Cảnh báo "kẹo mút cần sa" thâm nhập giới trẻ, được rao bán tràn lan trên mạng
Thời gian gần đây, "kẹo mút cần sa" là loại kẹo đang được nhiều giới trẻ Việt săn lùng và sử dụng. Vậy thực hư loại kẹo này có chứa chất ma túy gây nghiện không? Việc bán tràn lan các mặt hàng kẹp in hình cần sa có vi phạm pháp luật?
Thời gian gần đây, trong giới dân chơi ở Hà Nội và các tỉnh, thành chuyền tay nhau rất nhiều những loại bánh, kẹo mà được quảng cáo là "chất hơn nước cất".
Đó là những thanh chocolate trông rất ngon lành, những cây kẹo mút có mùi thơm hấp dẫn của chocolate, vị ngọt của nho khô... được coi là một thứ bánh dành cho những bạn trẻ "chịu chơi" và sành điệu. Trên bao bì của chúng có in hình những lá cần sa.
Kẹo mút, chocolate có chứa tinh chất cần sa.
Đáng nói, loại kẹo này được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Nhiều người rỉ tai nhau rằng, nó khiến cho người ta có cảm giác thật như là sử dụng ma túy. Thế nhưng, liệu loại kẹo này có hoàn toàn vô hại hay có chứa chất cấm như một số lời đồn đại mà lại khiến giới trẻ Việt "say mê" đến thế?
Kẹo mút cần sa có chứa chất cấm?
Mới đây, trên Đài truyền hình VTV - chương trình Chuyển động 24h đã phản ánh về sự việc này.
Theo đó, "Kẹo mút cần sa" - hiện đang là từ khóa khá hot trên các diễn đàn, mạng xã hội. Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm là có ngay kết quả. Từ các bài đăng trên mạng xã hội đến các ứng dụng bán hàng trực tuyến. Đa dạng về cả chủng loại lẫn giá cả. Chưa đầy 30 phút, sản phẩm đặt mua đã đến tận tay. Thậm chí, không giới hạn số lượng, cứ đặt trước là có.
Kẹo mút cần sa được rao bán trên mạng Internet. Ảnh: Internet
Mặc dù theo thông tin mới nhất từ Bộ Công an, sản phẩm "kẹo mút cần sa" không hề chứa chất ma túy.
Kinh doanh các sản phẩm này có vi phạm pháp luật ?
Theo quan sát trực giác có thể thấy, trên bao bì sản phẩm này lại in rất nhiều hình lá của cây cần sa. Vậy việc kinh doanh các sản phẩm này liệu vi phạm pháp luật hay không?
Theo luật sư, dù sản phẩm kẹo không chứa chất cấm nhưng trên bao bì vẫn có hình ảnh của lá cần sa, in với mục đích quảng cáo bán sản phẩm vẫn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Luật sưu Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh) cho biết: "Những mặt hàng cannabis này đang bị cấm lưu hành, kinh doanh, vậy quảng cáo hay sử dụng hình ảnh của nó cũng được coi là những hành vi cấm, vi phạm pháp luật. Đối với những hành vi này, mức xử phạt từ 40-50.000.000 đồng"
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trực tiếp với phóng viên VTV ngay trong chiều nay (23/5), đại diện Chi cục Quản lý thị trường TPHà Nội cũng cho biết, đơn vị đang xem xét chỉ đạo các đội tiến hành rà soát trên địa bàn thành phố. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định.
Trồng, mua bán, sử dụng cần sa đều bị phạt tù
Luật sư Cồ Lê Huy, Công ty luật Đại Việt, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết:
Theo Bộ luật Hình sự, người trồng cây cần sa đã được giáo dục nhiều lần, đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép cần sa bị phạt tù từ 1-10 năm.
Người sử dụng trái phép cần sa dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm".