"Căng" nhất lúc này: 1 buổi giáo dục giới tính ở lớp mầm non khiến phụ huynh tranh cãi "Hiện đại hay lệch lạc?"
Bạn đứng về phía quan điểm nào?
Không có tiêu chuẩn về độ tuổi chính xác để giáo dục giới tính cho trẻ. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý - y tế đều khuyến khích các bậc phụ huynh nên bắt đầu dạy trẻ về khác biệt giới tính trong độ tuổi từ 2 - 3 tuổi.
Lý do là theo quy luật phát triển tâm lý của trẻ, trẻ sẽ dần hình thành nhận thức về giới tính khi 2 - 3 tuổi và sẽ sử dụng chính xác danh xưng "bé trai" hoặc "bé gái" khi 3 tuổi. Lúc này, cha mẹ nên chỉ cho con cái về sự khác biệt giới tính cơ bản. Tuy nhiên, việc giáo dục giới tính sớm cũng gây ra nhiều vấn đề "dở khóc dở cười".
Chẳng hạn mới đây, nhiều phụ huynh trong một nhóm về nuôi dạy con đã tranh cãi quanh vấn đề: Liệu giáo dục giới tính có nên khắt khe đến mức không cho con gái ôm, hôn bố?

Một người chia sẻ: "Trường con mình, lớp mầm, các thầy cô đã đưa giáo dục giới tính vào giảng dạy. Về nhà, bạn nhà mình tuyệt đối không ôm bố, thơm bố vì bảo bố là con trai. Mình nghĩ mô hình giảng dạy này nên được lan truyền rộng rãi để các con ý thức hơn trong việc tự bảo vệ chính mình".
Bên cạnh ý kiến đồng tình, có người phản bác, cho rằng đây là cách hiểu, cách dạy "lệch lạc". Bởi, việc ôm, thơm má bố là hết sức bình thường. Người này cũng nói thêm: "Bạn nhà mình là bạn gái. Con cũng sắp lên cấp 1, vẫn rất quấn bố. Bố mẹ cũng chỉ bảo con là đây là bố của con, con vẫn ôm và thơm được. Còn các bạn trai khác thì không. Tuy nhiên tuyệt nhiên con không làm. Con nói luôn bố là con trai, con không thơm. Mình thấy chẳng có gì là sai cả, cũng không có gì là lệch lạc. Và bạn nhà mình cũng không có xa cách bố, con rất quấn bố. Tuỳ quan điểm và cách nghĩ của mỗi người".
Tranh cãi
Thời điểm trước, mạng xã hội cũng xôn xao vì đoạn video ngắn về việc cô con gái 2 tuổi không cho bố tắm và gọi bố là "đồ lưu manh". Người cha hết sức sững sờ với biểu hiện của cô con gái vì bình thường anh vẫn thường tắm cho con. Sau đó, anh mới biết rằng trong cuộc trò chuyện nhỏ về "giáo dục giới tính", người mẹ đã nói với con gái rằng: "Con là con gái, vì vậy con không được để những người đàn ông khác chạm vào cơ thể của mình". Sau khi đoạn video trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội, nó đã dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi.
Trở lại câu chuyện nói trên, hội phụ huynh chia làm 2 luồng ý kiến. Một số phụ huynh cho rằng việc thể hiện tình cảm với bố mẹ (như ôm, thơm má) là chuyện bình thường và không nên quá cứng nhắc, bởi vì đó là một phần của tình cảm gia đình, không liên quan đến việc nhận thức về giới tính. Quan trọng là cha mẹ phải truyền tải cho trẻ cảm giác an toàn và yêu thương trong gia đình mà không làm trẻ cảm thấy xấu hổ hay bị nhầm lẫn về hành vi xã hội.
Quy định quá khắt khe, như cấm con gái ôm hay thơm bố vì lý do giới tính, có thể gây ra sự hiểu lầm hoặc tạo ra cảm giác ngại ngùng, thậm chí là xa cách trong gia đình. Tình cảm giữa cha mẹ và con cái, đặc biệt là trong giai đoạn trẻ nhỏ, là rất quan trọng để trẻ cảm nhận được sự an toàn và yêu thương. Việc thể hiện tình cảm qua các cử chỉ như ôm hay thơm má là một cách thể hiện tình yêu và sự gần gũi tự nhiên, miễn là nó không đi quá giới hạn hoặc gây khó xử cho trẻ. Trẻ cần hiểu rõ về giới tính, nhưng cũng phải biết rằng các hành động tình cảm như ôm, thơm không phải lúc nào cũng phải bị giới hạn bởi giới tính, mà là một phần của tình cảm trong gia đình.
