Cảnh báo "thần dược" dỏm hại người

TIẾN ĐẠT - NGỌC DUNG,
Chia sẻ

Tình trạng mua bán, sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc đe dọa cộng đồng tiếp tục báo động.

Vụ ngộ độc mới nhất ở TP HCM vừa được Bệnh viện (BV) Thống Nhất cứu kịp là bà Đ.T.T (54 tuổi; ở quận Tân Phú, TP HCM). Bà T. nhập viện trong tình trạng đau bụng, toan chuyển hóa nặng sau khi uống "thần dược" trị đái tháo đường (tiểu đường).

Cảnh báo "thần dược" dỏm hại người- Ảnh 1.

Bệnh nhân bị suy thận độ 5 sau khi uống thuốc trắng da, trở lại tái khám. Ảnh: TIẾN ĐẠT

Tái diễn "thần dược nhà tôi 3 đời"

Bà T. bị tiểu đường nhiều năm nay, nghe lời người quen mua thuốc được quảng cáo "gia truyền 3 đời trị tiểu đường" về uống; sử dụng vài viên thì bị đau bụng dữ dội, được đưa đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà bị nhiễm độc phenformin nặng. Túi thuốc chứa 17 viên hoàn màu vàng nhạt "3 đời trị tiểu đường" bà T. uống được Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM phân tích cho thấy mỗi viên chứa hàm lượng phenformin 25,85 mg. Bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc - BV Thống Nhất, cho hay đây không phải là trường hợp đầu tiên, BV đã từng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc phenformin sau khi dùng thuốc trị tiểu đường không rõ nguồn gốc.

BV Chợ Rẫy (TP HCM) cũng ghi nhận nhiều ca bị ngộ độc, biến chứng do dùng thuốc nam, thuốc gia truyền… chứa chất cấm phenformin, metformin, biguanides... Đây là những hoạt chất bị cấm sử dụng bởi tỉ lệ biến chứng nhiễm axít lactic quá cao. TS-BS Phan Hữu Hên, phụ trách Khoa Nội tiết - BV Chợ Rẫy, cho biết chưa kể một số ca nhẹ chưa tới mức nhập viện, mỗi tháng khoa tiếp nhận 3 - 5 trường hợp bệnh nhân bị biến chứng, ngộ độc do sử dụng thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc đắp lá… "Bệnh nhân vào BV vừa phải lọc máu vừa phải chữa vết thương nhiễm trùng. Có những trường hợp nặng, nhập viện trễ nên phải tháo khớp chân tay, thậm chí tử vong" - bác sĩ Hên khuyến cáo.

Tại TP Hà Nội, các bác sĩ cũng nỗ lực cứu một người đàn ông 63 tuổi uống thuốc nam trị tiểu đường dẫn đến ngộ độc chất cấm. Bệnh nhân có tiền sử tiểu đường, mua loại thuốc nam dạng viên (giá 10 triệu đồng 20 gói). Ông sử dụng gần 20 ngày thì bị đau bụng, nôn mửa, được đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai (TP Hà Nội), cho biết kết quả xét nghiệm loại thuốc này đã tìm thấy có phenformin. "Thời gian đầu sử dụng thuốc, người bệnh sẽ thấy chỉ số đường huyết có giảm, tuy nhiên chưa lường hậu quả sau đó. Nếu bệnh nhân tiếp tục sử dụng sẽ bị ngộ độc phenformin hoặc metformin, có thể làm nhiễm toan máu, suy thận và tử vong với tỉ lệ lên đến 50%" - bác sĩ Nguyên cảnh báo.

Trước đó chưa lâu, bà L.T.T (45 tuổi, ở Đồng Nai) thoát "cửa tử" sau khi sử dụng thuốc làm trắng da không rõ nguồn gốc mua trên mạng. Bà L.T.T cấp cứu tại BV Bình Dân (TP HCM) trong tình trạng nguy kịch, toan chuyển hóa. Rất may được các bác sĩ lọc máu giải độc kịp thời nên bà mới giữ được tính mạng. Tuy nhiên, bà L.T.T phải uống thuốc và theo dõi chức năng thận thường xuyên.

Cảnh báo "thần dược" dỏm hại người- Ảnh 2.

