Cận Tết, người dân bức xúc vì giá điện lại tăng

Huyền Trang,
Chia sẻ

Quyết định tăng 5% giá điện từ ngày 22/12 vừa qua đặc biệt khiến người dân bức xúc vì rơi đúng thời điểm cận Tết, có rất nhiều khoản chi tiêu phải lo.

Giá hàng tiêu dùng “phiêu” cùng giá điện, người dân kêu khổ

EVN cho rằng việc tăng giá điện không tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, vì chỉ tăng thêm 5%. Với những hộ gia đình không có mức tiêu thụ điện quá lớn (chỉ dưới mức 500 kWh) sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, nhiều chị em phụ nữ chia sẻ, trong vòng một tuần trở lại đây, nhiều mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực thực phẩm đã rục rịch tăng theo giá điện.

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (Tạ Quang Bửu, Q. Hai Bà Trưng) làm nghề sửa quần áo cho biết, tiền điện chiếm khoảng 10% tổng chi tiêu cả tháng của gia đình chị. Ngoài những thiết bị điện thông dụng, nhà chị còn dùng đèn sưởi nhà tắm, máy khâu và bàn là hơi, những “thủ phạm” ngốn nhiều điện. Chị chia sẻ, cả nhà rất có ý thức tiết kiệm điện, đèn sưởi nhà tắm hôm nào rét lắm mới bật, vậy mà tháng nào nhà chị cũng phải chi khoảng 1 triệu – 1,2 triệu tiền điện, mùa hè nhích thêm 200.000 – 300.000 đồng.

Cận Tết, người dân bức xúc vì giá điện lại tăng 1
Chị Huyền lo lắng nhìn hóa đơn điện


“So với thời gian trước tháng 7, nhà tôi chỉ tốn thêm chút ít tiền điện, nên cũng không để ý mấy. Nhưng đợt này nghe giá điện tăng thêm mà choáng. Nếu điện tăng 5%, mọi thứ chi tiêu khác cũng tăng 5% thôi thì không sao, đằng này mọi thứ cứ lên vùn vụt. Đã vậy, cuối năm có biết bao thứ để lo, nào sắm Tết, nào mừng đám cưới! Loáng cái đã nhẵn ví rồi!” – chị Huyền than thở.

Cùng tâm trạng với chị Huyền, chị Nguyễn Thị Hà (Cự Lộc, Q. Thanh Xuân), chủ cửa hiệu photo copy, thở dài: “Mỗi tháng nhà tôi dùng hết khoảng 500 số điện, tốn kha khá tiền. Giá điện cứ tăng thế này, làm ăn chán lắm! Tăng giá photo thì sợ mất khách, mà không tăng thì “lõm” vì mặt hàng nào cũng lên.”

Cận Tết, người dân bức xúc vì giá điện lại tăng 2
Chị Hà cũng lo lắng vì giá điện


Chị bức xúc nói thêm: “Lúc nào cũng nghe ngành điện kêu lỗ, lỗ mà lương thưởng vẫn cao ngất! Bây giờ nếu ngành nào cũng kêu phải tăng giá để bù đắp lỗ cho những năm trước, người dân phải è cổ ra gánh thay hết à?”

Với bà nội trợ Nguyễn Thị Minh Thu (khu tập thể 30/5, Đại Kim, Q. Hoàng Mai), giá điện tăng 5% cũng không là quá nhiều, vì cả nhà ba người chỉ tốn khoảng 500.000 đồng – 600.000 đồng/tháng. Nhưng cũng như nhiều phụ nữ khác, cô rất lo lắng vì giá thực phẩm đã lên từ 3 – 5 giá so với tuần trước.

Cận Tết, người dân bức xúc vì giá điện lại tăng 3
Cô Minh Thu cho biết, nhà mình rất tiết kiệm điện


“Người bán hàng viện dẫn đủ loại lý do để tăng giá. Ngay thực phẩm như trứng gà, mấy hôm trước còn 30.000 đồng/chục, giờ đã lên 35.000 đồng. Hỏi thì họ bảo trời lạnh, phải bật lò sưởi cho gà, thúc đèn để gà đẻ! Họ nói thế thì mình cãi thế nào được!”, chị bày tỏ quan điểm.

