cực thấp và lượng nhà đầu tư ngày càng tăng. Nhóm người mua bị thu hút bởi những ngôi nhà Airbnb dọc kênh rạch và nhiều cảnh quan đẹp, tiện ích khác.
Giới chức Hà Lan đã thông qua một loạt các biện pháp trong những năm gần đây, bao gồm giới hạn số ngày cho thuê Airbnb, nâng thuế với các nhà đầu tư và loại bỏ quy định yêu cầu người mua nhà lần đầu đóng thuế trước bạ gần 400.00 euro. Amsterdam cũng có kế hoạch xây dựng 52.500 ngôi nhà mới vào năm 2025.
Nhà ở Amsterdam vẫn có giá phải chăng hơn so với 1 số thành phố lớn khác của châu Âu. Theo một nghiên cứu của Deloitte vào tháng 7, một căn hộ mới xây có diện tích trung bình 60m2 được bán với giá 341.000 euro (5.686 euro/m2) tại Amsterdam. Trong khi đó, giá căn hộ cùng kích thước ở Berlin là 372.000 euro và Paris là 775.000 euro.
Tuy nhiên, những người mua nhà lần đầu cho biết họ thấy mệt mỏi với cuộc chiến đấu thầu. Họ cảm thấy như thể sẽ không bao giờ mua được nhà.
Adrien Galibert - giám đốc dự án 32 tuổi người Pháp, cho biết: "Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã mất cơ hội." Anh và bạn gái đã đưa ra hơn 10 lời đề nghị, tất cả đều cao hơn giá ban đầu từ 20-30% nhưng luôn có người trả giá cao hơn.
Galibert nói rằng năm ngoái anh đã nhìn thấy những căn hộ phù hợp với khả năng của mình là 450.000 euro. Tuy nhiên, những tương tự như vậy đang đắt hơn từ 50.000-70.000 euro. Anh chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy như mình không thể mua bất kỳ căn nhà nào."
Adam Slater - trưởng nhóm các nhà kinh tế của Oxford Economics, nhận định: "Giá nhà tăng ở mức có vẻ gây lo ngại cho nền kinh tế và có thể là chỉ báo cho thấy bong bóng đang hình thành." Hồi tháng 7, ông cho biết Hà Lan là thị trường địa ốc rủi ro nhất trong số các nền kinh tế phát triển, khi giá nhà vượt xa tốc độ tăng của giá cho thuê.
Tháng 10, NHTW quốc gia này đã nhắc lại lời cảnh báo về thị trường bất động sản, cho rằng tình hình đang "quá nóng". NHTW cũng khuyến cáo việc chính phủ giảm các khoản thuế có thể đẩy giá nhà lên cao.
Ajit Kshirsagar - kỹ sư dữ liệu cao cấp 30 tuổi, cho biết anh khá lo ngại về việc giá tăng. Tuy nhiên, tiền thuê nhà cũng đang cao hơn. Anh nói: "Nếu muốn sống ở đây lâu hơn, thì mua nhà có vẻ là một lựa chọn hợp lý hơn."
Sau khi đưa ra những lời đề nghị mà vẫn không mua được nhà ở 5 thành phố, Kshirsagar quyết định mua một bất động sản cách Amsterdam 13km với giá 475.000 euro. Mức giá chào bán là 425.000 euro.
Kshirsagar nói: "Việc mua bán ở Amsterdam quá cạnh tranh. Chúng tôi từng gọi để xem một căn hộ vừa niêm yết vào buổi sáng, đến chiều đã ‘hết hàng’. Thật vô lý."
Gần đây, Amsterdam đã gặp nhiều thuận lợi trong việc thu hút cả dòng vốn và nhân tài nước ngoài. Thành phố hoa tulip nhận được sự chú ý khi trở thành địa điểm IPO nổi tiếng cho các startup châu Âu, thay thế cho London và thu hút doanh nghiệp, người lao động sau Brexit.
Trong quá trình mua nhà, các bên môi giới thường khuyên khách hàng tìm cách "bôi trơn" nếu muốn giành được lợi thế. Charles Grayson - một nhà môi giới và chủ sở hữu của 27 House Real Estate, cho biết, có sẵn tiền mặt hoặc một hợp đồng thế chấp thực sự có thể mở ra cơ hội cho người mua.
Grayson nói thêm, sự thay đổi của lãi suất có thể ảnh hưởng đến nhu cầu hoặc khiến giá giảm. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố khiến thị trường vẫn khá "chật chội". Anh cho hay: "Nhu cầu vẫn quá cao trong khi nguồn cung hạn chế. Thời gian xây dựng cũng kéo dài nên tôi nhận thấy giá nhà sẽ không sớm hạ nhiệt."
Trong khi đó, một số khác lại thậm chí còn "đặt lịch" ra giá trong 24 giờ để người bán không có thời gian thương lượng với bên khác. Manousakis nói: "Bạn cần phải biết cách vận hành của hệ thống nếu muốn có cơ hội."
Tham khảo Bloomberg