“Thần dược trị tiểu đường nhà tôi 3 đời” khiến bệnh nhân Đ.T.T vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Ảnh: TIẾN ĐẠT

Nhiễm độc kim loại, "tử thần" rình rập

Bà L.T.T cho biết thấy trên mạng giới thiệu loại thuốc làm trắng da nên đặt mua thuốc dạng viên (60 viên/lọ) có giá 600.000 đồng với liều 6 viên/ngày. Sau 2 tháng uống, bà bắt đầu mệt mỏi, đau bụng dữ dội, khó thở, nôn ói liên tục, được cấp cứu tại một BV địa phương trước khi chuyển đến BV Bình Dân. "Nay tôi tởn tới già, không dám uống bất kỳ loại nào bán trôi nổi nữa" - bà L.T.T mếu máo.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thùy Dương, Khoa Nội thận - Lọc máu - BV Bình Dân, cho biết bà L.T.T bị suy thận cấp mức độ 5 - thận đã mất chức năng lọc nên ứ đọng các chất chuyển hóa. Nếu không kịp thời lọc máu, người bệnh có thể tử vong. Đa số người bệnh khi được hỏi về loại chất đã uống thì không biết về thành phần và nguồn gốc, xuất xứ. Đối với các nhóm viên uống làm trắng da, thường quảng cáo là có chứa glutathione - một chất chống ôxy hóa giúp làm sáng da bằng cách ức chế sản xuất melanin. Tuy nhiên, nếu sử dụng glutathione với liều cao, không có kiểm soát có thể gây suy thận cấp, đặc biệt trên người bệnh đã có nền suy thận mạn.

Nhắc đến ngộ độc thuốc nam, ThS-BS Doãn Uyên Vy, phụ trách Phòng khám Chống độc - BV Chợ Rẫy, kể đã từng giải độc nhiều người nhiễm độc kim loại nặng từ trào lưu này. Ca đáng nhớ nhất là chị N.T.H (ở Đắk Lắk), mắc bệnh viêm cột sống dính khớp và đã được BV Chợ Rẫy cho thuốc điều trị.

Tuy nhiên, vì nghe lời của hàng xóm nên chuyển sang uống thuốc nam. Sau 4 tháng, không những tình trạng bệnh viêm cột sống dính khớp không cải thiện mà chị H. còn bị tiêu chảy kéo dài, cơ thể bị phù, suy kiệt...

Theo bác sĩ Uyên Vy, đây là một trong những trường hợp bệnh tiêu biểu bị ảnh hưởng nặng nề của việc sử dụng thuốc không đúng cách. Việc nhiễm độc từ thuốc diễn ra âm thầm và biểu hiện như một bệnh lý nội khoa mà không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm được nguyên nhân.

"Bệnh nhân bị nhiễm độc kim loại nặng từ thuốc nam. Tình trạng nhiễm độc kim loại nặng này đã để lại một di chứng khá nặng, đó là tình trạng mất protein qua đường ruột. Bệnh nhân buộc phải truyền albumin, truyền đạm mỗi ngày trong suốt 2 năm" - bác sĩ Uyên Vy thông tin.

Tại các BV, số bệnh nhân vào viện do nhiễm độc nặng, suy đa tạng khá đông. Nguyên nhân là do họ đã sử dụng một loại thuốc trị tiểu đường truyền miệng không rõ nguồn gốc, nhãn mác, thành phần, hàm lượng. Những viên hoàn mà bệnh nhân uống đều phát hiện có phenformin.

Theo bác sĩ Lê Quang Toàn, Trưởng Khoa Đái tháo đường - BV Nội tiết Trung ương, do bị bệnh mạn tính nên một số bệnh nhân có tâm lý chán nản. Đến thời điểm này vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào tìm ra phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường. "Không phải tất cả thuốc nam, thuốc đông y đều gây hại cho người bệnh, tuy nhiên, người dân cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không rõ nguồn gốc không được cơ quan chức năng cấp phép" - bác sĩ Toàn khuyến cáo.

Phenformin là một thuốc điều trị tiểu đường nhưng không còn được cấp phép lưu hành tại nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cách đây khoảng 40 năm do nguy cơ gây tử vong. Tuy nhiên, hiện nay phenformin vẫn bị sử dụng để trộn vào các chế phẩm y học cổ truyền lưu hành bất hợp pháp.