Cũng thuộc nhóm những người “vô tư” trước tin tăng giá điện, chị Lưu Lan Phương (Hà Đông) cho hay, nhu cầu sử dụng điện của gia đình chị không cao. Cả hai vợ chồng chị đều là công chức, hai cậu con học bán trú, cả nhà chỉ tập trung dùng điện nhiều vào chiều và tối, nên dùng “tẹt ga” cũng hết chừng 400.000 đồng/tháng.

Cận Tết, người dân bức xúc vì giá điện lại tăng 4
Gia đình chị Phương phải chi không nhiều cho tiền điện, nhưng cũng lo lắng vì giá cả tăng


Là một kế toán, chị Phương phân tích: “Cần phải nhìn vấn đề tăng giá điện ở nhiều phía, đáng ngại nhất là giá điện tăng vào thời điểm này như tạo thêm cớ cho giá cà thị trường “té nước theo mưa”. Còn việc ngành điện lỗ hay lãi, phải phân tách được lỗ và lãi của ngành điện là do những đầu tư trong ngành hay ngoài ngành, rồi cả vấn đề thất thoát nữa. Tôi được biết tỉ lệ thất thoát điện của ta khá lớn, nếu giải quyết được thất thoát sẽ không lo thiếu điện, không lo tăng giá.”

Với những hộ gia đình có nhà, được dùng điện theo giá Nhà nước, tác động của giá điện có vẻ không quá nghiêm trọng, nhưng với những người đi thuê nhà, đây quả là tin “động trời”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tú (khu đô thị Mỹ Đình), nhân viên truyền thông của một Tập đoàn Tài chính cho biết, mỗi tháng nhà chị dùng ngót 300 số điện, nhưng vì phải đóng tiền điện theo giá quy định của chủ chung cư (4.000/số), nên lúc nào cũng hết cả triệu đồng. Tiền điện chiếm khoảng 30% trong tổng chi tiêu của gia đình chị mỗi tháng.

“Giá điện tăng thêm 5% đã “hợp thức hóa” cho nhiều loại hàng tăng giá từ trước và cũng là cái cớ cho hàng loạt mặt hàng tiếp tục leo thang, nhất là trong những ngày cận kề Tết nguyên đán. Điều đó không chỉ  gây ảnh hưởng cho riêng gia đình tôi mà nhiều hộ dân quanh nhà tôi đều kêu ca. Lúc nào tăng giá điện, EVN chẳng lấy lý do bù lỗ. Nhưng bù lỗ thì bù, cũng phải nghĩ đến dân sẽ khốn đốn như thế nào chứ!”

Ngay cả cánh mày râu, vốn ít “tám” chuyện chi tiêu gia đình cũng hết sức quan tâm. Anh Nguyễn Quang Hà, nhân viên kinh doanh, cho hay, bà xã anh cũng “kêu như vạc” vì giá điện tăng. Anh thuê nhà ở Kim Mã, Ba Đình, dù giá điện chỉ 2.500 đồng/số nhưng tháng nào tiền điện cũng ngốn hết 800.000 – 900.000 đồng vì nhà anh có con nhỏ, mùa đông phải bật máy sưởi gần như cả ngày.

Cận Tết, người dân bức xúc vì giá điện lại tăng 5
 Anh Quang Hà không khỏi lo lắng trước tin giá điện tăng


Anh Nguyễn Văn Tình ở nhà trọ tại Quan Nhân, Thanh Xuân cũng ngậm ngùi: “Tháng trước, giá điện chưa tăng, tôi đã phải trả cho chủ trọ 3.500 đồng/ số rồi. Tháng này chưa thấy chủ trọ đả động tăng giá điện, nhưng nếu có tăng cũng phải chịu. Bây giờ thuê nhà rất khó, có nơi còn thu tiền điện, nước cao hơn chỗ tôi ở. Đành chăm chỉ làm việc để kiếm thêm tiền vậy.”

