Cảnh báo "chiêu lừa" giả danh nhân viên ngân hàng cài sinh trắc học

ĐẠI VIỆT/VTC NEWS,
Chia sẻ

Ngành ngân hàng và công an đã liên tục cảnh báo người dân cẩn trọng với chiêu lừa đảo giả nhân viên ngân hàng để cài đặt sinh trắc học.

Chiều 7/7, Ngân hàng BIDV phát thông báo cảnh báo việc giả mạo nhân viên ngân hàng để hỗ trợ cài đặt sinh trắc học.

Theo Ngân hàng BIDV, để tránh rủi ro giả mạo lừa đảo trong quá trình thực hiện cài đặt sinh trắc học, ngân hàng này khuyến cáo khách hàng chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học bằng 1 trong 2 hình thức gồm: Trên BIDV SmartBanking của khách hàng hoặc trực tiếp tại các chi nhánh/điểm giao dịch BIDV trên toàn quốc.

Cảnh báo "chiêu lừa" giả danh nhân viên ngân hàng cài sinh trắc học - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng đã phát đi thông báo cảnh báo việc giả mạo nhân viên ngân hàng để cài đặt xác thực sinh trắc học. (Ảnh: B.L)

BIDV khuyến cáo khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác. Không cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, mã khóa bảo mật, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân hay hình ảnh khuôn mặt cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.

“Tuyệt đối cảnh giác và không truy cập vào đường dẫn (link) lạ qua Chat, tin nhắn SMS hoặc Email gửi đến điện thoại để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại”, Ngân hàng BIDV khuyến cáo.

Phía Vietcombank, đại diện ngân hàng này chia sẻ, trong giai đoạn đầu triển khai xác thực bằng sinh trắc học, lợi dụng tình huống một số khách hàng gặp khó khăn trong quá trình thao tác cập nhật thông tin, các đối tượng lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ người dân đề nghị “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Theo đại diện Vietcombank, một số cách thức lừa đảo phổ biến đang được các đối tượng thực hiện gồm:

Liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook,…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Lập nick gây nhầm lẫn như “Nhân viên Ngân hàng”, “Hỗ trợ khách hàng... và trà trộn tương tác với những bình luận của khách hàng dưới các bài đăng trên trang mạng xã hội chính thức của ngân hàng để đề nghị khách hàng liên hệ riêng (inbox) nhằm dẫn dụ khách hàng để lừa đảo lấy thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng.

Các đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt của khách hàng… để được hỗ trợ, thậm chí đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.

Ngoài ra, các đối tượng cũng đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại… Sau khi lấy được thông tin của khách hàng, các đối tượng sẽ tiến hành chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Mới đây, Công an TP.HCM cho biết đã xuất hiện tình trạng có người giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học và lừa đảo, thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng. Do đó, người dân cần hết sức nêu cao cảnh giác trước các chiêu trò của các đối tượng.

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học.

Người dân tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.

Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 17h ngày 3/7, cả nước đã có 16,6 triệu tài khoản ngân hàng được kiểm tra, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an nhằm loại bỏ những tài khoản giả mạo không chính chủ, được lập bằng giấy tờ giả...

Thống kê cho thấy trong 3 ngày đầu tháng 7, toàn hệ thống thực hiện trung bình khoảng 23 triệu giao dịch/ngày, trong đó có trên 1,9 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng, chiếm 8,2% tống giá trị giao dịch, cao hơn mức bình quân của tháng 6/2024.

Cũng theo NHNN, chỉ có hơn 8% giao dịch phải xác thực sinh trắc học, còn gần 92% giao dịch bình thường, nên không có chuyện tắc nghẽn. Một số trường hợp tắc nghẽn cục bộ trong ngày đầu tiên áp dụng đã được xử lý, đến ngày 2-3/7, cơ bản mọi giao dịch đã thông suốt.

Chia sẻ