Còn với những người phản đối hành động này, họ cho rằng việc hạn chế những cử chỉ đó có thể giúp trẻ hiểu rõ hơn về sự phân biệt giới tính từ sớm, tránh những tình huống không phù hợp khi lớn lên. "Giáo dục giới tính như vậy là đúng. Đến 1 độ tuổi nhất định thì kể cả bố cũng nên giữ giới hạn tiếp xúc với con gái và ngược lại. Ở thời buổi này thì con nên được hướng dẫn và quán triệt từ bé, còn hơn là để con tò mò tự tìm hiểu rồi gây ra hậu quả gì ai biết được", một người nêu ý kiến.

Ảnh minh hoạ
Chuyên gia nói gì?
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, giáo dục giới tính sớm là cần thiết. Cụ thể, trẻ dưới 2 tuổi cần biết tên gọi chính xác của các bộ phận sinh dục, đâu là địa điểm thích hợp để chạm vào các vùng riêng tư; Nhóm tuổi từ 2 - 5, trẻ cần được biết khi nào được phép chạm vào người khác và ngược lại…
Tuy nhiên nếu dạy không khéo trẻ nhỏ sẽ sợ và xa cách người thân. Thay vì các em rất vô tư trong giao tiếp với người thân, trẻ lại bất an, thay đổi suy nghĩ và đề phòng.
Người lớn có thể giới thiệu cho con về các vòng tròn giao tiếp. Khoảng cách giao tiếp cũng như cách tiếp xúc, từ việc ôm hôn đến bắt tay là tùy theo các vòng giao tiếp.
Trong đó, tâm vòng tròn dành cho những người ruột thịt như bố đẻ, mẹ đẻ, anh chị em ruột trẻ. Hành vi thể hiện tình cảm phù hợp của con và cha mẹ là ôm hôn, bế ẵm, nắm tay ở bên ngoài lớp quần áo. Điều quan trọng nhất là làm cho một đứa trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn. Cha mẹ cũng nên xin phép trẻ trước khi thể hiện tình cảm. Nếu trẻ không thoải mái, tốt nhất nên dừng lại.
Cha mẹ cũng nên dạy trẻ những ranh giới không gian cá nhân. Khi trẻ còn quá nhỏ, cha mẹ có thể giúp con tắm rửa, bác sĩ, y tá có thể thăm khám các bộ phận riêng tư trên cơ thể trẻ khi có bệnh (với điều kiện có sự chứng kiến của cha mẹ đẻ). Ngoài ra, tuyệt đối không ai được phép chạm vào ngực và vùng kín của trẻ, cũng không ai được bắt trẻ tự chạm vào các khu vực đó.
Nhiều phụ huynh thoải mái hôn môi, đụng vào vùng kín của con. Đối với phụ huynh là thể hiện thương yêu nhưng họ không hiểu rằng vô hình trung họ đã làm cho trẻ quen với việc bị động chạm vào người và từ đó mất đi bản năng phản kháng tự nhiên.
Vòng tròn tiếp theo, dành cho người thân cận như bà con họ hàng, thầy cô, bạn bè, được quyền nắm tay, cho phép vuốt tóc, vỗ vai, xoa đầu. Vòng tròn thứ ba dành cho người quen tin cậy, bé được quyền bắt tay, chào hỏi, trò chuyện,... Vòng tròn thứ tư dành cho người lạ, bé chỉ cần vẫy tay chào.
Cha mẹ có thể hướng dẫn giúp trẻ phân biệt đâu là đụng chạm an toàn và như thế nào là đụng chạm không an toàn. Con nên hiểu rằng một cái bắt tay, một cái ôm từ người mà con tin tưởng như: Vỗ nhẹ vào lưng, vòng tay qua vai con là an toàn. Tuy nhiên, những đụng chạm đó sẽ thành không an toàn nếu đi kèm với một số dấu hiệu sau: Ai đó đe dọa sẽ làm tổn thương con nếu con nói ra việc họ đã làm; Ai đó ép con chạm vào họ; Cái chạm khiến con lo lắng và sợ hãi; Một người chạm vào những vùng kín trên cơ thể con…