Cần Thơ: Bọ cánh cứng bay vào miệng, chui xuống phổi bé trai 8 tháng tuổi
Phát hiện bọ cánh cứng bay vào miệng con, người mẹ dùng tay định móc ra nhưng con côn trùng thoát được, chui sâu xuống khí quản khiến bé trai bị suy hô hấp nặng.
Chiều 8-6, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa cấp cứu cho một trường hợp bệnh nhi bị dị vật côn trùng chui vào miệng.
Bệnh nhi tên N.V.C.T (8 tháng tuổi, quê Cần Thơ), nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, phù nề và tổn thương đường thở.
Bệnh nhi T. được điều trị tại BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM).
Theo lời kể của mẹ cháu bé, vào sáng 2-6, người phụ nữ phát hiện một con bọ cánh cứng bay trong nhà liền chạy đến đuổi. Tuy nhiên, con côn trùng bất ngờ đậu lên tay đứa trẻ. Thấy có vật lạ, theo phản xạ của trẻ nhỏ, bé T. liền há miệng ra định cắn lấy thì bị con bọ bay vào miệng.
Quá hoảng hốt, người mẹ ngay lập tức dùng tay cho vào miệng đứa bé định móc ra. Tuy nhiên do con vật còn sống nên vùng vẫy được và tiếp tục chui sâu xuống phía dưới.
Ảnh chụp phim cho thấy côn trùng đã nằm ở khí quản bệnh nhi.
Cháu bé sau đó được gia đình đưa đến một bệnh viện tại Cần Thơ, tuy nhiên vì tình trạng nặng nên tiếp tục được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) ngay trong đêm.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy – Phó Khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 1 cho biết, khi đến BV, bệnh nhi đã được đặt nội khí quản ở tuyến trước. Con bọ cánh cứng đã chết rồi nhưng nằm trong khí quản đến 8 tiếng, tiết đầy dịch trong cơ thể vào lòng khí quản đứa bé làm khí quản rất là bẩn. Vì đã nằm sâu bên trong nên trong lần cấp cứu đầu tiên, các BS chỉ gắp được nửa bụng, còn đầu và mình con bọ bị tụt xuống phần khí quản.
"Vì loài côn trùng có đặc tính tiết axit khiến niêm mạc khí quản của bệnh nhi bị bỏng. Trong trường hợp này, chúng tôi phải giải quyết làm sao cho trống một bên phổi để đứa trẻ có thể thở. Khi nhận thấy oxi cung cấp cho cơ thể đã đạt 99%, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, đường thở ổn định, chúng tô tiếp tục tiến hành gắp dị vật lần thứ 2".- NS Huy nói.
Con bọ cánh cứng tiết axit khiến niêm mạc khí quản bệnh nhi bị bỏng.
Lần này, các phần còn lại của con quýt có chiều khoảng 2cm được lấy ra toàn bộ. Kết quả là phổi của bé T. tốt lên hẳn, rút được nội khí quản. Sau khi được điều trị bằng kháng sinh và kháng viêm, cháu bé đã bú và sinh hoạt bình thường. Dự kiến trước khi xuất viện, bệnh nhi sẽ được chụp hình tim và phổi để kiểm ra lại lần nữa.
Cũng theo BS Huy, dù đã từng tiếp nhận những ca dị vật nằm sâu trong đường thở của trẻ 3 tháng, thậm chí 6 tháng, tuy nhiên hơn 30 năm làm việc tại BV Nhi Đồng 1, đây mới là lần đầu tiên ông tiếp nhận một trường hợp bọ cánh cứng bay vào miệng và chui sâu vào khí quản bệnh nhi.
Con bọ cánh cứng sau khi lấy ra.
Bác sĩ Nguyễn Thế Huy khuyên phụ huynh nên chú ý đến các biểu hiện của trẻ để có cách sơ cứu phù hợp khi phát hiện trẻ hóc dị vật.
"Thay vì vỗ lưng cho em bé thì người mẹ lại thọc tay vào móc, vô tình đẩy con côn trùng vào sâu bên trong họng hơn. Lúc này, khí quản co thắt khiến em bé có những cơn tím tái, ngạt thở, dẫn đến suy hô hấp nặng" – BS Huy dẫn chứng.
Do đó qua trường hợp trên, các BS khuyên phụ huynh cần chú ý, khi thấy con đang sinh hoạt bình thường mà bất ngờ sặc, ho dữ dội, tim tái, khó thở thì cần kiểm tra xem trẻ có bị hóc dị vật không. Nếu có thì phải tống ra ngay lập tức bằng những cách như vỗ lưng, ấn ngực… Việc sơ cứu đúng đắn sẽ giúp trẻ thoát hiểm và thuận lợi hơn, tiết kiệm hơn rất nhiều trong chữa trị.