Căng-tin bệnh viện Phụ sản TW: đến bác sĩ cũng bị... mua đắt

Hoàng Đan, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Ngay ở giữa sân bệnh viện Phụ sản Trung ương, có một quầy căng-tin bán hàng phục vụ người bệnh với giá... trên trời.

Cửa hàng tạp hóa nằm trình ình ngay giữa khuôn viên vốn đã rất chật chội và đông đúc tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tại đây, đa số bán những đồ dùng thiết yếu phục vụ bệnh nhân và người nhà như nước, xô, chậu, nước muối loãng, khăn mặt, tất, bàn chải đánh răng, giấy vệ sinh, bỉm cho người lớn...

Những thứ đó thuộc dạng "cần kíp" với những người mổ đẻ, người mổ u hay có vấn đề về đường sinh sản, để khi bác sĩ hay y tá yêu cầu, người nhà bệnh nhân chạy xuống có thể mua ngay được. Đa số những người tới bệnh viện Phụ sản đều chưa có kinh nghiệm. Họ không biết phải mang theo những thứ gì, cái gì cần cho sản phụ, bệnh nhân. Vì thế nghiễm nhiên căng-tin bệnh viện trở thành "cứu cánh".

Vì thế, mới có tình trạng căng-tin ở vị trí "vàng", tha hồ "chặt chém" khách hàng mà họ cũng chỉ dám kêu nhưng cũng không thể làm gì khác được!

Chị Trần Thị Hoài (ở Phùng Khoang, Từ Liêm) bức xúc kể về chuyện vào cửa hàng tạp hóa trước nhà G của bệnh viện Phụ sản trung ương uống có hai lon nước mà mất tới 32.000 đồng.

 “Nhà mình ở nhà cũng bán hàng nên giá cả các loại hầu như mình đều nắm được. Hai chị em mình đưa nhau lên khám, khát nước mới vào cửa hàng tạp hóa chỗ nhà G gọi hai lon bò húc ra uống thế mà họ đòi những 16.000 đồng/ lon, đắt gấp đôi so với giá mà mình vẫn bán ở nhà.”, chị Hoài bảo.


Theo một nhân viên y tá  của bệnh viện cho biết, từ khi chị vào làm ở đây đã có cửa hàng tạp hóa này và nó là cửa hàng  được bệnh viện cho đấu thầu kinh doanh, phải trả một khoản tiền nhất định.

Khảo sát của chúng tôi thì hầu hết giá của các mặt hàng được bán tại cửa hàng này đều có mức giá cao hơn so với bên ngoài từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng.


Đơn giản như các loại nước trà xanh O độ, C2 ở ngoài chỉ từ 6.000 – 8.000 đồng/ chai thì ở đây được bán tới 13.000 đồng; các loại nước khoáng Lavie 500ml bán tới 10.000 đồng (giá ở ngoài là 5.000 đồng); bò húc 16.000 đồng/ lon; sữa chua, sữa hộp hút các loại 10.000 đồng/ hộp…

Không những vậy, các sản phẩm dành riêng cho phụ nữ và nhiều mặt hàng khác cũng được bán với giá cao hơn từ 5.000 – 15.000 đồng so với bên ngoài.


Khi tìm hiểu thực tế tại đây chúng tôi cũng được chứng kiến cảnh người bán hàng cáu kỉnh với khách khi chị này lên tiếng mặc cả chai nước khoáng Lavie. “Không mặc cả gì bà ạ. Không mua thì thôi.”, chị Thu Phương (quê Vĩnh Phúc), người vừa bị “nạt nộ” kể.

Không chỉ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chịu cảnh bị “chặt chém” ở cửa hàng tạp hóa này mà ngay cả các nhân viên, bác sỹ trong bệnh viện phụ sản Trung ương cũng chịu cảnh tương tự.

“Mình mua có cái túi bóng đen để đựng ít giấy tờ ở ngoài đắt lắm mới  là 5.000 đồng mà trong này họ lấy những 10.000 đồng, bảo sao mà đắt thế thì họ bảo giá nó thế, không mua thì thôi. Đến bác sỹ mà còn thế này thì bệnh nhân và người nhà còn đến đâu nữa”, một bác sỹ xin dấu tên cho hay.


Không chỉ chịu cảnh mua hàng giá cao ở cửa hàng tạp hóa, bệnh nhân và người nhà khi đến khám ở bệnh viện phụ sản vẫn phải chịu cảnh “chặt chém” ngay ở bãi gửi xe trước cổng.

“Họ treo đến  4 – 5 cái biển và trên vé ghi rõ giá gửi xe máy ban ngày có 2.000 đồng, có cả số điện thoại góp ý, thế mà đến lúc ra thì lại thu những 3.000 đồng/ lượt. Hỏi nhân viên thì bảo giá nó thế, mình là người bệnh đi khám nên cũng chẳng muốn lằng nhằng, đành trả cho êm chuyện”, chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Đông, Hà Nội) bảo.

Còn theo chị Chu Thị Đức (quê Hà Nam) thì cho rằng “Người dân chúng tôi ở các tỉnh đến đây khám đều là người khó khăn cả lẽ ra họ phải đồng cảm, đằng này cứ càng thấy khó thì lại càng chặt chém thì quá đáng quá”.

Khi được hỏi về việc giá nhiều mặt hàng tại đây đắt hơn so với ở ngoài, một người phụ nữ bán hàng mặc áo giống áo blu trắng cau mặt bảo “Ở ngoài người ta bán là có cửa hàng riêng còn ở đây bọn tôi phải đấu thầu, mỗi tháng nộp bao nhiêu tiền cho bệnh viện, lại còn tiền nọ, tiền kia nữa không bán thế thì bán thế nào. Mà cũng đâu chỉ riêng có ở đây bệnh viện nào chả thế".
Chia sẻ