Căng não cứu sống bé sơ sinh có rất nhiều sữa mới lẫn sữa cũ đã vón cục nhuốm màu vàng giống phân trong ổ bụng
Sau sinh 3 ngày, bé có dấu hiệu giảm bú, ọc sữa. Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện ổ bụng của bé chứa rất nhiều sữa mới lẫn sữa cũ đã vón cục nhuốm màu vàng giống phân.
Đó là trường hợp bé trai sơ sinh con sản phụ N.T.H. (quê Quảng Vương, Thanh Hóa).
Bệnh nhi sinh ra khi mới 33.5 tuần tuổi, cân nặng 2,1 kg. Sau sinh 3 ngày bé có biểu hiện giảm bú, ọc sữa nên được chuyển đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Đồng Nai.
Tại BV bé được thăm khám, làm các xét nghiệm và hội chẩn. Sau khi bác sĩ phẫu thuật chẩn đoán bị thủng đường tiêu hóa, bé được chuẩn bị tiền phẫu và phẫu thuật ngay sau đó.
Quá trình mổ, phẫu thuật viên phát hiện ổ bụng bệnh nhi chứa rất nhiều sữa mới lẫn sữa cũ đã vón cục nhuốm màu vàng giống phân. Kiểm tra toàn bộ ruột non đại tràng không phát hiện lỗ thủng nhưng ruột non bị viêm, sưng dày thành ruột do bị ngâm trong ổ bụng chứa nhiều chất dơ cùng chất tiết axit dạ dày.
Kiểm tra dạ dày, bác sĩ phát hiện vết rách rất to (đường kính 4cm) xung quanh có nhiều già mạc.
Bác sĩ tiến hành hút sữa, dịch viêm trong khoang bụng, rửa sạch toàn ổ bụng, cắt lọc mép rách dạ dày, khâu lại vết rách 2 lớp chỉ.
Sau khâu không thấy xì rò, tuy nhiên dạ dày khá căng và có dấu hiệu bị nghẹt lối ra. Lúc này các bác sĩ phát hiện thêm 1 dị tật đi kèm là tắc tá tràng bẩm sinh đoạn thứ 3, type 3A (ruột mất liên tục kiểu 2 dầu tận là túi cùng).
Theo bác sĩ Vũ Công Tầm, Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức của BV, cuộc mổ tới đây chuyển qua tình huống phức tạp vì thời gian kéo dài, môi trường phẫu thuật xấu do viêm phúc mạc.
Dù vậy trước tình huống nguy hiểm cho sinh mạng bé, ekip điều trị buộc phải tiếp tục phẫu thuật nối tá tràng. Ca mổ kéo dài 3 tiếng đồng hồ kết thúc thành công.
Hậu phẫu là giai đoạn hồi sức được tiên đoán nhiều sóng gió vì bé có nhiều yếu tố tiên lượng nặng như: sinh non, nhẹ cân, ổ bụng nhiễm bẩn do thức ăn và dịch tiêu hóa.
"Nhiều miệng nối trên đường tiêu hóa, đặc biệt vị trí tá tràng khó phẫu thuật mà dễ xì rò, ca mổ kéo dài. Bé được chăm sóc tích cực với kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, giường nôi có sưởi ấm...
Khi diễn tiến khá thuận lợi thì bụng bé chướng hơn và ống dẫn lưu bụng ra dịch xanh nhạt khiến nhân viên y tế vô cùng lo lắng vì sợ vết khâu nối xì rò" - bác sĩ Tầm nói.
Sau buổi hội chẩn, các bác sĩ đề ra 1 số biện pháp can thiệp như thay ống thông dạ dày và hút ngắt quãng để giải áp dạ dày và tá tràng; tăng cường kháng liều cao và mạnh hơn; nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần...
Hậu phẫu 10 ngày, bụng bé bớt chướng, mềm hơn, dịch bụng ít dần và chuyển sang màu vàng sinh ký.
13 ngày sau mổ, bé bú được sữa, tiêu hóa tốt và đã chiến thắng được tử thần.