Cẩn thận mắc bệnh truyền nhiễm vì phun, xăm không an toàn
Phun, xăm ở các cơ sở không có giấy phép, không đảm bảo an toàn... tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến người phun xăm dễ gặp phải các biến chứng, nguy cơ...
Thiếu tự tin vì khuôn mặt có hàng lông mày không ra dáng, môi thâm, chị T.T.N. (trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tìm đến cơ sở phun, xăm để làm đẹp.
"Sau khi nghe bạn bè giới thiệu, qua Facebook tôi đặt lịch với chủ tiệm rồi tới làm. Khi làm, nhân viên bôi thuốc ủ tê rồi dùng máy phun môi và chân mày. Lúc ra về chủ tiệm đưa cho tuýp thuốc bôi, dặn kiêng nước, rau muống, thịt bò, thịt gà mấy ngày… Rất may sau một tháng, chân mày và môi tôi không xảy ra biến chứng hay vấn đề gì bất thường chứ thực sự khi tới làm tôi cũng quên để ý đến an toàn, không xem chủ tiệm đã thay kim với vệ sinh dụng cụ trước khi làm chưa. Khi về nhà sực nhớ ra nên bản thân cứ nơm nớp lo lắng sợ lỡ bị lây bệnh" - chị N. nhớ lại.
Không may mắn như chị N., chị N.L.P. (trú tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) phải đi tới bác sĩ da liễu để điều trị vì bị dị ứng mực xăm chân mày.
"Muốn có chân mày đẹp nên tôi tìm tới cơ sở phun, xăm. Thế nhưng, sau khi về nhà, hai bên lông mày tôi bắt đầu sưng tấy, đau nhức. Tôi cứ nghĩ đó là hiện tượng bình thường sau khi hết thuốc tê. Tuy nhiên, càng ngày chân mày càng sưng, còn có dấu hiệu mưng mủ, đau rát khiến tôi vô cùng hoảng sợ. Khi tới cơ sở y tế khám, bác sĩ bảo tôi bị dị ứng với mực xăm, kèm thêm hiện tượng nhiễm trùng, phải uống thuốc và điều trị một thời gian tôi mới ổn định sức khỏe" - chị P. chia sẻ.
Thực tế, ngày càng có nhiều chị em lựa chọn làm đẹp bằng cách phun, xăm, bởi đây là phương pháp làm đẹp đơn giản để khắc phục những nhược điểm trên khuôn mặt, chi phí lại hợp lý và dễ thực hiện. Phun, xăm thực chất là biện pháp dùng kim chạy trên da nhằm đưa một lượng chất tạo màu (mực) vào sâu dưới lớp thượng bì của da. Hiện nay có 2 cách thức thực hiện là xăm bằng tay hoặc phun bằng máy, trong đó phun, xăm bằng máy khá phổ biến. Do dùng các mũi kim nhỏ đâm xuyên trực tiếp vào da nên phun, xăm sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt nếu thực hiện tại các cơ sở thẩm mỹ thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, cơ sở vật chất không đảm bảo, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm lây lan.
Do dùng các mũi kim nhỏ đâm xuyên trực tiếp vào da nên nếu thợ phun, xăm không được đào tạo, không chú trọng đến việc thay kim mới, khử trùng dụng cụ, máy móc… rất dễ khiến người phun, xăm bị nhiễm khuẩn, lây nhiễm HIV/AIDS… Chưa kể các rủi ro có thể gặp phải như dị ứng mực xăm do các cơ sở dùng mực không rõ nguồn gốc xuất xứ, mực chứa thành phần độc hại. Để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra, khi phun xăm, người dân nên lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín và chất lượng, đồng thời yêu cầu nhân viên thay kim mới, khử trùng dụng cụ trước khi tiến hành phun, xăm… Nếu sau khi phun, xăm có biểu hiện khác thường thì cần tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, các cơ sở đăng ký dịch vụ liên quan đến hoạt động phun, xăm, thêu trên da, nhân sự làm việc ở các cơ sở này ngoài chứng nhận, chứng chỉ hành nghề phun, xăm, thêu trên da, còn phải có giấy chứng nhận đã được tập huấn về phòng, chống lây nhiễm các bệnh qua đường máu, dịch sinh học. Người làm nghề phun xăm phải được tập huấn và có giấy chứng nhận tương tự giấy phép chứng chỉ nghề của Sở Lao động Thương binh và Xã hội cấp cho ngành phun xăm thẩm mỹ.