Cảnh báo dịch bệnh khi giao mùa
Chỉ riêng bệnh cúm, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có gần 265.000 ca mắc, trong đó số tử vong tăng cao kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời tiết giao mùa dịp cuối năm tạo ra sự thay đổi lớn về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm... là điều kiện cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, lây lan. Mới đây, tại Bình Định, một số người đã tử vong do cúm.
Mắc cúm mùa quanh năm
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, nhiều dịch bệnh trong nước diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; các tác nhân gây bệnh liên tục xuất hiện... Bệnh viêm phổi nặng do virus và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao...) tiếp tục ghi nhận các ca mắc và tử vong.
Ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết thời gian gần đây, số bệnh nhân nhiễm cúm mùa có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước có gần 265.000 ca mắc cúm mùa được ghi nhận, trong đó 8 ca tử vong: Bình Định (4), Hà Nội (2), Khánh Hòa (1) và Phú Yên (1). So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm nhưng tử vong tăng 7 trường hợp. Các địa phương ghi nhận số ca mắc cúm cao là Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Ninh Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Lâm Đồng...
4 ca tử vong tại Bình Định mới đây do nhiễm cúm A/H1N1pdm09 không phải là chủng virus cúm mới. Chủng cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009, là cúm A/H1N1 (còn là chủng cúm lợn). Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật nhiễm virus, sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng. Ngoài A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa gồm A/H3N2, cúm B và cúm C.
Tổ chức Y tế thế giới ước tính hằng năm, khoảng 1 tỉ trường hợp mắc bệnh cúm mùa, bao gồm 3-5 triệu ca bệnh nặng, khoảng 290.000 - 650.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, hằng năm vẫn ghi nhận từ 600.000 đến 1 triệu trường hợp mắc cúm mùa. Số người mắc được ghi nhận quanh năm.
Hệ thống giám sát trọng điểm viêm phổi cấp do virus tại Việt Nam vẫn ghi nhận các trường hợp mắc với khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với chủng cúm A/H1N1. Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ nhưng cũng có thể biến chứng nặng; nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Virus hô hấp gây chết người rình rập
Với dịch cúm có nguồn lây từ gia cầm, năm 2024, nước ta cũng ghi nhận 2 trường hợp. Trong đó, 1 ca đã tử vong do cúm A/H5N1 ở Khánh Hòa. Ngoài ra, trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H9N2 là một bệnh nhân ở Tiền Giang.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - Bộ Y tế, cúm A/H5N1 là chủng có độc lực cao, người nhiễm thường có biểu hiện nặng, tỉ lệ tử vong tương đối cao. Đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người. Tuy nhiên, virus H5N1 dễ dàng lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc vật dụng nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A/H5N1 hoặc ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín, chết do nhiễm bệnh hay môi trường bị nhiễm mầm bệnh.
Virus cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm cho con người từ động vật. Người nhiễm cúm A/H5N1 thường có những biểu hiện giống với cúm thông thường, dễ bị nhầm lẫn song kèm theo một số dấu hiệu nguy hiểm hơn. Người mắc cúm A/H5N1 triệu chứng thường nặng hơn và có tiền sử tiếp xúc gia cầm hoặc ăn thịt gia cầm nấu chưa kỹ...
Các chuyên gia dịch tễ cho rằng nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm cao nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Một trong những yếu tố nguy cơ là từ đầu năm 2024 đến nay, tại Việt Nam đã xảy ra 14 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 9 tỉnh làm gần 100.000 con gia cầm mắc bệnh, chết và bị tiêu hủy (tăng 2,64 lần so với cùng kỳ năm 2023). Ngoài ra, 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên động vật hoang dã (hổ, báo) nuôi nhốt được phát hiện tại các tỉnh Long An và Đồng Nai.
Các bác sĩ nhận định sự thay đổi thời tiết cũng dẫn đến nguy cơ nhiễm các bệnh do siêu vi, nhất là bệnh về đường hô hấp ở trẻ em. Tại TP HCM, thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ ngày 1 đến 25-11 cho thấy gần 1.800 trẻ đã đến khám ngoại trú vì sốt siêu vi. Theo BS Lê Công Thiên, Phó trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhi Đồng 2, sốt siêu vi ở trẻ thường có các triệu chứng đặc trưng như sốt cao 39-40 độ C, kèm tình trạng lừ đừ, bỏ ăn, bú kém và quấy khóc.
"Thời tiết thay đổi cộng với môi trường học đường có máy lạnh là yếu tố thuận lợi khiến bệnh dễ lây lan. Nếu một trẻ mắc bệnh hô hấp, khả năng lây nhiễm cho các bạn trong lớp là rất cao" - BS Thiên cảnh báo.
BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), khuyến cáo thời tiết ở phía Nam đang dần trở lạnh, làm gia tăng nguy cơ trẻ mắc các bệnh viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản. Trẻ bị hen suyễn khi gặp trời lạnh có thể trở nặng hơn.
Sốt siêu vi là chẩn đoán mà các bác sĩ nhi khoa thường đưa ra trong những ngày đầu khi trẻ bị sốt mà chưa xác định được nguyên nhân. Theo bác sĩ Tiến, sốt siêu vi có thể tiến triển thành các bệnh lý khác như: sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, cảm cúm, sốt phát ban, thậm chí là bệnh tay chân miệng.
Vì vậy, bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân tái khám hằng ngày hoặc thực hiện các xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân. Nếu không tìm được nguyên nhân gây sốt cụ thể và đã loại trừ các bệnh do vi khuẩn như viêm amiđan, viêm tai giữa cấp, nhiễm trùng tiểu, bác sĩ vẫn giữ nguyên chẩn đoán nhiễm siêu vi.
"Đối với trẻ hoặc người lớn có tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm siêu vi như virus H1N1, H5N1, H7N9, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện tại, việc xử trí bệnh nhân sốt siêu vi chủ yếu tập trung vào điều trị triệu chứng, chưa có thuốc đặc hiệu" - một chuyên gia lo ngại.
Chủ động kiểm soát, chống lây lan
Để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung mọi nguồn lực để tổ chức kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Bên cạnh đó, cần tổ chức điều tra dịch tễ đối với trường hợp dương tính virus cúm gia cầm A/H5N1; thực hiện xử lý ổ dịch cúm gia cầm theo quy định...