Càng học cao, càng khó lấy chồng?

,
Chia sẻ

Có phải một cô gái treo bằng cấp đầy mình thì càng nhiều anh chàng cầu hôn? Hay càng học cao, tài giỏi, thông minh, thành đạt lại càng dễ làm đàn ông... sợ?

Những phụ nữ có học vấn càng cao thì sẽ khó lấy chồng?

Sai. Một nghiên cứu mới về tỷ lệ hôn nhân của những năm 1990 cho thấy những phụ nữ tốt nghiệp đại học hay cao đẳng vẫn thường có tỷ lệ kết hôn cao hơn những người không tốt nghiệp, cho dù họ có kết hôn ở tuổi muộn hơn. Đây là sự thay đổi so với quá khứ: Khi đó phụ nữ có học vấn lại ít cơ hội lấy chồng được đúng như ý muốn của mình hơn.

Hôn nhân luôn luôn có lợi cho đàn ông hơn là đối với phụ nữ?

Sai. Các cuộc nghiên cứu mới đều cho thấy đàn ông và phụ nữ hưởng lợi từ hôn nhân như nhau, mặc dù theo các cách khác nhau. Cả đàn ông và phụ nữ đều sẽ sống lâu hơn, hạnh phúc hơn, mạnh khỏe hơn và giàu có hơn sau khi kết hôn. Ví dụ, những người chồng thường được hưởng nhiều lợi thế về mặt sức khỏe, trong khi đó, những người vợ sẽ có lợi về mặt tài chính hơn.

Độ tuổi kết hôn là thước đo tốt nhất dự đoán mức độ thành công của cuộc hôn nhân?

Đúng. Lý tưởng nhất là cả hai đã trưởng thành và có thể tự lập trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Khả năng tự lập và sự trưởng thành thông thường tăng tương ứng theo tuổi tác và kinh nghiệm sống. Cuộc khảo sát về thái độ của mọi người với quan hệ và hôn nhân cho thấy: Nhìn chung, những cặp trẻ tuổi quan tâm tới vật chất hơn và ít thông cảm cho nhau. Trong khi các cặp vợ chồng đã cưới nhau được nửa thế kỷ coi chìa khoá cho cuộc hôn nhân hạnh phúc chính là sự bao dung độ lượng.

Một mối quan hệ ngoài vợ chồng không hẳn phá hỏng cuộc hôn nhân hoàn toàn?

Đúng. Thật là kinh khủng khi phát hiện bạn đời không chung thủy. Sự gắn bó, gần gũi, thân mật cũng như tin cậy lẫn nhau giữa hai người là hoàn toàn riêng tư và chỉ dành riêng cho họ thôi. Do đó, khi việc ngoại tình xảy ra, một số người thề không bao giờ tha thứ cho chồng/vợ của mình vì họ cảm giác không thể làm thế. Điều đó cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng đã vượt qua thời kỳ sóng gió này và cuộc hôn nhân của họ trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết.
 

Đến một lúc nào đó, người ta bỗng không còn yêu nhau nữa?

Sai. Nhiều người nghĩ, họ cần phải ly hôn vì không còn yêu bạn đời của mình nữa. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản là vậy. Tình yêu mất dần đi do chúng ta không còn đặt hôn nhân ở vị trí ưu tiên số một nữa. Một trong những lý do hàng đầu dẫn đến ly hôn là các cặp vợ chồng không dành đủ thời gian cho nhau. Khoảng cách và sự xa lạ dần khiến vợ chồng có cảm giác họ đã hết yêu nhau. Thứ hai, tình yêu không chỉ là sự cảm nhận mà còn do những quyết định trong cuộc sống hôn nhân tạo ra. Mỗi người tự quyết định xem sẽ sử dụng thời gian cho cuộc sống vợ chồng hay dành nó cho những vấn đề cá nhân khác, tha thứ cho nhau hay mãi chỉ trích nhau, chấp nhận những yếu điểm của nhau hay đem chúng ra để chê bai, xin lỗi khi phạm lỗi hay khăng khăng giữ ý kiến của mình, rộng lượng và sẵn lòng cho đi hay luôn đặt những nhu cầu cá nhân lên trên hết.

Hai vợ chồng có khuynh hướng ly hôn nếu họ có những quan niệm yêu ghét hay sở thích khác nhau, cũng như có xuất thân khác biệt?

Sai. Một nghiên cứu cho thấy, những cặp sống hạnh phúc chẳng phải vì họ có nhiều điểm giống nhau hơn các đôi ly hôn. Họ cũng xuất thân, theo những tín ngưỡng khác nhau và có khi chẳng chung nhiều sở thích. Điều khác biệt là họ học được cách dung hòa những sự khác biệt giữa hai người và cách giải quyết mâu thuẫn. Họ nuôi dưỡng các sở thích chung và nỗ lực phát triển các sở thích mới khi có thể. Họ tin cuộc sống sẽ nhàm chán nếu người này hoàn toàn là cái bóng của người kia. Thay vì thế, cả hai trân trọng sự khác biệt của nhau và tìm cách sống chung một cách hòa bình với điều đó.

Tình yêu là tất cả những gì bạn cần cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc?

Sai. Hầu hết các cặp vợ chồng khi cưới đều nói “chúng tôi yêu nhau”. Tuy nhiên, 1/3 số đó lại kết thúc cuộc sống vợ chồng bằng ly dị, thường trong những năm đầu tiên của cuộc hôn nhân.

Sống thử sẽ làm cho chúng ta có một cuộc hôn nhân bền vững hơn?

Sai. Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ những ai từng sống chung với nhau trước khi đám cưới diễn ra sẽ có hôn nhân ít hạnh phúc và nguy cơ đổ vỡ cao hơn. Trên lý thuyết, sống chung trước hôn nhân tương tự như một khoá “huấn luyện” nhằm cải thiện cuộc hôn nhân chính thức sau đó, nhưng thực tế cho thấy ngược lại. Mức ly dị tăng rõ rệt đối với các cặp đã sống chung trước khi cưới.

Hầu hết những người đã ly hôn không lập gia đình một lần nữa?

Sai. Khoảng 75% những người ly hôn sẽ tái hôn. Mức độ thất bại của những cuộc tái hôn này lại cao hơn khi kết hôn lần đầu, ngay cả khi cả hai bên đều không có con riêng. Vì vậy, để tái hôn, "công tác chuẩn bị" về mọi mặt cho lần kết hôn thứ hai sẽ phải gấp đôi lần thứ nhất.

 Hải Minh
Tổng hợp
Chia sẻ