Các bác sĩ cho biết ngộ độc phenformin rất nguy hiểm do bệnh nhân bị nhiễm toan chuyển hóa, nồng độ lactate trong máu cao, tụt huyết áp… Kể cả khi điều trị tích cực thì tỉ lệ tử vong cũng rất cao do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.

Hiểm họa sản phẩm "hot girl livestream"

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, tình trạng sản phẩm sức khỏe theo kiểu "nhà làm", thuốc dỏm lẫn tạp chất, chất cấm… đầy rẫy trên thị trường, cơ quan chức năng không kiểm soát nổi. Đáng báo động, môi trường những nơi sản xuất, đóng gói sản phẩm lại rất kém vệ sinh, nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm độc rất cao.

Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM cảnh báo hiện có rất nhiều sản phẩm là thuốc, thực phẩm chức năng bày bán trên các website, trang thương mại điện tử, các nền tảng xã hội Facebook, TikTok... Qua kiểm nghiệm ngẫu nhiên nhiều mẫu sản phẩm, kết quả cho thấy bên cạnh tình trạng không có số đăng ký, nhãn mác…, những sản phẩm này còn lẫn tạp chất, chất cấm.

Điển hình như sản phẩm có tên Linsen Double Caulis Plus (theo thông tin quảng cáo trên trang web nhathu-ocviet24h.com, có địa chỉ liên hệ tại CT10A khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì - Hà Nội) có thành phần công bố trên nhãn là: Caulis Sinomenii 50 mg, Caulis Piperis Futoradsurae 50 mg, Rhizoma Chuanxiong 30 mg, Radix Clematidis 60 mg, Herba Asari Cum Radice 20 mg, Radix Angelicae 50 mg; nhà sản xuất: WELIP (M) SDN. BHD. - Malaysia. Kết quả phân tích, viện phát hiện trong mẫu có chứa 2 thành phần tân dược là Piroxicam và Dexamethason được pha trộn trái phép. Hàm lượng Piroxicam khoảng 9,56 mg/viên và hàm lượng Dexamethason khoảng 0,27 mg/viên.

Tại Hà Nội, kiểm tra đột xuất kho hàng của "hot girl livestream" tại căn biệt thự 5 tầng (khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông), cơ quan chức năng phát hiện chất đầy hàng hóa chủ yếu là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng, tiêu dùng... không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, kho đang có khoảng 50 nhân viên đóng gói hàng hóa để vận chuyển cho người tiêu dùng đã đặt mua hàng online.

Tổng cục Quản lý thị trường vừa phối hợp Công an huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất - kinh doanh nằm trên địa bàn thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định đây là cơ sở sản xuất - kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều nhãn nổi tiếng, được ưa chuộng trên thị trường như: kem dưỡng, serum, mặt nạ dưỡng da; thực phẩm chức năng được dán nhãn, tem là thương hiệu nước ngoài. Trong đó có 840 lọ Blackmores Evening Primrose Oil, xuất xứ Úc; 1.300 mặt nạ Yujin, xuất xứ Hàn Quốc; 16.362 chai dung dịch vệ sinh femfresh có dấu hiệu bị làm giả. Đáng nói, khu nhà xưởng này trước đây là trang trại nuôi gà, có diện tích khoảng 1.400 m2.

PGS-TS Trần Việt Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM, cảnh báo thuốc là sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, là sản phẩm kinh doanh có điều kiện. Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc mua bán thuốc trên website, trang thương mại điện tử và các nền tảng xã hội; vận động và tuyên truyền người dân không mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý. 

Hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc

Mới đây, lực lượng chức năng TP HCM phát hiện hàng ngàn sản phẩm tân dược không rõ nguồn gốc. Tại 5 điểm kinh doanh, chứa trữ mặt hàng tân dược, cơ quan chức năng tạm giữ 22.777 sản phẩm là tân dược các loại chưa qua sử dụng, không rõ nguồn gốc hoặc do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ với tổng trị giá hàng hóa trên 4,5 tỉ đồng.

Chia sẻ