Muôn kiểu thắt chặt chi tiêu, sống chung với “lũ giá”

Nhiều người dân nói đùa, họ đã quen sống chung với “bão giá”, giờ làm quen với “lũ giá” cũng không quá khó. Chắt bóp hầu bao là biện pháp đầu tiên mà ai cũng nghĩ đến.

“Đằng nào thu nhập cũng không chạy kịp giá cả thị trường. Tôi chỉ có chút lương hưu, xoay xở bán hàng tạp hóa ở nhà để kiếm thêm chứ cũng chẳng có các nào khác. Ăn thì còn tiết kiệm được, nhưng tiêu thì không rút được. Các con tôi đều đã trưởng thành, không phải lo khoản học hành, nhưng có những chi phí như tiền hiếu hỷ, vật dụng gia đình… thì khó mà cắt giảm hơn nữa.” – cô Thu giãy bày.

Làm việc tự do, có cơ hội gặp gỡ nhiều người, anh Tình kể: “Nhiều người thắt chặt chi tiêu bằng cách hạn chế ăn cơm ở ngoài mà nấu cơm ở nhà mang lên. Tôi biết có người còn mang cả nồi cơm điện lên cơ quan, vài người góp tiền mua gạo, thức ăn nấu chung cho rẻ. Tiền điện thì đã có… cơ quan lo!”

Chị Hà, chị Huyền cho biết, họ phải chịu khó dậy sớm hơn để đi chợ từ sáng, mua hàng của những người bán rong từ nông thôn lên. Điện, nước thì tiết kiệm tối đa. “Nhỡ” có ai mời đám cưới thì thân lắm các chị mới dám đi, mà chỉ đi một người chứ không dám đi cả đôi hay cả gia đình như trước. Những đám nào không thân lắm đành đi mừng từ tối hôm trước.

Chị Thanh Tú thì cho rằng, các giải pháp để tiết kiệm điện phải mang tính xã hội, ý thức từ mỗi người dân cho đến nơi công cộng, công sở.

Cận Tết, người dân bức xúc vì giá điện lại tăng 6
Chị Thanh Tú


“Từ những việc đơn giản như tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết khi không dùng đến, tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, chỉ sử dụng máy điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết, cải tạo hoặc trang bị mới các thiết bị tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tiêu thụ điện lớn trong giờ cao điểm… đã tiết kiệm được không ít rồi!”, chị chia sẻ.

Anh Quang Hà phân tích: “Chẳng hiểu sao giá điện ở nước ta luôn ở mức nhỉnh hơn các nước khác. Có lẽ chỉ đến khi xóa bỏ cơ chế độc quyền, có nhiều công ty được phép bán điện cho dân, cạnh tranh về giá, dân mới đỡ lo. Biết là vẫn phải tiết kiệm, nhưng có những nhu cầu không thể tiết giảm được!”

Cận Tết, người dân bức xúc vì giá điện lại tăng 7
Anh Hà: chẳng biết sắp tới chủ nhà có tăng giá điện nữa không?


Chủ một doanh nghiệp may gia công đồ thể thao, bà Nguyễn Thu Hưng (Cự Lộc, Q. Thanh Xuân) lại cho rằng, vấn đề không nằm ở chỗ giá điện tăng hay thắt chặt chi tiêu. “Giá điện cũng phải tăng theo mặt bằng chung. Người dân thực ra vẫn có thể chịu được nếu tằn tiện, và các doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.”

Cận Tết, người dân bức xúc vì giá điện lại tăng 8
Bà Thu Hưng mong chất lượng dịch vụ sẽ nâng cùng giá điện


Bà phân tích: “Bất cứ người dân nào, kể cả doanh nghiệp đều mong rằng, sau khi tăng giá, ngành điện quan tâm nhiều hơn đến duy tu bảo dưỡng thiết bị để thất thoát giảm đi, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành và nông thôn. Người dân sẽ cảm thấy thoải mái nếu chất lượng phục vụ lên cao cùng với giá cả.”
Chia sẻ